Chuyển đổi thành cty cổ phần, khi nào và như thế nào?
Vốn ít, quy mô nhỏ, nhiều công ty tư nhân phải bỏ qua các cơ hội làm ăn, nhiều dự án khả thi cũng không thể thực hiện. Thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển đã mở ra lối thoát cho không ít công ty đang gặp khó khăn như vậy thông qua việc chuyển đổi thành công ty cổ phần (CTCP), phát hành cổ phiếu (CP) tăng quy mô vốn, nâng cấp quản trị. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng đang tạo ra những rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư (NĐT).
Nâng cấp quản trị, vấn đề quan trọng nhất
Cuối quý 1 năm 2007, Công ty TNHH ô tô Trường Hải chính thức chuyển đổi thành CTCP ô tô Trường Hải (Thaco). Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Thaco, cho biết, ông đã thai nghén mô hình CTCP vào những năm 1998 nhưng tại thời điểm đó, Thaco còn là công ty nhỏ, hoạt động chính là làm đại lý bán hàng cho các hãng xe: Daewoo, Daihatsu, Mercedes... và nhập khẩu, tân trang xe ô tô cũ. Chính vì vậy, dù biết được xu thế và sự linh hoạt của mô hình CTCP nhưng ông cũng nhận thấy, mô hình công ty tư nhân là vừa đủ. Sau 10 năm hoạt động, quy mô ngày càng mở rộng. Năm 2001, Thaco chính thức tham gia vào thị trường ô tô với tư cách là doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tiên đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam. Năm 2004, Thaco tiếp tục thành lập Công ty vận tải biển Chu Lai - Trường Hải; Công ty liên doanh sản xuất keo Việt - Gemphil; Công ty liên doanh sản xuất ghế và dây điện ô tô VCNA... Với quy mô và sự phát triển này, mô hình công ty TNHH không còn phù hợp. "Với Thaco, vấn đề quan trọng nhất khi chuyển sang CTCP là sự thay đổi về quản trị. Khi công ty lớn hơn đòi hỏi sự phân cấp, phân quyền với những quyền lợi đi kèm sẽ khiến bộ máy hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đó là chưa kể đến, trong môi trường hiện nay công ty lớn lên đòi hỏi sự liên kết với các công ty khác cả về trách nhiệm và quyền lợi. Mô hình cổ phần mới đáp ứng nổi những yêu cầu đó" - ông Dương nói.
CTCP Vĩnh Cửu cũng là công ty được đánh giá là thành công khi chuyển sang mô hình CTCP. Ông Trần Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, mục đích chuyển đổi của Vĩnh Cửu là huy động tài lực, vật lực. Sau gần 1 năm hoạt động theo mô hình mới với những kết quả bước đầu khả quan (tăng trưởng 30%/năm) kèm theo một số hạng mục đầu tư đã chín muồi, công ty mới lên kế hoạch phát hành CP huy động vốn và đặt mục tiêu niêm yết CP vào năm 2009. "Thành công lớn nhất của chúng tôi là đưa được một số cổ đông lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tư vấn về quản trị cho Vĩnh Cửu" - ông Vũ nói.
Huy động vốn - con dao 2 lưỡi
Lợi thế huy động vốn thông qua phát hành CP đang tạo lực hút đối với không ít DN tư nhân trong thời gian qua. Không ít công ty đã phát hành CP huy động vốn lợi dụng sự tăng trưởng nóng của TTCK để thu giá trị thặng dư. Điều nguy hiểm là không ít công ty do không có kế hoạch sử dụng vốn khả thi nên sau khi huy động vốn lại mang số tiền này "quăng" lại TTCK để kiếm lời. Những NĐT mua CP của các DN này sẽ vô cùng rủi ro. Giám đốc một DN đang chuẩn bị cổ phần hóa thừa nhận, huy động vốn là quan trọng nhưng cũng là con dao 2 lưỡi. Nếu công ty thật sự lớn, có những dự án khả thi đã chín muồi thì việc huy động vốn thông qua phát hành CP mới hiệu quả.
Ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán tài chính, nhận định, các công ty muốn chuyển đổi sang CTCP phải có chủ trương nhất quán và kế hoạch kinh doanh rõ ràng, nếu không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, khả thi thì nguồn vốn này sẽ trở thành gánh nặng. "Tái cấu trúc phải đi từ căn bản. Nó cải thiện về quản trị, tăng cường về sức mạnh, đội ngũ vì các chính sách phải đi theo các quy ước khi phát triển thành công ty đại chúng. Chính vì vậy, muốn tái cấu trúc công ty cần có chiến lược cụ thể, có sự chuẩn bị và lộ trình cụ thể. Phải tập dượt, huấn luyện đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên đi theo lộ trình đã vạch ra. Nếu không việc chuyển đổi sẽ đi vào bế tắc" - ông Huy Nam cho biết.
Thanhnien
|