Thứ Năm, 14/06/2007 13:28

“Tránh lập ngân hàng để bán cổ phiếu”

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quy chế cấp phép thành lập vào hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần với những điều kiện mới, trong đó quy định rõ các ràng buộc đối với các cổ đông tham gia góp vốn.

Ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định rằng việc thắt chặt này nhằm tránh tình trạng lập ra ngân hàng để bán cổ phiếu.

Thưa ông, những điểm mới của quy chế này là gì?

Thứ nhất, sau khi thành lập, các cổ đông sáng lập không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm và các cổ phiếu phổ thông không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Những điều này nhằm đảm bảo cho ngân hàng ổn định ít nhất là trong thời gian xây dựng hệ thống và tránh việc xin thành lập ngân hàng để bán cổ phiếu chứ không vì mục đích xây dựng ngân hàng này lớn mạnh.

Thứ hai, cổ đông nước ngoài không được tham gia ngay từ đầu mà họ chỉ tham gia sau khi ngân hàng thành lập theo Nghị định 69 của Chính phủ, tức là họ phải mua sau khi thành lập, mua cái đã có chứ không phải sáng lập ngay từ đầu. Thứ 3, phải có 3 cổ đông sáng lập lớn có vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng. 3 cổ đông lớn này phải có thực lực trong việc hỗ trợ ngân hàng.

Ngoài ra, việc xây dựng ngân hàng phải chuẩn bị khá đầy đủ về nhân lực các vị trí như tổng giám đốc, ban kiểm soát, thành viên hội đồng quản trị độc lập, các trưởng phòng, ban quan trọng. Phải có các quy chế về quản lý rủi ro và những người tham gia xây dựng đề án phải có kiến thức nhất định về ngân hàng, không kể những người trình độ chuyên sâu.

Nguồn vốn thành lập ngân hàng cũng không phải là nguồn vốn vay để tránh tình trạng tác động ngân hàng cho vay lại và đảm bảo nguồn vốn ngân hàng phải là nguồn vốn lành mạnh. Trong đề án, phải chứng minh được tính khả thi, như dự kiến tình hình kinh doanh trong 3 năm đầu tiên, khả năng kinh doanh dựa trên nguồn vốn và chứng minh ngân hàng có khả năng kinh doanh trên nguồn vốn và thu lãi.

Ông có nói đến trường hợp cổ phiếu phổ thông không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm, như vậy liệu có mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán không, vì những ngân hàng đó cũng là công ty đại chúng?

Vấn đề này cũng được một số người đặt ra. Tuy nhiên, ngay trong văn bản gần đây hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn là việc thành lập ngân hàng sẽ thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và các điều kiện thành lập sẽ do Ngân hàng Nhà nước quy định. Vì vậy, điều này thực hiện đúng Luật Tín dụng.

Theo Luật Doanh nghiệp, Chính phủ được phép đưa ra điều kiện thành lập các doanh nghiệp đặc biệt hay theo chuyên ngành. Trường hợp này, Chính phủ đã có văn bản giao cho Thống đốc ban hành các quy định với hai yêu cầu: thành lập ngân hàng phải được minh bạch và đảm bảo an toàn, chặt chẽ.

Ông nghĩ thế nào về xu hướng và nhu cầu của các địa phương cũng muốn thành lập ngân hàng?

Tôi nghĩ là sai lầm nếu ngân hàng chỉ phục vụ cho một địa phương vì ngân hàng phải hoạt động trên toàn quốc. Ngân hàng không nên bị ảnh hưởng của chính quyền địa phương vì khi chính quyền có vai trò lớn đối với ngân hàng thì ảnh hưởng đối với cho vay của ngân hàng hoàn toàn có thể xảy ra.

Tôi cũng xin lưu ý đến điều kiện có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập là tổ chức, phải là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng. Với yêu cầu vốn này, không phải địa phương nào cũng có doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu vốn đó. Ngoài Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, hầu hết các địa phương khác gần như không có doanh nghiệp quy mô như thế để tham gia góp vốn thành lập ngân hàng mới.

Một điểm nữa cần lưu ý đối với doanh nghiệp tham gia lập ngân hàng là nếu hoạt động kinh doanh tốt thì không sao, nhưng sau này làm ăn yếu kém thì sẽ dẫn đến những phát sinh ngoài ý muốn.

Với hơn 20 hồ sơ xin thành lập ngân hàng đã gửi về Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét và xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?

Đúng là hiện nay có hơn 20 bộ hồ sơ đã gửi về. Chúng tôi chưa có bất cứ một đánh giá chính xác nào về các hồ sơ đó. Khi quy chế được ban hành, có hiệu lực, chúng tôi sẽ gửi cho các chủ đầu tư thông báo về quyết định này và đề nghị họ chỉnh sửa hồ sơ theo đúng quy định, gửi lại Ngân hàng Nhà nước và khi đó mới là ngày chính thức chúng tôi tiếp nhận hồ sơ.

Tất nhiên là khi tiếp nhận hồ sơ xong chúng tôi sẽ đánh giá, yêu cầu bổ sung chỉnh sửa, chấp thuận hay không chấp thuận. Trong trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu sẽ trả lời không và nêu rõ lý do. Trong trường hợp bổ sung chỉnh sửa sẽ yêu cầu bổ sung chỉnh sửa và sau khi hoàn chỉnh thì khi đó mới có đánh giá chính thức.

Có hai bước phải thông qua là chấp thuận nguyên tắc và chấp thuận chính thức. Bước một, khi hồ sơ đạt được các tiêu chuẩn cơ bản thì được chấp thuận về nguyên tắc. Bước hai, hoàn tất nốt hồ sơ mới được chấp thuận chính thức. Với hồ sơ đầy đủ thì mất khoảng 3 tháng để xem xét và chấp thuận về nguyên tắc và khoảng 6 tháng để chính thức hoạt động.

Ông bình luận gì về hiện tượng rao mua - bán quyền mua cổ phiếu những ngân hàng chưa thành lập trên thị trường tự do hiện nay?

Theo tôi, những nhà đầu tư mua quyền mua cổ phiếu là rất rủi ro bởi vì hoàn toàn có những bộ hồ sơ bị bác bỏ, không được cấp phép và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tôi không bình luận chuyện bán quyền đó sai hay đúng, mà tôi chỉ khuyến cáo các nhà đầu tư rằng phải cực kỳ thận trọng trong việc mua quyền các ngân hàng chưa được thành lập vì rủi ro về mặt pháp lý là rất lớn.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu ngành dược: Đâu phải loại nào cũng hấp dẫn! (14/06/2007)

>   Temasek đầu tư vào Công ty Minh Phú (14/06/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty Cổ phần Bột mì Bình An (14/06/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu ra công chúng của CTCP Sông Đà 9 (13/06/2007)

>   Sẽ hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông của ngân hàng mới (13/06/2007)

>   16 nhà đầu tư lớn tham gia Eximbank (13/06/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty Cơ khí và Khai thác Cát Đá Sỏi (12/06/2007)

>   Incombank trình danh sách 3 nhà thầu tư vấn cổ phần hoá (12/06/2007)

>   Thị trường OTC: Thời điểm để mua vào (12/06/2007)

>   Nutifood chuẩn bị “lên sàn” (12/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật