Thứ Sáu, 29/06/2007 10:00

Người dân Trà Vinh nói về ông Trầm Bê

Hỏi chuyện về ông Trầm Bê, anh Ba Sự - Giám đốc Cty xây dựng Hàm Giang, Trà Vinh nhẩm tính: “Tôi nhớ không hết đâu nha, ông đã mua đất, san lấp xây chợ 1 tỷ đồng, Trường cấp 3 Hàm Giang 6,2 tỷ đồng, mua đất cất nhà cho người nghèo 7,5 tỷ, xây dựng chùa Vàm Ray gần 10 tỷ... Mới đây nhân ngày giỗ gia đình, ổng về quê tặng bà con nghèo 200 tấn gạo”.

“Đời người khi chết sẽ trở thành cát bụi. Mỗi lần về thăm quê thấy mấy đứa trẻ nghèo bỏ học, bà con quần quật trên mảnh ruộng không đủ cái ăn, tôi muốn rơi nước mắt, rồi thấy mình mang nợ quê hương. Phải làm cái gì đó góp phần cùng Nhà nước xây dựng quê hương giàu đẹp, thấy bà con xứ sở khá giả là tôi mừng!” - đó là quan niệm của ông Trầm Bê, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Triều An, TPHCM.

NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG

Năm 2003, sau những lần về thăm quê, ông Trầm Bê gặp anh Ba Sự để đưa ra quyết định táo bạo: “Tôi định thành lập Cty TNHH xây dựng Hàm Giang giao cho anh quản lý, anh thấy sao?”. Anh Ba Sự hỏi lại: “Thiệt chơi cha nội? Ai đời bỏ tiền thành lập công ty ở xứ khỉ ho cò gáy này!”. Ông Trầm Bê trầm ngâm nói: “Anh không hiểu ý tôi rồi. Cty Hàm Giang không nghĩa là kinh doanh lấy lãi mà mình cùng Nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Hồi chiều, tôi ra xã kiếm hoài không thấy cái chợ. Chợ không có, đường không có..., đời sống người dân làm sao khá lên được”.

Nghe lời tâm sự của ông bạn già, anh Ba mừng muốn rơi nước mắt. Thế là, hàng loạt công trình từ thiện ở xã Hàm Giang được ông Bê xây tặng. Trước tiên, ông bỏ tiền mua đất, san lấp mặt bằng xây dựng chợ trung tâm xã Hàm Giang gần 1 tỷ đồng để bà con có chỗ buôn bán. Có chợ rồi, ông lại quyết định cùng Nhà nước xây trường cho các em đến lớp. Nhiều điểm trường tiểu học, trung học cơ sở được Cty Hàm Giang xây dựng. Ông “vận động” Nhà nước cùng tham gia. Điểm trường nào địa phương kinh phí ít, ông góp xây dựng 4 phòng, nhà nước 2 phòng. Địa phương không có kinh phí, ông nhận đầu tư 100%. Nghe mấy đứa trẻ trong xóm học hết cấp 2 rồi bỏ học liên miên đi làm thuê, làm mướn, ông cất công đi tìm hiểu. Nhiều bậc phụ huynh muốn cho con đi học phải ở trọ bên xã Đại An. Lo nuôi con đi học còn thiếu trước hụt sau nói chi chuyện thuê chỗ trọ lo cho con ăn ngủ.

Đời ông Bê vốn nghèo khó, lớn lên đi lập nghiệp tận TPHCM, ông suy nghĩ “còn thất học, còn nghèo đói”. Ông mạnh dạn gặp lãnh đạo tỉnh, huyện, xã trình bày xây dựng Trường trung học phổ thông xã Hàm Giang. Ai nấy đều đồng ý trong nỗi mừng vui. Ông lại giao cho anh Ba mua đất tiến hành xây dựng Trường trung học phổ thông xã Hàm Giang. Ngày 4-9-2003, ngôi trường khang trang nằm ngay trung tâm xã được thành lập với kinh phí ông Bê đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng. Hiện nay, trường có 14 lớp cho hơn 500 em theo học, gần 20 cán bộ công nhân viên. Hôm chúng tôi ghé thăm trường, thầy Trần Trung Hiền đang dạy bồi dưỡng cho các em học sinh. Thầy Hiền cho biết: Mỗi tiết học, em học sinh nào lơ là không lo học liền bị thầy cô nhắc nhở “gắng học cho vui lòng ông Trầm Bê”. “Dân cả xã này không dám mơ ước được xây dựng ngôi trường cấp 3 khang trang, bề thế.

Công ông Trầm Bê lớn lắm. Chúng tôi luôn khuyên răn, nhắc nhở học sinh phải học tốt để đền đáp công ơn người có quyết tâm xây dựng ngôi trường cho các em học”.

Đối với giới Phật tử trong tỉnh Trà Vinh, hỏi ông Trầm Bê các tăng ni đều biết. Sư cả chùa Bà Giam kiêm Phó chủ tịch Hội sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh Diệp Tươi dẫn tôi tham quan ngôi chùa khang trang mới được trùng tu lại. Nhiều ngôi chùa ở tỉnh Trà Vinh được xem đẹp nhất các tỉnh ĐBSCL. Sư cả Diệp Tươi tự hào: “Ngôi chùa đẹp bề thế như thế này là nhờ ông Bê hết. Ông Bê giúp chúng tôi trùng tu, xây dựng nhiều lắm. Ngoài việc nâng cấp, ông Bê vừa đầu tư xây dựng mới hoàn toàn chùa Vàm Ray với vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Dự định tháng 11 năm nay sẽ hoàn thành. Tỉnh hỗ trợ xây dựng 20 tăng xá cho tăng ni theo học hơn 2 tỷ đồng. Đến khi hoàn thành, kinh phí nhảy vọt lên hơn 3 tỷ. Hội nhờ ông Bê giúp đỡ. Nghe đề nghị của chúng tôi, ông Trầm Bê gật đầu cái “rụp”. Chúng tôi đến thăm chùa Vàm Ray, Bà Giam, Cà Hom... Tên ông Trầm Bê cùng vợ và gia đình được trịnh trọng ghi trên bảng vàng người có công giúp đỡ công trình.

Mới đây, ông đã đưa “sự kiện văn hóa” về làng quê nghèo xã Hàm Giang. Ngày 19-5, ông gặp anh Kim Ngọc Sương - Phó giám đốc Cty Hàm Giang đề nghị: “Xã mình phần đông là bà con Khơmer nhưng hoạt động phục vụ cho bà con ít. Anh tính vầy, nếu em đồng ý cho con làm Trưởng đoàn nghệ thuật Khơmer Triều An - Trà Cú được không? Anh đầu tư kinh phí. Em đi tuyển diễn viên đi. Cần gì cứ mua”. Hiện nay, đoàn có 46 nhạc công, diễn viên. Hàng tháng lãnh lương từ 1 triệu đồng trở lên. Ông Bê không quên “cấp” luôn phòng làm việc, phòng tập và xây dựng sân khấu ngoài trời biểu diễn cho bà con xem sau ngày vất vả trên đồng ruộng. Sau hơn 2 tháng thành lập, ông Bê đầu tư gần 700 triệu đồng.

ÔNG QUÊN NHƯNG DÂN NGHÈO NHỚ MÃI

Ông Trầm Bê, sinh năm 1959, con trai lớn trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Tuổi thơ nhiều cơ cực đã giúp ông có một ý chí vươn lên, một khát vọng làm giàu cho mình và cho xã hội. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, nay ông Trầm Bê đã trở thành một doanh nhân thành đạt, hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, bệnh viện, xây dựng khu dân cư... đem lại lợi ích lớn về kinh tế (ông Trầm Bê hiện đang là thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthemBank), Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An - TPHCM). Với tư duy kinh tế nhạy bén, dù đã rất thành công trong kinh doanh nhưng ông không dừng lại mà tiếp tục mở ra nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề để đóng góp cho xã hội tích cực hơn.

Có người hỏi ông Bê: “Anh có thể thống kê được là mình đã giúp bao nhiêu căn nhà, xây bao nhiêu trường không?”. Ông Trầm Bê vỗ trán: “Thú thật, tôi không nhớ đã góp xây dựng bao nhiêu căn nhà ở Trà Vinh, rồi xây trường học ở Trà Vinh, Kiên Giang, Bình Chánh (TPHCM), rồi tặng sổ tiết kiệm để phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở quận Bình Tân... Tôi làm từ thiện bằng trái tim mình. Tôi nghĩ, gia đình mình trước đây nghèo, nay mình kinh doanh được thì mình giúp lại bà con một phần lợi nhuận. Những việc làm ấy hoàn toàn tự nguyện nên nhiều khi làm xong rồi tôi cũng quên luôn”.

Việc làm từ thiện mà doanh nhân Trầm Bê quên nhưng những người dân nghèo thì nhớ mãi, nhớ suốt đời. Bà Trần Thị Bé Tư ở huyện Đức Huệ, Long An chấm chấm nước mắt: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo, phải làm thuê kiếm sống. Rồi tôi bị mù, cuộc sống càng cơ cực hơn. May thay, sau đó có đoàn công tác từ thiện của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho 100 người mù nghèo và tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hỏi ra mới biết, tổng kinh phí là 100 triệu đồng mà phần lớn do ông bà Trầm Bê tài trợ”.

Còn theo tiến sĩ Hoàng Hải - Phó Văn phòng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì ông Trầm Bê trong 5 năm đã ủng hộ trên 11,2 tỷ đồng để xây dựng nhà tình thương cho quỹ “Vì người nghèo”. Riêng đợt vận động cao điểm nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Trầm Bê và vợ đã ủng hộ 2 tỷ đồng, trong đó tặng 13 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng cho 13 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở quận Bình Tân, TPHCM.

Không chỉ giúp người dân vùng khó khăn miếng cơm khi đói, những năm qua ông Trầm Bê cũng quan tâm đến việc giáo dục, tạo việc làm, tạo nghề cho thanh thiếu niên. Ông đã giúp 16 tỷ đồng để xây dựng Trường cấp 1 xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM; chi 4 tỷ đồng xây dựng Trường THPT tại huyện Gò Quao, Kiên Giang và mới đây đầu tư trên 4 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm dạy nghề quận 9 tại phường Hiệp Phú, Q9, TPHCM.

Riêng với Báo SGGP, từ năm 2006 doanh nhân Trầm Bê đã tài trợ hàng năm cho “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân cơ nhỡ Báo SGGP” mỗi năm 100 triệu đồng bằng hình thức miễn viện phí cho các bệnh nhân nghèo do báo giới thiệu đến Bệnh viện Triều An.

TRẢI LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG

Anh Kim Ngọc Sương - Chủ tịch UBND xã Hàm Giang thừa nhận: “So với địa phương khác, Hàm Giang nghèo. Số hộ nghèo chiếm 55%. Từ ngày ông Trầm Bê giúp đỡ, diện mạo nông thôn xã Hàm Giang khác đi. Ngoài ra, ông Bê còn giúp nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nếu không có được sự giúp đỡ hết sức quý báu của ông Bê, chúng tôi không dám nghĩ xã Hàm Giang được như ngày hôm nay”.

Ngày hôm nay mà anh Sương nói là ngoài việc làm thay đổi diện mạo nông thôn, ông Trầm Bê giúp huyện Trà Cú 1.000 căn nhà tình thương, huyện Tiểu Cần 250 căn trị giá 7,5 tỷ đồng. Cách làm từ thiện của ông Trầm Bê, giúp dân là giúp đến “Z”. Ông mua đất, cất nhà liền kề cho dân rồi lo luôn việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân nghèo. Chị Thạch Pha La, ngụ ấp Cà Săng, gia đình chị suốt ngày làm thuê, làm mướn, tối về quây quần bên căn chòi mục nát. Được một căn nhà khang trang chỉ là ước mơ đối với gia đình chị. Hôm được UBND xã thông báo nhận nhà chị mừng đến phát khóc. Vậy là ước mơ an cư đã đến với bà con nghèo ở xã Hàm Giang. Dân có nhà nhưng cần phải có đường thuận tiện đi lại. Giao thông hoàn chỉnh, bộ mặt nông thôn mới đổi mới. Tranh thủ những lúc về thăm quê, ông đem ý định xây dựng con lộ bê tông từ UBND xã Hàm Giang đến Bến Bạ ngay bờ sông Hậu cho lãnh đạo địa phương thì nhận được tin: UBND tỉnh đang đầu tư con đường theo kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư 80%, người dân góp 20%. Nghĩ lại, dân nghèo lấy tiền đâu mà góp? Ông lại khăn gói lên UBND tỉnh tình nguyện nhận 20% tiền góp của dân hơn 1,2 tỷ đồng. Tháng 2 vừa rồi, nhân ngày giỗ gia đình, ông Bê mua 200 tấn gạo tặng 10.000 hộ dân ở huyện Trà Cú.

Chở tôi dọc quanh xã Hàm Giang bằng chiếc xe Honda trên con đường ông Bê nhận đóng góp thay dân, anh Ba Sự chỉ cho tôi ruộng mía trải một màu xanh của người dân: “Ông Bê định xây dựng nhà máy mía đường với công nghệ mới để giải quyết việc làm cho bà con. Kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng”. Tôi đem ý định xây dựng nhà máy mía đường của ông Trầm Bê nói với chị Sơn Thị Ánh Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh. Chị Hồng khẳng định: “Địa phương lúc nào cũng ủng hộ ông Trầm Bê. Một người hết lòng vì quê hương, vì dân nghèo... thì chúng tôi không có lý do phủ nhận công lao to lớn mà ông Trầm Bê giúp quê hương Trà Vinh”. Có lẽ với lý do trên, nhiều năm qua người dân tỉnh Trà Vinh gọi ông với cái tên hết sức thân mật “ông Bê làm từ thiện” bởi ông là người của mọi người.

Chị Sơn Thị Ánh Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: “Chúng tôi đang xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho ông Trầm Bê công tác xã hội hóa giáo dục!”.  Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của ông Trầm Bê. Ông đã xây trường, làm đường, cất nhà cho người nghèo... Trà Vinh là tỉnh nhiều khó khăn nên chúng tôi rất cần những vị Mạnh Thường Quân như ông Trầm Bê. Sở GD-ĐT tỉnh đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho ông Trầm Bê về công tác xã hội hóa giáo dục để biểu dương người hết lòng vì quê hương xứ sở như ông.

Thiện Thảo - Nhật Đăng

Công an TPHCM

Các tin tức khác

>   Người dân Trà Vinh nói về ông Trầm Bê (29/07/2007)

>   Vụ bầu Kiên bị bắt: Thông tin cần công khai, minh bạch (22/08/2012)

>   Syria bất ngờ để ngỏ khả năng Tổng thống Assad ra đi (22/08/2012)

>   Bộ TN - MT đối thoại với người dân Văn Giang (22/08/2012)

>   Bầu Kiên bị bắt, rồi sao nữa? (22/08/2012)

>   Vụ "trùm" Kiên: Nhiều tình tiết chưa được tiết lộ (22/08/2012)

>   Cán bộ điều tra: Ông Kiên tỏ ra khá bình tĩnh! (22/08/2012)

>   Luật hình sự: Tội kinh doanh trái phép nhận mức phạt nào? (21/08/2012)

>   Những động thái “lạ” tại cửa khẩu biên giới Móng Cái (21/08/2012)

>   Phỏng vấn bầu Kiên trước giờ bị bắt (21/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật