Vụ bầu Kiên bị bắt: Thông tin cần công khai, minh bạch
TS Lê Đăng Doanh: “Các cơ quan có trách nhiệm nên mau chóng tổ chức họp báo và đưa ra nhiều thông tin đầy đủ hơn nữa để trấn an dư luận”.
Chiều 20/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên) về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 – Bộ Luật hình sự và theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10) ngày 20/8/2012.
Dư luận và người dân đang có nhiều lời đồn đoán và cả những cách ứng xử khác nhau đối với ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Phóng viên VOV online phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, xung quanh thực tế này.
PV: Là chuyên gia về kinh tế, xin ông cho biết sự việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt vừa qua tác động như thế nào đến thị trường nước ta?
TS Lê Đăng Doanh: Ông Nguyễn Đức Kiên là một đại gia và là người đang nắm giữ cổ phần ở khá nhiều ngân hàng và đầu tư vào nhiều công ty bị bắt đã gây ra một cơn sốc trong công chúng và gây ra sự chú ý đáng kể trong các nhà đầu tư. Đó là một tác động tâm lý bình thường, vì thông tin này gây ra một sự bất ngờ và là một điều ít ai dự đoán. Sự việc này đã dẫn đến một cơn sốc với phản ứng đi kèm là sự giảm sút mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và có sự rút tiền ra tại ngân hàng này ngân hàng kia.
Cơn sốc tâm lý như vậy cũng có diễn ra ở các quốc gia khác. Điều cần phải rút kinh nghiệm là những người có phản ứng như thế cần phải xem xét, cần có căn cứ vững chắc rồi mới hành động.
Trong khi đó, thông tin cho thấy, việc bắt giữ ông Kiên là do vi phạm pháp luật liên quan đến 3 công ty của ông Kiên. Và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã nói rằng, việc này không liên quan gì đến ngân hàng ACB.
Do vậy, theo tôi tác động này trong vòng kiểm soát và sẽ được khắc phục sau một thời gian. Bởi lẽ, những tác động tâm lý mà không có căn cứ thì sẽ được lắng xuống sau một thời gian nhất định.
PV: Vậy, theo ông, những thông tin liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Đức Kiên đang lan nhanh và nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong dư luận có bình thường không?
TS Lê Đăng Doanh: Việc công luận rất chú ý và trên các trang tin điện tử có rất nhiều bình luận, nhiều lời đồn đoán là một điều không bình thường. Bởi điều này chứng tỏ đang có rất nhiều hồ nghi.
PV: Vậy cần làm như thế nào để những tin tức kiểu như vậy gây ảnh hưởng thấp nhất đến thị trường và các hoạt động kinh doanh, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng, các cơ quan có trách nhiệm nên mau chóng tổ chức họp báo và đưa ra nhiều thông tin đầy đủ hơn nữa để trấn an dư luận. Đồng thời sớm cho công luận, cho mọi người an tâm về sự thật của vụ việc. Nếu không, chừng nào còn thiếu thông tin chính thức thì những thông tin đồn đoán còn có chỗ sống.
Trong lịch sử kinh tế học đã có một trường hợp mà hiện nay các giáo sư giảng dạy về ngân hàng thường giảng dạy về chuyện: Có một con chó bị kẹt xe chết trước một ngân hàng, mọi người xúm đông quanh đó xem. Khi có người hỏi về chuyện gì xảy ra, tức thì có người la to rằng ngân hàng này đang phá sản. Vì thế, mọi người kéo nhau đi rút tiền khỏi ngân hàng khiến sự việc trở nên rất phức tạp. Sau một thời gian nhất định, người dân mới biết sự thật đó chỉ là tin đồn đoán thiếu căn cứ.
Cho nên, hiệu ứng tâm lý đám đông là hiệu ứng có thực. Hiệu ứng này cần phải được xử lý bằng cách cung cấp thông tin công khai, minh bạch và kịp thời trước công luận.
PV: Liên quan thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam hôm qua (21/8) giảm mất 1,7 tỷ USD, nhiều dư luận cho rằng đó là phản ứng của nhà đầu tư liên quan đến sự việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, ông có bình luận gì?
TS Lê Đăng Doanh: Đó chính là một biểu hiện của hiệu ứng tâm lý đám đông, là một cú sốc. Bởi là một đại gia, có đầu tư vào nhiều mặt, trong đó có chứng khoán, khi ông Kiên bị bắt, nhiều người nghĩ rằng nó sẽ tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán, hay ngân hàng này kia. Từ đó, họ tìm cách tháo chạy. Cho nên, biện pháp quan trọng hiện nay để xử lý vẫn là cần phải họp báo để khoanh vùng lại và công bố công khai. Việc này cần phải do cơ quan điều tra và Ngân hàng Nhà nước cùng làm.
PV: Ông có lời khuyên gì cho khách hàng của các ngân hàng và các nhà đầu tư chứng khoán?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, mọi người nên bình tĩnh, không nên nghe theo những lời đồn đoán, cần phải nghe theo những thông tin đáng tin cậy từ Ngân hàng Nhà nước và từ các cơ quan điều tra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.
Xuân Thân
VOV online (thực hiện)
|