Quy định nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi
Ngân hàng và người vay bị "chơi" khó
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định 1141/QĐ-NHNN về việc buộc các NH kể từ ngày 1.6 phải tăng điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc lên 10%, gấp đôi so với mức cũ. Đây là một quyết định khá bất ngờ đối với các NHTM.
Nguồn vốn cho vay bị cắt giảm
Theo quyết định mới, tỉ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng VND đối với NHTM nhà nước, NHTM cổ phần đô thị, liên doanh, chi nhánh NH nước ngoài, Cty tài chính là 10%. Riêng NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 8% tính trên tổng số dư tiền gửi phải DTBB...
Các NHTM đang phản ứng khá gay gắt về quyết định này và cho rằng: Nếu phải tăng tỉ lệ DTBB sẽ ảnh hưởng đến việc cho vay của các NH. Nguồn vốn cho vay sẽ bị cắt giảm, có nghĩa là nếu một NH huy động được 10 đồng chỉ được cho vay 9 đồng, thay vì 9,5 đồng như trước.
Trong khi đó, đối với hoạt động NH, nguồn thu mang về lớn nhất chính là lợi nhuận từ khoản cho vay. Tăng tỉ lệ DTBB đồng nghĩa với việc làm giảm lợi nhuận của NH. Để đảm bảo và cân đối được nguồn lợi nhuận trong kinh doanh, các NH sẽ buộc phải nghĩ đến bài toán tăng lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất huy động.
Tuy nhiên, theo phó GĐ một NH cổ phần tại TPHCM, trong bối cảnh hiện nay, việc cắt giảm lãi suất huy động là điều không thể đối với các NH cổ phần. Nguyên nhân, TTCK và một số kênh đầu tư khác đang khá thuận lợi và NĐT dễ kiếm lời hơn so với việc gửi tiền vào NH lấy lãi.
Thực tế, trong thời gian qua, nguồn lợi NĐT thu về từ việc đầu tư vào TTCK hoặc thị trường vàng cao hơn rất nhiều so với lãi suất gửi tiền vào NH nên việc huy động vốn của các NH đang ngày càng khó khăn trước sự tăng trưởng của TTCK.
Loay hoay với lãi suất
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó TGĐ NHTMCP Quốc tế (VIB Bank) cho biết: Không phải sau khi có quyết định của NHNN về việc điều chỉnh tỉ lệ DTBB VIB Bank mới nghĩ đến bài toán giảm lãi suất huy động hoặc tăng lãi suất cho vay.
Thực sự là từ trước đó rất lâu, VIB Bank đã muốn cắt giảm lãi suất huy động, với mong muốn giảm bớt chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, mãi đến thời điểm này VIB Bank vẫn chưa thực hiện được điều đó bởi "buôn có bạn, bán có phường", nếu một mình VIB Bank cắt giảm lãi suất huy động chắc chắn việc huy động vốn sẽ rất khó khăn.
Đó là chưa kể đến việc các NH phải cạnh tranh khốc liệt về lãi suất để huy động vốn trước bối cảnh TTCK ngày càng tăng trưởng như hiện nay.
Chính vì vậy, cách duy nhất để đảm bảo lợi nhuận là các NH buộc phải tăng lãi suất cho vay và vì thế gánh nặng về lãi suất sẽ dồn hết lên vai người cần vốn. Lúc này DN buộc phải cân đối bằng cách tăng giá bán thành phẩm để bù lỗ chi phí lãi suất vay vốn.
Chính điều này sẽ tạo phản ứng dây chuyền làm tăng giá cả hàng hoá, ảnh hưởng đến lạm phát là điều khó tránh.
Theo NHNN, hiện mức dư thừa vốn khả dụng của các NH cổ phần rất lớn. Chẳng hạn như trên địa bàn TPHCM, huy động vốn của các NH cổ phần 5 tháng đầu năm đạt trên 268.000 tỉ đồng, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi, dư nợ cho vay mới chỉ hơn 190.000 tỉ đồng, tăng 44,9%.
Do vậy, việc tăng DTBB vào thời điểm này không những không làm tăng chi phí vốn mà ngược lại sẽ hỗ trợ được chi phí cho các NH. Vì đối với lượng tiền gửi của các NH tại NHNN thì chỉ có tiền gửi dự trữ mới được hưởng lãi suất.
Tuy nhiên, các NH cho rằng, có thể ở thời điểm hiện tại, vốn huy động còn lớn nên chưa mấy ảnh hưởng khi tăng tỉ lệ DTBB. Nhưng trong thời gian tới, chắc chắn NH sẽ buộc phải tăng lãi suất đầu ra. Một số NH đã lên kế hoạch tăng lãi suất cho vay và dự kiến "quả bóng" lãi suất cho vay sẽ bắt đầu bùng nổ trong vài tháng tới.
LĐ
|