Thứ Sáu, 08/06/2007 15:08

Chia sẻ thị trường bảo hiểm

Theo cam kết với WTO cũng như theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), đến đầu 2008 Việt Nam sẽ mở cửa toàn bộ thị trường bảo hiểm, ngoại trừ các công ty nước ngoài chỉ được phép thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ sau năm năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO (tức 11-1-2012).

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận định: với những cam kết trên, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, liên doanh hay nước ngoài sắp tới sẽ có cùng một sân chơi bình đẳng. Doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài bị hạn chế sản phẩm bảo hiểm bắt buộc đến 1-1-2008 nhưng thực tế doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam lại hưởng lợi không nhiều từ cam kết này, vì hiện nay Việt Nam chỉ mới có sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc người kinh doanh vận tải hành khách và hàng dễ cháy dễ nổ trên đường thủy nội địa. Còn các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc khác như cháy nổ, người Việt Nam du lịch lữ hành quốc tế, xây dựng - lắp đặt, người sử dụng lao động trong hoạt động xây dựng, công trình dầu khí, công trình dễ gây nguy hiểm đến an ninh cộng đồng và môi trường đang còn là dự thảo và nếu có thực hiện thì ít ra cũng phải đến nửa cuối năm 2007.

“Điều đáng lo ngại nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không cần thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có thể vươn cánh tay vào khai thác thị trường bảo hiểm Việt Nam”, ông Lộc nói với TBKTSG.

Theo bà Nguyễn Thị Bích - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính - dịch vụ bảo hiểm là dịch vụ mà các thành viên WTO rất quan tâm và đặt ra yêu cầu cao về mức độ mở cửa thị trường. Bà cho rằng, việc tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường bảo hiểm một mặt có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường này và cả thị trường vốn nói chung nhưng đồng thời cũng có những tác động bất lợi đối với công ty bảo hiểm trong nước và khả năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Các công ty trong nước bị chia sẻ thị trường là tác động rõ ràng nhất ở mọi nước bắt đầu mở cửa thị trường. Biến động về nhân sự tại các công ty bảo hiểm cũng là một thực tế sẽ diễn ra gay gắt khi sự gia tăng số lượng doanh nghiệp bảo hiểm nhanh hơn gia tăng nguồn nhân lực trong ngành. Do đó, nếu các công ty bảo hiểm trong nước không có những điều chỉnh hợp lý liên quan đến chính sách nhân sự trong thời gian tới thì sẽ bị mất lợi thế quan trọng trước các công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.

Thị trường phát triển nhanh về quy mô, đa dạng về sản phẩm cũng là sức ép đối với các nhà quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm, bao gồm yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; khả năng giải quyết tranh chấp; thị trường bị chia cắt manh mún và vấn đề rất quan trọng là ngăn ngừa rủi ro mang tính hệ thống.

Để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường, theo bà Bích, cần đặt ra một số yêu cầu về hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật, như: bổ sung các quy định về chi nhánh trực tiếp của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, bãi bỏ các quy định mang tính bảo hộ các doanh nghiệp trong nước...

Về phần mình, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một số văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử mà Việt Nam đã cam kết thực hiện ngay, khuyến khích phát triển và cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tới các khu vực khó khăn và tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngày 1-1-2008, mở cửa toàn bộ thị trường bảo hiểm

Các cam kết về mở cửa thị trường bảo hiểm với WTO cũng tương tự như với Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Các công ty bảo hiểm nước ngoài được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ tái bảo hiểm, dịch vụ bảo hiểm trong vận tải quốc tế, môi giới bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ. Việt Nam phải mở cửa thị trường bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm nước ngoài ngay khi Việt Nam gia nhập WTO ngoại trừ dịch vụ bảo hiểm bắt buộc sẽ chỉ được mở cửa cho công ty 100% vốn nước ngoài vào 1-1-2008.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự kiến cho phép doanh nghiệp bảo hiểm từng bước tham gia thị trường tài chính thông qua việc thành lập quỹ đầu tư, quỹ tín thác và công ty quản lý quỹ để đầu tư hiệu quả hơn nguồn vốn huy động được; nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin kết nối các doanh nghiệp bảo hiểm với Bộ Tài chính để phục vụ công tác quản lý, giám sát, nghiên cứu, phân tích dự báo, xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm.   

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2006, tại Việt Nam có 37 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, 21 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bảy doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, một công ty tái bảo hiểm và tám công ty môi giới bảo hiểm.

Tổng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2006 chiếm 1,82% GDP, đạt 17.752 tỉ đồng, tăng 14,08% so với 2005.

(Số liệu của Bộ Tài chính vào cuối tháng 4-2007)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm và lòng tin (08/06/2007)

>   Bảo hiểm nhân thọ chưa hết khủng hoảng (08/06/2007)

>   Nhu cầu cao: USD tăng giá, ngân hàng tăng lãi suất (07/06/2007)

>   Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Hàn Quốc (07/06/2007)

>   Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm về thua lỗ mua bán ngoại tệ (07/06/2007)

>   Cty cho thuê tài chính NH Công thương được tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng (07/06/2007)

>   Ngân hàng Thế giới và Việt Nam (07/06/2007)

>   ECB tăng lãi suất EUR lên 4% (07/06/2007)

>   Ngừng lưu thông tiền cotton 50.000 và 100.000 đồng (07/06/2007)

>   Có 10 tỷ USD mới được lập ngân hàng 100% vốn ngoại (07/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật