Thứ Sáu, 08/06/2007 12:18

Bảo hiểm nhân thọ chưa hết khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã bước sang năm thứ ba và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi số hợp đồng mới và số đại lý của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong khi đó, trước sự cạnh tranh quyết liệt của các kênh huy động vốn khác trên thị trường như ngân hàng, chứng khoán, các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa cùng nhau ngồi lại, tìm một hướng ra.

Những số liệu buồn

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2006 doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của tất cả các doanh nghiệp đạt gần 8.500 tỉ đồng, tăng 4,34% so với năm trước đó. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng mới khai thác đạt 1.289 tỉ đồng, bằng 97,6% so với năm 2005. Đây là năm có mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay trong lĩnh vực này. Người dân đang rời bỏ bảo hiểm nhân thọ và điều này được nhìn thấy rõ nhất qua số hợp đồng khai thác mới của các công ty. Trong năm 2006, số hợp đồng mới được khai thác (chỉ tính riêng các sản phẩm bảo hiểm chính) là 488.000 hợp đồng, giảm 17,1% so với năm 2005. Việc giảm số lượng hợp đồng khai thác mới đồng nghĩa với doanh thu phí bảo hiểm những năm sau 2006 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, số hợp đồng bị hủy cũng gia tăng. Khách hàng khi hủy hợp đồng, tức là không tiếp tục đóng thêm tiền, sẽ chịu thiệt thòi nhưng họ vẫn hủy bởi càng đóng thêm phí, càng thấy sản phẩm bảo hiểm không hấp dẫn so với gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư chứng khoán. Tổng cộng trong năm 2006, có 431.023 hợp đồng bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu đang đe dọa sự phát triển của các công ty bảo hiểm nhân thọ không phải chỉ là sút giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu, mà chính là sự ra đi hàng loạt của các đại lý. Năm 2006 Công ty AIA chỉ còn 8.632 đại lý, giảm  52,28% so với số đại lý của năm 2005. Tương tự với Bảo Việt Nhân thọ còn 21.529 đại lý, giảm 15,44%; của Manulife 2.821 đại lý, giảm 24,21%; Prudential 20.989 đại lý, giảm 44,53%. Mức giảm đại lý của Công ty Dai-ichi Life ở mức thấp nhất,  2,44%. Chỉ có Ace Life tăng được số đại lý, nhưng quy mô và xuất phát điểm của công ty này ở mức thấp. Điều đáng quan tâm là phần lớn, khoảng 60% tổng số đại lý hiện hành, là các đại lý mới, vừa được tuyển chọn, đào tạo. Việc thay đổi đại lý khiến cho việc chăm sóc khách hàng không liên tục, với cùng một chất lượng, có thể tác động, làm giảm sút thêm lòng tin của người mua bảo hiểm.  

Chờ sản phẩm liên kết đầu tư

Một trong những lý do khiến người dân không còn mặn mà với bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các doanh nghiệp đơn điệu và kém hấp dẫn. Hiện các công ty có tổng cộng khoảng 100 sản phẩm, nhưng nhìn chung đó vẫn là sản phẩm gốc bảo hiểm tử kỳ cộng với tích lũy. Tâm lý người Việt Nam không muốn mua bảo hiểm cho tai nạn hoặc cái chết. Còn sản phẩm tích lũy lại có bảo tức quá thấp. Các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn đầu tư chủ yếu phí bảo hiểm vào trái phiếu nhằm đảm bảo an toàn và do đó lợi nhuận họ thu được chỉ khoảng 12-13%/năm. Kết quả là bảo tức của các công ty, cao nhất cũng chỉ 6-8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Còn nếu so sánh với chứng khoán, thì lợi nhuận từ mua bảo hiểm tích lũy, quả thật, có khoảng cách khá xa.

Ở các nước châu Á, bảo hiểm nhân thọ không còn trông chờ nhiều vào sản phẩm tử kỳ hoặc tích lũy. Họ đã chuyển sang các sản phẩm có tính “cánh mạng” như liên kết đầu tư hoặc bảo hiểm hưu trí (bổ sung cho bảo hiểm xã hội bắt buộc). Ở Việt Nam, sản phẩm liên kết đầu tư (tùy theo hợp đồng ký kết với khách hàng, công ty bảo hiểm có thể sử dụng một tỷ lệ tiền đóng bảo hiểm, chẳng hạn 70-80% để bỏ vào các quỹ đầu tư, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người mua bảo hiểm) đã được một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị từ cả năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa áp dụng vào thực tế được. Có hai lý do. Thứ nhất là khung pháp lý chưa có. Gần đây Bộ Tài chính mới thông qua sơ bộ văn bản quy định việc cung cấp sản phẩm liên kết đầu tư trong bảo hiểm nhân thọ. Một quan chức của bộ nói rằng đây là sản phẩm mới, bộ cần có thời gian thẩm định, đánh giá, trong đó có cả việc tham khảo cách thức ứng dụng ở nước ngoài.

Song trong giới tài chính lại có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính có ý chờ Bảo Việt Nhân thọ chuẩn bị xong sản phẩm này, rồi mới cho thực hiện. Đây là sản phẩm được xem như đòn bẩy mang lại lợi nhuận cho các công ty, mà Bảo Việt lại là doanh nghiệp trực thuộc bộ, nên không thể để các công ty 100% vốn nước ngoài đi trước Bảo Việt, khai thác mảng sản phẩm quan trọng này. Sự chậm trễ trong việc tung sản phẩm liên kết đầu tư ra thị trường không phải do nó quá phức tạp, mà có lẽ do sự cố ý chậm trễ của cơ quan quản lý.

Thứ hai là Việt Nam vẫn còn quá ít quỹ đầu tư. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể liên kết với một vài quỹ như Quỹ VF1, PRUBF1 và một số quỹ chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Sản phẩm liên kết đầu tư không cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư trực tiếp vào chứng khoán. Như vậy, có thể các công ty bảo hiểm sẽ phải lập ra các quỹ giống như Prudential lập ra quỹ PRUBF1.  

Bao giờ thị trường bảo hiểm nhân thọ “bật” trở lại? Chưa rõ. Trong cơn khủng hoảng, có doanh nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá như Ace Life, song quy mô của Ace Life còn quá nhỏ, chỉ chiếm 0,62% thị phần doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng còn hiệu lực (số liệu 31-12-2006).   

Doanh thu phí bảo hiểm và thị phần theo khối doanh nghiệp

Các chỉ tiêu

Đơn vị

Phi nhân thọ

Nhân thọ

Toàn thị trường

2006

2005

2006

2005

2006

2005

Doanh thu phí bảo hiểm

Tỉ đồng

6.445

5.486

8.483

8.130

14.928

13.616

Tốc độ tăng trưởng

%

17,48

15,06

4,34

5,43

9,64

9,11

Tỷ trọng/tổng phí

%

43,17

40,29

56,83

59,71

100

100

Tỷ trọng phí/GDP

%

0,66

0,65

0,87

0,97

1,53

1,62

Thị phần

Doanh nghiệp trong nước

%

94,86

95,09

36,52

37,69

61,71

60,81

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

%

5,14

4,91

63,48

62,31

38,29

39,19

Nguồn: Bộ Tài chính

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nhu cầu cao: USD tăng giá, ngân hàng tăng lãi suất (07/06/2007)

>   Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Hàn Quốc (07/06/2007)

>   Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm về thua lỗ mua bán ngoại tệ (07/06/2007)

>   Cty cho thuê tài chính NH Công thương được tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng (07/06/2007)

>   Ngân hàng Thế giới và Việt Nam (07/06/2007)

>   ECB tăng lãi suất EUR lên 4% (07/06/2007)

>   Ngừng lưu thông tiền cotton 50.000 và 100.000 đồng (07/06/2007)

>   Có 10 tỷ USD mới được lập ngân hàng 100% vốn ngoại (07/06/2007)

>   Ngân hàng Lào-Việt đóng góp cho hợp tác kinh tế song phương (06/06/2007)

>   Các nhà đầu tư là ngưòi không cư trú được nắm giữ tối đa 50% số dư giấy tờ có giá bằng VND do NHTM phát hành (06/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật