Chủ Nhật, 17/06/2007 23:40

Mía đường đã qua cơn bĩ cực

Liên tiếp trong ba năm 2004-2006, các nhà máy đường đã có lãi. Quyết định 28 của Thủ tướng CP, theo Thứ trưởng NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, đã thực sự "cởi trói" cho các DN. Đến thời điểm này, ông khẳng định các nhà máy đường sẽ tồn tại và phát triển bền vững.

Trao đổi của PV.VietNamNet với Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần xung quanh chuyện của ngành mía đường.

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về niên vụ mía đường 2006-2007 vừa qua?

- 2007 là năm thứ 3 ngành mía đường Việt Nam thắng lợi, nguyên nhân cơ bản là do ngành đã thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng CP, tức là cởi trói, tạo cơ chế thông thoáng để các nhà máy đường hoạt động. Đặc biệt năm nay, giá đường bình quân tại Việt Nam so với khu vực chênh lệch ít, vì vậy, nạn buôn lậu đường năm qua không nhiều so với trước.

Ngoài ra, vùng nguyên liệu mía năm nay cũng thắng lợi nhờ các địa phương, DN quan tâm đầu tư. Nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy dồi dào hơn, diện tích tăng 20%. Tổng kết ngành cho thấy, công suất nhà máy tăng hơn 93%; thậm chí, có DN đạt gần 180%. Tuy nhiên, một số nhà máy vẫn đạt công suất thấp do chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu các DN này không cải thiện tình hình, tới đây họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về công tác sắp xếp đổi mới DN, hiện cả nước còn 7 công ty mía đường đang phải sắp xếp. Trong đó, có 4 công ty đủ điều kiện để CPH, 3 công ty rất khó khăn, đó là các nhà máy đường Thới Bình, Kon Tum và Sơn La. Trong số này, 2 công ty đã thực hiện xử lý qua công ty mua bán nợ, sau đó sẽ CPH. Xử lý xong vấn đề nợ, các nhà máy sẽ phát triển được nhờ vùng nguyên liệu tương đối ổn định.

Một công ty có thể bị bán hoặc phá sản, đó là mía đường Kiên Giang do không có nguyên liệu và gần đây hoạt động không mấy hiệu quả. Năm 2006, nhà máy này cũng đóng cửa.

- Đến thời điểm này, hơn 90% DN mía đường đã có lãi. Nhưng một số DN cho rằng chúng ta chưa thể đạt được con số này do lượng đường trong lưu thông khá lớn và đang chịu sức ép biến động về giá. Thứ trưởng nhận xét như thế nào?

- Đây là con số tổng kết của niên vụ 2006-2007. Tôi hiện chưa có số liệu đầy đủ để khẳng định là 90% hay hơn 90% nhà máy đường có lãi, nhưng tôi nhận định 90% là chắc chắn.

Hầu hết các DN mía đường có lãi gần đây đã cố gắng rất nhiều, nhất là trong xây dựng vùng nguyên liệu, nâng công suất ép, hạ giá thành tốt. Vì thế, hiệu quả kinh doanh cao, đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. Tôi đã đến nhiều nhà máy đường, thăm dò và nắm tình hình sản xuất. Bình quân mỗi nhà máy công suất 1.000-1.500 tấn mía/ngày và đủ nguyên liệu lãi 10-15 tỷ đồng/năm. Cá biệt có nhà máy lãi 30-40 tỷ đồng.

Tôi nghĩ là chỉ có một số nhà máy có khó khăn về tài chính, như Sơn La chẳng hạn, do chưa được xử lý theo Quyết định 28 (thuộc diện phá sản). Nếu không được cơ cấu lại tài chính để CPH thì dù nhà máy phát triển sản xuất cỡ nào đi nữa cũng vẫn thua lỗ. Ví dụ, Sơn La năm nay công suất đạt tới 180% nhưng vẫn lỗ vì tất cả đều là vốn vay và chịu áp lực lãi suất ngân hàng rất lớn, trong khi lãi từ mía đường không nhiều.

- Thưa Thứ trưởng, chủ trương sắp xếp, CPH các DN mía đường theo Quyết định 28 đã giúp các DN phát triển như thế nào? Đến thời điểm này, có thể lạc quan nói rằng các nhà máy đường đã qua "cơn bĩ cực"?

- Có thể nói Quyết định 28 đã "cởi trói" cho ngành mía đường. Nếu không có Quyết định 28, chắc chắn ngành mía đường sẽ sụp đổ. Cho tới hôm nay, trong số 36 nhà máy đường chúng ta có 32-33 nhà máy liên tục 3 năm sản xuất có hiệu quả, lãi năm sau cao hơn năm trước. Giá đường các năm có khi lên tới 9.000 đồng/kg, giá đường năm nay xuống còn 6.300 đồng/kg nhưng các nhà máy vẫn có lãi.

Chúng tôi cũng theo dõi các nước trong khu vực thấy giá đường của Việt Nam cao hơn không đáng kể. Ví như, giá đường Thái Lan 5.000 đồng/kg thì giá đường Việt Nam chỉ hơn 5.500/kg một tý. Nếu tổ chức quản trị nhà máy hợp lý, chúng ta sẽ hạ được giá thành xuống thấp như Thái Lan; hoặc nếu mở rộng công suất hơn nữa sẽ kéo giá thành xuống, các nhà máy đường sẽ tồn tại và phát triển bền vững, sát cánh các nước trong khu vực.

Việc xuất khẩu có lẽ là hơi khó, nhưng trước hết là sẽ đảm bảo đáp ứng được tiêu thụ trong nước và để đường "ngoại" khó chen chân được vào thị trường nội địa.

Tới đây, chúng ta phải mở cửa ngành đường theo quy định của WTO. Mặc dù chúng ta bảo hộ ngành đường thêm 5 năm, nhưng mỗi năm phải giảm dần, sau đó thuế giảm xuống bằng 0. Với lộ trình hiện nay, tôi tin rằng các nhà máy đường có thể tồn tại được.

- Hiệp hội Mía đường cho rằng cần phải đẩy mạnh hỗ trợ công tác khuyến nông hơn nữa và giảm tỷ trọng vốn của Nhà nước trong các DN mía đường khi CPH. Bộ NN-PTNT sẽ giải đáp kiến nghị này của các DN như thế nào?

- Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện hỗ trợ khuyến nông vì điều đó không vi pham quy định của WTO. Thật ra nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã làm việc này nhưng hiệu quả chưa cao. Tôi cũng đặt vấn đề này tại hội nghị tổng kết niên vụ mía đường 2006-2007 rằng: phải nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu bởi năng suất mía của chúng ta hiện quá thấp.

Tôi lấy ví dụ đơn giản, Nhà máy đường Quảng Ngãi đã có từ trước giải phóng. Thời kỳ đó, theo tôi biết năng suất mía đã đạt 40 tấn/ha. Đến nay đã gần 40 năm, nhưng năng suất cây mía vẫn thế, chỉ khoảng 44 tấn/ha (cả nước là 54 tấn/ha), thấp nhất trong khu vực. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nguyên liệu, chúng ta mới hạ được giá thành đường.

Về CPH các nhà máy đường, chủ trương của Chính phủ là Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, thậm chí không tham gia cổ phần. Hầu hết những nhà máy đường thuộc Bộ quản lý (nằm trong 2 Tổng công ty), Nhà nước cũng chỉ nắm giữ 30%, và nếu bán được thì cứ bán. Tôi cũng khuyến khích các địa phương không nên chi phối các nhà máy đường. Nếu DN bán được cổ phần thì nên bán hết, đấu giá công khai.

VNN

Các tin tức khác

>   Tập đoàn Dầu khí đã cổ phần hóa xong 11 thành viên (16/06/2007)

>   MB được chấp nhận chào bán cổ phiếu đợt 1/2007 (16/06/2007)

>   Chủ trương - chính sách mới (16/06/2007)

>   Về thành lập CTCP mua bán điện, Bộ trưởng Bộ CN Hoàng Trung Hải: Phải có ý kiến của 3 bộ (16/06/2007)

>   MobiFone phát hành cổ phiếu vào đầu năm 2008 (15/06/2007)

>   Ngán ngẩm OTC (15/06/2007)

>   CTCP Bánh kẹo Hải Hà thông báo phát hành cổ phiếu ra công chúng (15/06/2007)

>   Chọn lựa của xã hội (15/06/2007)

>   TRASECO chi trả cổ tức năm 2006 và phát hành trái phiếu chuyển đổi (15/06/2007)

>   Sẽ kiến nghị Thủ tướng chưa phê duyệt thành lập cty cổ phần mua bán điện (15/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật