Thứ Tư, 27/06/2007 14:42

Khi ngừng cung cấp nguồn khí Nam Côn Sơn: Thực hành tiết kiệm, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất

Từ tháng 7 đến tháng 9, nguồn khí Nam Côn Sơn sẽ có ba lần ngừng cung cấp khí cho các tổ máy phát điện cụm Phú Mỹ (tổng công suất khoảng 4.000 MW, chiếm 35% tổng công suất toàn hệ thống). Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) Trần Quốc Anh về những giải pháp của EVN trong thời kỳ này.

PV: Xin ông cho biết tình hình cung ứng điện trong những ngày từ 1 đến 6-7 sắp tới khi nguồn khí Nam Côn Sơn ngừng cấp khí?

Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Anh: Trước hết, phải nói là việc ngừng cấp khí cho các tổ máy điện cụm Phú Mỹ là bất khả kháng và đã được EVN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và BP bàn bạc rất kỹ. Việc chọn thời điểm ngừng cấp khí ba đợt từ tháng 7 đến tháng 9 cũng đã được các bên liên quan chuẩn bị kỹ càng và tính toán cụ thể để có thể bảo đảm cung ứng điện ổn định cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trong tháng 6, do có lũ tiểu mãn về với lưu lượng trên trung bình nên các nhà máy thủy điện phát huy hết công suất cùng với các nguồn điện chạy than, khí hoạt động tương đối ổn định, nên không xảy ra tình trạng thiếu điện.

Ngày 26-6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình đạt mức 90,6 m, lưu lượng nước về đạt 2.200 m3/s nên Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt sản lượng 36 triệu kW giờ/ngày. Vì các tổ máy phát điện cụm Phú Mỹ có công suất khá lớn, mỗi ngày cung ứng khoảng 70 triệu kW giờ, bằng 34% sản lượng điện toàn hệ thống, cho nên khi nguồn khí Nam Côn Sơn ngừng hoạt động để bảo dưỡng và lắp đặt giàn nén, dẫn đến nguồn điện không đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng là rất cao.

Do hệ thống điện của chúng ta hiện nay chưa có dự phòng, mặc dù đã rất cố gắng nhưng theo tính toán của EVN vào thời điểm cao điểm sáng (từ 9 đến 12 giờ) hằng  ngày,  khả  năng  thiếu nguồn có thể lên hơn 1.000 MW.

PV: Trước tình hình đó, EVN đã có những phương án gì để hạn chế việc cắt điện?

Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Anh: Ngay từ khi có kế hoạch ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn, EVN đã chuẩn bị các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc phải cắt điện do thiếu điện. EVN đã điều chỉnh lịch sửa chữa không cho các nhà máy sửa chữa (trừ khi có sự cố) trong những ngày này để có thể huy động cao nhất năng lực phát điện. Tăng cường việc mua điện của Trung Quốc qua các đường dây 220kV. Ðã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao. Phối hợp chặt chẽ với PVN để Nhà máy điện Cà Mau phát công suất cao nhất. Yêu cầu Ban QLDA nhiệt điện 1 ngừng việc thử nghiệm để phát điện ổn định tổ máy S7- Uông Bí mở rộng với công suất cao nhất, dù đây là tổ máy đang trong thời gian thử nghiệm, chế độ chạy chưa ổn định.

Ngoài việc huy động hợp lý các tổ máy hiện có, EVN đã tính đến việc huy động các tổ máy tua-bin khí chạy dầu thay khí. Tuy nhiên do đặc thù của các tổ máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp được thiết kế với nhiên liệu khí là chủ yếu, nhiên liệu dầu chỉ huy động hạn chế, theo kinh nghiệm vận hành từ trước tới nay, khả năng khởi động các tổ máy bằng nhiên liệu dầu chỉ thành công khoảng 50%, chế độ vận hành không ổn định, dễ xảy ra sự cố và công suất khả dụng chạy bằng dầu thấp hơn chạy bằng khí khá nhiều.

PV: Xin ông cho biết, nếu phải cắt điện, phương án của EVN như thế nào?

Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Anh: Như trên tôi đã đề cập, trong thời gian ngừng cung cấp khí, khả năng nguồn điện không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng là rất cao. Các giờ cao điểm ngày, khả năng thiếu nguồn có thể lên hơn 1.000 MW. Ðể các công ty điện lực chủ động trong việc cung cấp điện cho khách hàng, đối phó với tình huống thiếu điện có thể xảy ra, EVN đã có công văn yêu cầu các công ty điện lực chuẩn bị các phương án cấp điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn đối với các phụ tải quan trọng trong danh sách ưu tiên được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt.

Trong các tình huống phải tiết giảm phụ tải, EVN sẽ bằng mọi cách bảo đảm đến mức cao nhất cung cấp điện cho sản xuất, cho các điểm tổ chức thi đại học, các phụ tải quan trọng và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân.

Ðể bảo đảm cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân, hơn lúc nào hết cần tuân thủ nghiêm chỉ thị Tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hãy chia sẻ khó khăn với EVN bằng cách chủ động nguồn điện bằng máy phát dự phòng, chuyển giờ sản xuất ra khỏi thời gian cao điểm sáng để tránh những thiệt hại về kinh tế trong sản xuất do điện mất đột ngột. Các đơn vị hành chính sự nghiệp, các hộ gia đình... nên sử dụng máy điều hòa không khí, điện ánh sáng tiết kiệm, hợp lý để góp phần giảm tình trạng thiếu điện trong đợt này.

Xin cảm ơn ông.

ND

Các tin tức khác

>   eBay có mặt tại Việt Nam (27/06/2007)

>   Thủ tướng ban hành chỉ thị về giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài (27/06/2007)

>   Nổ máy phát: Nhà máy điện Sê San 3A dừng phát điện hoàn toàn (27/06/2007)

>   Giấy phép kinh doanh “biến tướng” (27/06/2007)

>   Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống tại Hà Nội (27/06/2007)

>   Kinh tế Đông Á sẽ tăng trưởng cao nhưng nhiều rủi ro (27/06/2007)

>   Doanh nghiệp nào không được phép đình công? (27/06/2007)

>   “Các nhà đầu tư Mỹ không nên bỏ lỡ thời cơ" (27/06/2007)

>   Foxconn muốn đầu tư gần 5 tỷ USD vào VN (27/06/2007)

>   Thêm một đoàn tàu du lịch chất lượng cao. (27/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật