Đối phó nguy cơ lạm phát do chỉ số giá tiêu dùng tăng
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, ngày 27-6 cho biết như vậy về giải pháp ngăn chặn tình trạng biến động giá cả phức tạp hiện nay. Nếu các bộ, ngành không có giải pháp mạnh và kịp thời, khả năng chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 khó có thể kiềm chế dưới mức 6%.
. Phóng viên: Nhiều chuyên gia nhận định giá nhiều mặt hàng tăng cao là do việc định hướng trong quản lý giá và thanh tra giá chưa có sự thống nhất giữa các cấp quản lý, doanh nghiệp (DN) lại có xu hướng tăng giá đón đầu?
- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Theo tôi, hai nguyên nhân không lượng được là tâm lý và lợi dụng một số mặt hàng thiết yếu tăng để “té nước theo mưa” của một số DN chỉ là hiện tượng. Có hiện tượng này nhưng điều đó không phải cốt lõi của vấn đề. Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân khiến giá tăng đột biến.
Thứ nhất là nhân tố về cầu hàng hóa dịch vụ so với cùng kỳ năm 2006, giá các hàng hóa nhập khẩu tăng khá mạnh: thép thành phẩm tăng 15%, phôi thép tăng 24,41%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 12%, sợi các loại tăng 10%...
Thứ hai là nhân tố thuộc về chính sách điều hành. Từ đầu năm 2007, Nhà nước chủ động thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế như điện (từ ngày 1-1 tăng bình quân lên 7,6%), than (tăng 20%), xi măng, giấy, phân bón (tăng 10%), xăng (tháng 3 tăng 8,9%; tháng 5 tăng 7,2%)...
Thứ ba là yếu tố tiền tệ và đây mới là bản chất của vấn đề, vì tổng thanh toán tiền tệ năm nay cao hơn năm ngoái rất nhiều. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào làm tăng cung ngoại tệ gây sức ép tăng giá đồng VN, đồng thời góp phần tăng tổng phương diện thanh toán của nền kinh tế.
. Nhưng không thể không thừa nhận rằng dù giá cả đã được niêm yết nhưng vì khâu kiểm tra, thanh tra kém nên tình trạng DN tăng giá “té nước theo mưa” vẫn cứ xảy ra?
- Hiện tượng niêm yết giá để đối phó khi có đoàn đi kiểm tra và niêm yết với giá “trời ơi đất hỡi” là có thật. Nhưng tôi cho rằng trong xu thế xã hội hiện đại, tất cả các chợ đều có niêm yết giá vì đây là điều cơ bản của nền thương nghiệp văn minh. Có thể còn một số gian lận trong niêm yết giá nhưng việc này chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ, còn đại đa số các cửa hàng lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị đã thực hiện rất nghiêm chỉnh...
. Thực tế, chỉ số giá tháng 6 đã tăng gần gấp đôi dự báo. Nếu không có biện pháp mạnh thì khó có thể kìm giữ được?
- Tất cả các bộ ngành sẽ phải “ra quân” kiểm soát thị trường. Bộ Thương mại cùng Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành khác tăng cường chống gian lận thương mại, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá như niêm yết, giá hàng hóa và chất lượng hàng hóa...
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi chặt tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VNĐ và tiền gửi bằng ngoại tệ để có biện pháp xử lý thích hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh kiểm soát mức tăng tổng phương diện thanh toán, giữ ổn định tỉ giá và các lãi suất chủ đạo của ngân hàng (lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu)...
. Nhiều chuyên gia e ngại với tốc độ tăng phi mã như hiện nay có thể khó kìm giữ được chỉ số giá theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra?
- Nếu tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra thì chỉ số giá tiêu dùng có thể kiểm soát tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ tăng khoảng 7,5%.
Tháng 6-2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,85% đưa CPI 6 tháng đầu năm 2007 tăng 5,2% so với cuối năm 2006. CPI của hầu hết các nhóm hàng đều tăng mạnh. Trong đó nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 6,8% (trong đó lương thực tăng 5,56%, thực phẩm 7,32%), nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8,24%...
Trong tháng 6, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn dẫn đầu tốc độ tăng giá với mức tăng 1,02%. Trong đó, lương thực tăng 0,43% và thực phẩm tăng 1,44%. Các nhóm hàng tăng giá trên 1% còn có nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,33%. Chỉ số vàng tiếp tục giảm 1,97% trong khi USD tăng 0,26%.
Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2007, giá lương thực chỉ giảm nhẹ trong những ngày đầu tháng 7, sau đó sẽ tăng dần vào cuối năm.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển:
Đã nhìn thấy nguy cơ lạm phát
Hiện nay, nguy cơ lạm phát đã nhìn thấy và phải rất chú ý nếu chúng ta muốn giữ chỉ số giá theo đúng chỉ tiêu đã đề ra. Sáu tháng đầu năm nay, chỉ số giá đã tăng 5,2%. Nếu năm nay GDP tăng trưởng 8,5% thì chỉ số giá phải giữ dưới 8%. Như vậy “quota” cho chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm chỉ còn 2,8%. Về lý thuyết không thể không đạt được (nếu chỉ số giá mỗi tháng cuối năm chỉ tăng 0,45%) vì đã có thời kỳ chúng ta rơi vào tình trạng này nhưng những tháng cuối năm chỉ số giá đã hạ xuống. Nhưng để đạt được mức này cần rất nhiều biện pháp quan trọng không chỉ ở cung cầu hàng hóa mà quan trọng còn liên quan đến hạn mức tín dụng. Bộ Thương mại sẽ có cuộc họp phân tích thật kỹ nguyên nhân không chỉ chính sách thương mại mà còn cả chính sách tiền tệ để chuẩn bị báo cáo Chính phủ trong cuộc họp Chính phủ tới đây.
NLĐ
|