Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Đổi mới và không ngừng phát triển
Trong vài năm trở lại đây, hoạt động thanh toán ngân hàng ở Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích ra đời, đáp ứng được nhiều loại nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán, với phạm vi tiếp cận mở rộng tới các đối tượng cá nhân và dân cư.
Chỉ trong vòng 10 năm, tỷ trọng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán luôn có xu hướng giảm dần: năm 1997 là 32,2%; năm 2001 là 23,7%; năm 2004 là 20,3%, năm 2005 là 19% và đến tháng 3 năm 2006 là 18,5%.
Từ nền tảng thanh toán hoàn toàn thủ công (mọi giao dịch thanh toán đều dựa trên cơ sở chứng từ giấy) chuyển dần sang phương thức xử lý bán tự động sử dụng chứng từ điện tử, đến nay các giao dịch thanh toán được xử lý điện tử chiếm tỷ trọng khá lớn.
Ngoài ra, dịch vụ tài khoản cá nhân của hệ thống ngân hàng thương mại phát triển khá nhanh. Số lượng tài khoản cá nhân trong toàn hệ thống ngân hàng cuối năm 2004 tăng gần 10 lần so với năm 2000 (từ 135 nghìn tài khoản lên tới 1 triệu 297 nghìn tài khoản). Số lượng tài khoản cá nhân đến cuối năm 2004 là 2 triệu; năm 2005 đã tăng lên 5 triệu tài khoản với số dư khoảng 20.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 150% về số tài khoản và 120% về số dư.
Đạt được những kết quả khả quan như vậy là do nhiều yếu tố tác động như môi trường pháp lý trong lĩnh vực thanh toán ngân hàng có những thay đổi theo hướng phù hợp hơn, mạng lưới điểm giao dịch phục vụ khách hàng của các ngân hàng được mở rộng, thanh toán điện tử liên ngân hàng được triển khai có hiệu quả.
Bên cạnh đó còn một số lý do chính trực tiếp thúc đẩy sự gia tăng tài khoản cá nhân trong thời gian qua, đó là các ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực trong quá trình phát triển cơ sỡ hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán của khách hàng, chú trọng phát triển đa dạng và phong phú các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng bán lẻ với những ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến. Một số ngân hàng còn chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp có đông nhân viên với mức thu nhập ổn định để thực hiện dịch vụ trả lương qua tài khoản ngân hàng.
Điều đặc biệt là đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán không còn giới hạn ở các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước mà còn có cả các tổ chức khác không ngân hàng như Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
Thị trường dịch vụ thanh toán trở nên cạnh tranh hơn, không chỉ giữa các ngân hàng mà còn giữa ngân hàng và các tổ chức không phải ngân hàng làm dịch vụ thanh toán.
Ứng dụng công nghệ và đầu tư trang thiết bị hạ tầng cơ sở phục vụ cho các dịch vụ thanh toán ngân hàng đặc biệt phát triển mạnh kể từ 2002. Số lượng máy giao dịch tự động ATM, các thiết bị POS và mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ ngân hàng phát triển nhanh. Đến tháng 6 năm 2006, lượng ATM tại hệ thống ngân hàng là 2.154 máy (so với 101 máy năm 2002), số lượng đơn vị chấp nhận thẻ khoảng 12.000 (so với 8.789 đơn vị chấp nhận thẻ năm 2003).
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang có sự chuyển biến mạnh về chất và lượng trong thanh toán nhằm hướng tới các mục tiêu: đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, hiệu quả, sử dụng thuận tiện, có khả năng từng bước thay thế tiền mặt trong lưu thông; tăng cường năng lực cạnh tranh của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên thị trường; góp phần thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia; nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hoá nền kinh tế, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu đạt được môi trường thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và vững chắc về cơ sơ pháp lý ở Việt Nam vào năm 2020.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài Chính, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, khu vực doanh nghiệp, khu vực dân cư nhằm tạo ra sự cân bằng giữa lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của người sử dụng dịch vụ thanh toán, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn bộ các hoạt động thanh toán của nền kinh tế.
NHNNVN
|