Đàm phán Doha: Bất đồng chưa thể giải quyết
Mỹ chỉ đồng ý giảm mức trợ giá nông sản xuống mức 17 tỷ USD, Brazil đòi phải giảm xuống dưới mức 15 tỷ USD.
Thất bại ở Potsdam lần này khiến mục tiêu đạt được một thỏa thuận cho vòng đàm phán Doha vào cuối tháng 7 tới trở nên mờ mịt.
Đó là kết quả cuộc đàm phán ở Potsdam (Đức) giữa đại diện nhóm 4 đối tác buôn bán chính trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Brazil và Ấn Độ (G4) nhằm khai thông vòng đàm phán Doha về buôn bán toàn cầu. Cuộc đàm phán phải kết thúc vào ngày 21/6, sớm hơn kế hoạch 2 ngày.
Tranh cãi về trợ cấp nông nghiệp
Vòng đàm phán Doha được khởi động năm 2001 tại Quatar với mục tiêu cung cấp thêm hàng tỷ Đôla cho nền kinh tế toàn cầu và đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói thông qua các dòng chảy thương mại mới, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển.
Theo dự kiến ban đầu, các nước thành viên WTO sẽ đạt được một hiệp định quốc tế vào cuối năm 2004, dỡ bỏ các hàng rào thương mại, tạo nên một thị trường buôn bán tự do toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng đã rơi vào bế tắc năm 2003 khi giữa các nước giàu và nghèo nảy sinh nhiều bất đồng.
Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Celso Amorim cho biết, đoàn Ấn Độ và Brazil đã rút khỏi cuộc đàm phán Potsdam vì cho rằng tiếp tục cuộc thương lượng cũng không thể đạt kết quả. Theo ông, những khác biệt về trợ cấp nông nghiệp, vấn đề gây bất đồng nhất tại vòng đàm phán Doha chính là nguyên nhân dẫn tới thất bại của cuộc đàm phán ở Potsdam.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath chỉ trích việc Mỹ không sẵn sàng cắt giảm trợ cấp nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến đàm phán thương mại sụp đổ. Ông Nath cho rằng, con số Mỹ đưa ra là phi thực tế vì năm 2006 Mỹ đã chi khoảng 10,8 tỷ USD để trợ giá nông sản. Đề nghị đó của Mỹ sẽ cho phép nước này tăng các khoản trợ giá nông nghiệp thêm 50%.
Trong khi đó, Washington hiện đang hối thúc EU và các nước đang phát triển cho phép nông sản xuất khẩu của Mỹ xâm nhập thị trường của các nước này nhiều hơn. Cả Mỹ và EU đều tuyên bố rằng những nhượng bộ của họ trong lĩnh vực nông nghiệp phải được bù đắp một cách tương xứng bằng các biểu thuế công nghiệp thấp hơn ở Brazil và Ấn Độ nhằm mở cửa thị trường cho hàng công nghiệp của Mỹ và EU.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Mike Johanns cho biết, Mỹ đã đưa ra mức cắt giảm thực tế và điều này sẽ buộc Washington phải thay đổi chính sách nông nghiệp. Ông này chỉ trích những đề nghị mà Brazil và Ấn Độ đưa ra là quá xa vời, quá thiếu điều kiện để thâm nhập thị trường và đề nghị này đã dội gáo nước lạnh vào tất cả các thoả thuận.
Cản trở khả năng hoàn tất vòng đàm phán Doha
Ủy viên phụ trách thương mại của EU Peter Mandelson bày tỏ thất vọng trước sự đổ vỡ của cuộc đàm phán từng được hy vọng sẽ mở ra triển vọng tiến tới một thoả thuận thương mại toàn cầu. Đại diện thương mại của Mỹ khẳng định các bên không từ bỏ tiến trình của vòng đàm phán Doha, song thừa nhận sự thất bại tại cuộc họp ở Potsdam không phải là một kết quả đáng trông đợi.
Tổng GD WTO Pascal Lamy vẫn tỏ ý lạc quan về việc đạt được một Hiệp định thương mại tự do toàn cầu, bất chấp sự đổ vỡ trong cuộc thảo luận giữa 4 thành viên chủ chốt của WTO. Tuyên bố từ Geneva (Thụy Sĩ), ông Lamy nhấn mạnh, cuộc thảo luận của nhóm G-4 là có ích, thất bại này có thể không đóng cửa con đường tiến tới một Hiệp định thương mại tự do toàn cầu.
EU, Mỹ, Brazil và Ấn Độ không đại diện cho toàn bộ các nước thành viên WTO, nhưng lập trường của họ vốn được coi là lập trường chung của 150 nước thành viên WTO. Một thoả thuận giữa các đối tác này về những nhượng bộ cần thiết để giảm các rào cản trong buôn bán nông sản và hàng công nghiệp, dịch vụ là cực kỳ quan trọng và đây được coi là thử thách chính đối với việc liệu có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện hay không.
Các nhà đàm phán WTO đang cố gắng đạt được sự nhất trí về khuôn khổ của một thoả thuận trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7, để có đủ thời gian cho việc hoàn tất các công việc mang tính kỹ thuật của một hiệp định thương mại toàn cầu cuối cùng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, các quan chức thương mại cảnh báo sự thất bại trong 6 tuần đàm phán sắp tới của Vòng đàm phán Doha có thể trì hoãn toàn bộ tiến trình đàm phán đến tận năm 2010, vì những nhượng bộ về trợ giá và thuế nói chung không thể được đưa ra trong năm 2008, khi nước Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống và trong năm 2009, khi Ấn Độ dự kiến tổ chức tổng tuyển cử.
TBKTVN
|