Thứ Hai, 04/06/2007 23:51

Công ty Việt Nam lên sàn Euronext ở Paris

Công ty dầu khí ATIP thuộc nhóm công ty Kỹ Nghệ Mỹ Việt – ATI, American Technology Inc., trụ sở tại Mỹ, chi nhánh ở Việt Nam và Pháp đang có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Euronext tại Paris. Đài BBC đã phỏng vấn ông Đinh Đức Hữu, giám đốc điều hành AITP.

Câu hỏi đầu tiên là xin ông nói về hoạt động thăm dò tại Việt Nam của ATIP, hay ATI Petroleum:

Đinh Đức Hữu (ĐĐH): Hiện nay ATIP có hoạt động tại nhiều nước khác nhau nhưng đặc biệt về cơ bản có dự án đang làm ở Việt Nam suốt tám năm qua ở miền Bắc Việt Nam và ở cái lô là 102-106 ở tại vịnh Bắc Bộ.

BBC: Thế tình hình thăm dò tại vịnh Bắc Bộ nay đến đâu, đã có kết quả gì chưa?

ĐĐH: Tình hình khá tốt thưa ông, vì Việt Nam là một quốc gia phát triển rất nhanh và đồng thời có số lượng dầu rất lớn. Và đặc biệt miền Bắc VN cũng có cái tiềm năng rất lớn. Và có thể nói ATIP là công ty đầu tiên tìm ra dầu khí tại vịnh Bắc Bộ. Điều đó nói về triển vọng kinh tế khá sáng sủa của miền Bắc Việt Nam vì hầu hết các mỏ dầu thì nằm trong phía Nam, ở trong vùng trũng sông Cửu Long.

Trước đây miền Bắc cũng có nhiều công ty đến thăm dò nhưng chưa thành công. Lần đầu tiên một tổ hợp trong đó có ATIP, Petronas , Singapore Petroleum, và đồng thời cũng có một công ty con của Petro Việt Nam là PIDC đã tham gia thăm dò dầu khí tại vịnh Bắc Bộ trong nhiều năm qua.

Hồi năm 2000 thì ATIP là công ty chính ký hợp đồng phân chia sản phẩm với Petro Việt Nam. Sau suốt nhiều năm tìm kiếm thăm dò thì năm 2004 tìm ra dầu. Năm 2005 tìm ra khí. Và hiện nay thì đang tiếp tục làm việc để đánh giá cái trữ lượng ở cái vùng đấy. Và hy vọng có thể đi vào khai thác trong những năm gần đây.

BBC: Ông đang làm ở Việt Nam có vẻ tiến triển như vậy nhưng gần đây tôi đọc tin thì thấy ông còn để ý tới Phi châu, tức là đi tìm kiếm hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí ở bên đó. Tại sao lại là châu Phi?

ĐĐH: Bây giờ ai cũng biết rõ là Phi châu đang trở thành vùng rất hấp dẫn cho các công ty thăm dò và khai thác dầu khí. Các nhà chuyên môn đánh giá châu Phi có thể có lượng dầu khí không thua kém gì Trung Đông. Và đặc biệt là chưa khai thác. Những năm gần đây thì ông Hồ Cẩm Đào chủ tịch của nước Trung Hoa đã sang công du Phi châu rất nhiều, có nhiều hoạt động đối ngoại rất là tích cực để nhằm tìm kiếm những cơ hội cho Trung Quốc khai thác dầu khí tại Phi châu.

Ngoài ra các công ty lớn của Hoa Kỳ và Âu châu cũng đang hướng đến Phi châu rất nhiều. Chúng tôi có cái may là cũng có những bạn bè ở Phi châu quen biết qua mối quan hệ từ Paris. Chúng tôi cùng với các ‘đàn anh’ khác đi vào Phi châu. Thì chúng tôi cũng đạt được một số kết quả nhất định ở Phi châu rồi. Ở Ghana, Tunisia, Niger. Tiếp theo đây chúng tôi sẽ có hoạt động mạnh mẽ ở Lybia và có khả năng sẽ có hoạt động ở Bờ Biển Ngà. Tóm lại là Phi châu sẽ trở thành một đối tượng rất quan trọng trong cái việc tìm kiếm thăm dò dầu khí.

BBC: Thưa ông với những kế hoạch đồ sộ như vậy ông có thể trả lời câu hỏi là trong tương lai dầu tư vào dầu khí có tốt không?

ĐĐH: Đầu tư vào dầu khí là quá tốt bởi vì cái giá dầu hiện nay ở cái mức xấp xỉ 65 – 70 đô la một thùng. Cái giá này sẽ không tụt xuống nữa mà chỉ có tăng lên. Không phải vì nó tăng đột biến mà nó tăng một cách cần thiết để điều tiết cái giá cả dầu khí trong các thập kỷ trước đây - vốn dầu bán ra ở giá rất thấp. Nói chung lại là ngành dầu khí đã chịu thiệt thòi rất lâu để giúp cho nền kinh tế thế giới không bị khủng hoảng. Nay kinh tế thế giới đang ổn định, vấn đề dầu khí nó sẽ tiến lên để san bằng khoảng cách giữa cái nền kinh tế phát triển và giá cả dầu bán ra.

Do vậy chúng tôi nghĩ rằng giá dầu sẽ dần dần tăng lên. Sẽ không tăng nhanh như lúc trước nữa mà sẽ từ từ tăng lên. Có khả năng sẽ còn lên tới cả trăm đô la một thùng trong những năm kế tiếp này. Lý do thứ hai là dầu sao nguồn năng lượng về dầu khí càng ngày càng cạn kiệt đi. Nó không còn dồi dào như 50 năm, hay 20 năm về trước nữa. Như vậy khi lượng dầu ít đi thì giá cả nó phải tăng lên. Một lý do nữa là hiện nay hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ phát triển rất mạnh và họ cần nhiều nhiên liệu để duy trì mức tăng trưởng này. Hai nước này sẽ sử dụng một nguồn năng lượng khổng lồ và nhu cầu này cứ đẩy giá dầu tăng lên. Do vậy tôi nghĩ rằng ngành tìm kiếm thăm dò dầu khí và các ngành liên quan nó sẽ có một tương lai sáng sủa.

BBC: Thăm dò dầu khí là ngành cần vốn lớn. Trong trường hợp ATIP thì các ông lấy tiền ở đâu để tài trợ cho các chuyến thăm dò?

ĐĐH: Trong thời buổi ngày nay nhờ nền kinh tế toàn cần là một nền kinh tế rộng mở, bằng phẳng, do vậy kể cả các công ty không phải là công ty lớn cũng có cơ hội phát triển. Bởi vì thị trường chứng khoán ở các nước Âu, Mỹ, hay ở Á châu đã tạo ra một cơ hội rất lớn cho những công ty đang phát triển để có thể tìm được nguồn tài chính từ các nhà đầu tư tầm cỡ, hay nhà đầu tư trung bình. Các công ty cực lớn họ cũng hay làm như thế, chứ không có ai tự bỏ tiền túi của mình đi tìm dầu cả, mà là huy động vốn của nhiều người để chia sẻ rủi ro.

ATIP cũng không đi ra ngoài cái phạm trù đấy. Chúng tôi đã nỗ lực đưa công ty ATIP lên sàn chứng khoán ở Âu châu, Euronext, sàn này vừa sáp nhập với New York Stock Exchange. Tôi hy vọng với việc làm ấy sẽ tạo cơ hội để ATIP để phát triển các kế hoạch ở Phi châu cũng như ở Á châu.

BBC: Thế tại sao ông không đưa lên sàn ở bên Mỹ mà lại chọn Âu châu làm nơi niêm yết?

ĐĐH: Chúng tôi quan tâm đến thị trường ở Euronext vì Paris là cửa ngõ đi vào Âu châu. Hầu hết các nước ở Phi châu đều có quan hệ với Pháp. Pháp trước đây là mẫu quốc của nhiều quốc gia ở Phi châu. Hiện nay những việc đó có thể không còn nữa nhưng những phát triển về ngoại giao, về kinh tế giữa pháp với Phi châu vẫn còn rất lớn. Từ đó chúng tôi phát hiện ra rằng đặt một cái văn phòng điều hành ở Âu châu và được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở thủ đô Paris thì sẽ rất tiện lợi cho cái việc phát triển cái ngành dầu khí ở Phi châu. Lý do thứ hai nữa là Euronext hiện nay cũng đã kết hợp với lại New York Stock Exchange rồi và nó trở thành một cái sàn to nhất thế giới. Do vậy cái việc huy động vốn ở châu Âu hay ở bên Mỹ nó cũng như nhau. Chúng tôi chọn ở bên này thì nó thuận tiện hơn.

BBC: Vậy thưa kế hoạch của ông thì khi nào lên sàn?

ĐĐH: Cái kế hoạch này chúng tôi đã đeo đuổi từ nhiều năm nay rồi. Công ty chứng khoán EFI ở tại Paris đang giúp chúng tôi để làm thủ tục đưa lên sàn chứng khoán Euronext. Chúng tôi được thông báo chính thức của EFI là vào ngày 15/6 thì ATIP sẽ chính thức được trao đổi cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán Euronext. Chúng tôi rất vui mừng trong cái nỗ lực đấy. Hiện chúng tôi đang ở Paris để làm thủ tục giới thiệu công ty mình cho nhà đầu tư. Rồi để làm thêm các bước kế tiếp để phát triển giá trị của ATIP tại thị trường chứng khoán Euronext.

BBC: Thưa ông để niêm yết một công ty như ATIP lên sàn Euronext có khó không? Và phải hội đủ các tiêu chuẩn gì?

Đinh Đức Hữu: Thưa ông Euronext cũng như New York Stock Exchange là những sàn giao dịch lớn thành thử ra khi nộp hồ sơ để xin giao dịch trên sàn của họ thì mình phải tuân thủ nhiều điều kiện khá là ngặt nghèo. Về khả năng, về năng lực, về báo cáo tài chính. Rồi tất cả những cái điều kiện người ta đòi hỏi phải đáp ứng được. Do đó cái thời gian nó lâu mà cũng tạo ra cái thách đố lớn cho những công ty muốn được giao dịch trên các sàn chứng khoán có tầm cỡ.

Chúng tôi cũng đã vượt qua những cửa ải đấy và thực sự thì mọi sự đều công bằng cả. Nếu chúng ta kiên trì làm việc và đáp ứng được những điều kiện người ta đòi hỏi và mình có năng lực thật sự thì sẽ đạt được mục đích của mình. ATIP cũng đã trải qua thời gian khá lâu, khá dài để đeo đuổi công việc này bởi vì nó là một cái việc hết sức quan trọng tạo ra nguồn vốn đầu tư không những cho ATIP mà có thể còn tạo điều kiện tốt hơn cho công việc kinh doanh khác của tập đoàn ATI ở tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

BBC

Các tin tức khác

>   Thông báo điều chỉnh thời gian hoàn trả tiền đặt cọc và thanh toán tiền cổ phần trúng giá Tổng công ty Bảo hiểm Việt nam (04/06/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu ra công chúng của CTCP Mía đường BOURBON Tây Ninh (04/06/2007)

>   Southern Bank chuẩn bị tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng (04/06/2007)

>   CTCP Đầu tư - KD Nhà thay đổi mệnh giá cổ phiếu (04/06/2007)

>   Quên mua “bảo hiểm” cho cổ phiếu ngành bảo hiểm (04/06/2007)

>   Kết quả đấu giá cổ phần Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (03/06/2007)

>   Ngân hàng Quân đội sẽ là cổ đông chiến lược của Handico (02/06/2007)

>   TTGDCK Hà Nội: Hệ thống hạ tầng đấu giá quá lạc hậu (02/06/2007)

>   Không được "siêu lợi nhuận" khi cổ phần hóa bệnh viện (02/06/2007)

>   Cty cổ phần Truyền thông Thanh Niên chia cổ tức (02/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật