Áp lực... tiền đô!
Nếu như năm 2006, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào một lượng ngoại tệ kỷ lục cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là 2,9 tỷ USD (số liệu của Ngân hàng Thế giới) thì mức kỷ lục đó đã bị phá vỡ ngay trong 3 tháng đầu năm 2007 khi NHNN mua thêm 3 tỷ USD, đưa tổng mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên khoảng 14,5 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, trong quý II/2007, NHNN tiếp tục bổ sung khoảng 4 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại hối.
Một năm bằng 10 năm
Như vậy, mức tăng dự trữ khoảng 7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm gần bằng tổng mức dự trữ mà Việt Nam có được đến trước năm 2006. Theo ông Lê Đức Thúy, Thống đốc NHNN, NHNN sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ, dự kiến đến cuối năm 2007 tổng lượng dự trữ sẽ đạt khoảng 20 tuần nhập khẩu, trong khi cuối năm 2006 chỉ là 12 tuần nhập khẩu.
Lý do chính để tăng quỹ dự trữ ngoại hối, theo Ngân hàng Thế giới (WB) là nhờ dòng vốn ngoại đang chảy mạnh vào Việt Nam và NHNN đang có cơ hội rất lớn để mua vào ngoại tệ. Cũng theo WB, tài khoản vốn chứng kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ phát triển chính thức (ODA) mạnh mẽ đổ vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng mạnh trong 2 năm 2006 và 2007 do sự hấp dẫn của TTCK đang đà tăng trưởng. “Nhờ các dòng vốn đầu tư trên, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng”, WB nhận định.
Tỷ giá vẫn ổn?
Cũng theo WB, nguồn vốn ngoại đã giúp dự trữ ngoại hối tăng nhanh, nhưng dòng vốn đổ vào nhiều đang gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá nói riêng. Về phía NHNN, ông Thúy cũng thừa nhận, tỷ giá hối đoái là một trong những vấn đề nóng trong điều hành chính sách tiền tệ. “Gần như trong 5 tháng đầu năm, thực ra từ cuối năm 2006, có hiện tượng tỷ giá hối đoái đứng yên hoặc giảm thấp hơn so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, đấy là điều hiếm thấy trong thời gian qua. Chưa bao giờ thấy tỷ giá hối đoái mà các ngân hàng công bố giao dịch cũng như tỷ giá trên thị trường tự do lại thấp hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Điều đó thể hiện cung ngoại tệ thừa so với cầu”, ông Thúy nói.
Trên thực tế, mặc dù NHNN mua vào rất nhiều ngoại tệ để giảm lượng cung ngoại tệ trên thị trường nhưng sức ép dòng vốn ngoại đã kịp tạo “dấu ấn” lên tỷ giá khi VNĐ lên giá nhẹ trong 6 tháng đầu năm. Đến nay, tỷ giá chính thức NHNN công bố vẫn ở mức 16.121 đồng/USD, chưa thể trở lại được mức 16.140 đồng/USD hồi đầu năm. Theo ông Thúy, VNĐ lên giá không phải lúc nào cũng có lợi, vì sự lên giá của đồng tiền bao giờ cũng làm giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu. “Sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ, với điều kiện hiện nay thì VNĐ sẽ biến động theo chiều hướng giảm giá, hay tỷ giá tăng lên tính bằng VNĐ, nhưng mức tăng lên đó nằm trong ý đồ điều chỉnh tỷ giá của NHNN để tỷ giá chỉ biến động trong vòng 1%”, ông Thúy khẳng định.
Công khai chính sách
Đối với tỷ giá VNĐ/USD, hiện NHNN vẫn điều tiết theo cơ chế biên độ, các ngân hàng thương mại chỉ được phép công bố tỷ giá giao dịch của mình ở mức +/-0,5% so với tỷ giá chính thức được NHNN công bố hàng ngày. Tỷ giá mà NHNN công bố là tỷ giá danh nghĩa được tính trong một rổ đồng tiền căn cứ vào tổng số thương mại, điều chỉnh mạng lưới của các cá thể với tỷ giá quốc tế.
“Chúng tôi đã hình thành tỷ giá danh nghĩa nhiều năm và cố gắng xoay quanh tỷ giá thực, và ở các nước bao giờ tỷ giá danh nghĩa cũng chỉ giảm giá một chút để tạo điều kiện tốt hơn cho xuất khẩu. Việt Nam còn quá nhỏ bé để ảnh hưởng đến thế giới nên người ta không quan tâm lắm về chính sách tỷ giá của mình. Nếu Việt Nam xuất khẩu vài trăm tỷ USD trở lên thì khác”, ông Thúy cho biết.
Việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu, tức là tỷ giá danh nghĩa áp dụng cao hơn một chút so với tỷ giá thực hay VNĐ được giảm giá một chút, có thể thấy rằng, dù vốn ngoại vào nhiều nhưng NHNN sẽ hấp thụ một lượng gần như tương ứng để vừa tăng dự trữ ngoại hối vừa đảm bảo đồng nội tệ không tăng giá.
ĐTCK
|