Thị trường cổ phiếu ngân hàng: Sẽ “nóng” một cách tích cực
Cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước mặc dầu TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm trong hơn 5 tuần vừa qua.
Quý I năm 2007, liên tiếp 3 ngân hàng TMQD lớn là ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank), Ngân hàng Công thương VN (ICB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) công bố thông tin hoàn tất quá trình cổ phần hoá, thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay. Một số ngân hàng TMCP khác cũng bày tỏ ý muốn lên sàn ngay trong năm 2007 này.
Phản ứng trước những thông tin trên, thị trường cổ phiếu ngân hàng với lực hấp dẫn lớn vốn có từ trước đến nay dự báo sẽ tiếp tục “nóng”, nhưng là “nóng” một cách tích cực cùng với sự điều chỉnh sâu của thị trường chứng khoán niêm yết thời gian qua và những điều chỉnh mang tính tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam.
Thêm nhiều hàng hoá chất lượng
Ngày 20/3, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) khẳng định, sau khi được Chính phủ phê duyệt, trong tháng 7 hoặc chậm nhất là cuối tháng 8 sẽ chào bán cổ phần lần đầu (IPO) của ngân hàng ra công chúng, và dự kiến lên sàn ngay cuối tháng 10/2007. Tương tự, dự kiến trong quý IV/2007, Ngân hàng Công thương VN (ICB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ thực hiện IPO và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán. ICB cũng đang lên kế hoạch IPO và niêm yết trên thị trường quốc tế.
Ở khối các ngân hàng TMQD, thời gian từ khi hoàn thành cổ phần hoá, thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đến khi thực hiện niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán rất ngắn, chỉ tính bằng tháng. Tại sao lại nhanh như vậy? Theo một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, cổ phần hóa các ngân hàng TMQD nhằm mục đích cải thiện lại điều kiện quản trị để tăng năng lực hoạt động, chứ không phải đơn thuần thay đổi về hình thức sở hữu. Việc lên sàn giúp các ngân hàng có điều kiện làm những việc đó, như buộc phải công khai, minh bạch; áp dụng các chuẩn mực quản trị mới, đưa ra cơ chế lương thưởng, tuyển dụng... Chính vì vậy, việc lên sàn của các ngân hàng lớn sau khi cổ phần hóa là cần thiết và không như đối với các ngân hàng TMCP, việc lên sàn hay không còn dựa trên cơ sở tính toán về lợi ích tài chính cũng như các mục tiêu khác. Dự đoán khi lên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa, giá trị cổ phiếu của các ngân hàng sẽ tăng gấp nhiều lần.
Như vậy, chỉ cần có tiếng nói đồng thuận, đặc biệt là của các cổ đông chiến lược nước ngoài nếu có, thời điểm lên sàn sau CPH của các ngân hàng này sẽ được quyết định nhanh chóng.
Ở khối ngân hàng TMCP, đại hội đồng cổ đông thường niên 2007 của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) diễn ra ngày 9/3 đã thông qua 2 nội dung quan trọng là tăng 100% vốn điều lệ và niêm yết trên TTCK trong năm 2007. Theo kế hoạch Habubank sẽ tăng vốn điều lệ gấp 2 lần và bán cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược; trong đó 150 tỷ đồng cổ phiếu thưởng, 350 tỷ đồng bán cho cổ đông cũ và 500 tỷ đồng bán cho đối tác chiến lược. Đối tác chiến lược nước ngoài của Habubank đã được xác định là Deustche Bank (Đức).
Bên cạnh những hàng hoá mới và hấp dẫn, trong quý II này cũng sẽ có thêm một lượng cung hơn 500.000 cổ phần từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và 75 triệu cổ phần từ Ngân hàng TMCP Ngoài quốc doanh (VPBank). Cụ thể, MB cho biết, sắp tới ngân hàng sẽ tổ chức phát hành một đợt cổ phần mới, nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.045 tỷ đồng hiện nay lên mức 2.000 tỷ đồng, với tổng khối lượng là 502.000 cổ phần, tương đương 52,6% tổng số cổ phần phát hành năm 2007. Còn VPBank cũng vừa gửi hồ sơ xin phát hành 75 triệu cổ phiếu ra công chúng trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 750 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng. Dự kiến kế hoạch tăng vốn đợt 1- 2007 này của VPBank sẽ được hoàn tất ngay trong tháng 5.
Hiện nay trên thị trường chứng khoán VN, mới có 2 ngân hàng TMCP là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (mã chứng khoán STB) và Ngân hàng TMCP Á châu (mã chứng khoán ACB) tham gia niêm yết, trong đó STB niêm yết tại TTGDCK TP.HCM, ACB tại TTGDCK Hà Nội. Đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư, giá trị cổ phiếu của 2 ngân hàng này đã tăng gấp nhiều lần khi lên sàn, và hiện đều đang đứng trong danh sách blue – chips của thị trường. Trong nhiều tháng liền, STB liên tục nằm trong top những cổ phiếu có giá trị và khối lượng giao dịch đứng đầu thị trường, cả khi thị trường trong cơn “sốt nóng” lẫn thời “sốt lạnh”. Điều này đủ chứng tỏ sức hấp dẫn rất lớn của cổ phiếu ngân hàng và chắc chắn khi đã lên sàn, những mặt hàng mới như Vietcombank, ICB hay Habubank sẽ không là ngoại lệ.
Còn trên thị trường phi tập trung OTC, có thể nói cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, dù là khi thị trường niêm yết bước vào giai đoạn điều chỉnh. Cổ phiếu của đa số các ngân hàng TMCP hiện nay đều được giao dịch ở mức gấp 7-8 hay thậm chí gấp hơn 10 lần mệnh giá. Quy luật này không những được áp dụng cho các ngân hàng TMCP lớn, có thâm niên hoạt động lâu năm và tiềm lực tài chính mạnh như TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), TMCP Quân đội (MB), TMCP Kỹ thương (Techcombank), TMCP Quốc tế (VIBBank)... mà còn đúng cả với những ngân hàng TMCP nông thôn mới chuyển đổi mô hình lên ngân hàng đô thị.
Một nghiên cứu chuyên sâu của Công ty Dragon Capital công bố mới đây đã ghi nhận một thực tế là trong thời điểm sốt cổ phiếu đầu năm, giá cổ phiếu các NHTM đồng loạt tăng, và ranh giới đẳng cấp giữa các ngân hàng phần nào bị xóa nhòa. Một loạt cổ phiếu của những ngân hàng mới, có sự chuyển dịch về đối tượng khách hàng từ nông thôn sang đô thị như TMCP An Bình (ABB), TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank), TMCP Nam Việt (Navibank)… đã tăng chóng mặt, cho dù khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động, thị phần hay thế mạnh chưa được chứng minh trên thực tế.
Dragon Capital cũng đưa ra một nhận định đáng chú ý: Giá cổ phiếu của các ngân hàng TMCP tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay nói chung là không hề rẻ, tuy nhiên, nếu đem so sánh với cổ phiếu của những doanh nghiệp ngành khác, trong khi ngành ngân hàng có hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời vượt trội, cổ phiếu ngân hàng luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư cả cá nhân và tổ chức, nội địa cũng như nước ngoài, thì giá cổ phiếu ngân hàng lại chưa bao giờ vượt qua ngưỡng gấp 20 lần mệnh giá, trong khi con số này ở nhiều cổ phiếu ngành khác kém hấp dẫn hơn lại lên tới 30 lần, thậm chí là 50 lần! Điều này bắt buộc người ta phải đặt ra câu hỏi: phải chăng vẫn còn dư địa để giá cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai?
Những động thái điều chỉnh thị trường
Động thái mới nhất được đưa ra trong ngày 20/4, khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định tỉ lệ sở hữu cổ phần (room) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại các ngân hàng thương mại (NHTM) của VN. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan được sở hữu không quá 15% vốn điều lệ tại NHTM (quy định cũ là 10%), trong trường hợp đặc biệt Thủ tướng có thể quyết định nâng lên tới 20%. Tuy nhiên, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà ĐTNN trong NHTM của VN thì vẫn giữ mức khống chế 30% như cũ.
Động thái này, theo các chuyên gia ngân hàng, sẽ làm thay đổi giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, do khi room thay đổi, đối tác nước ngoài vì muốn trở thành đối tác chiến lược để mua một lúc được nhiều cổ phần có thể mạnh dạn đưa ra các điều kiện tốt hơn để cạnh tranh với đối thủ khác nhằm mục đích giành quyền ưu tiên. Vì vậy giá cổ phiếu bán cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ được đẩy lên cao hơn trước, mang lại lợi ích lớn cho bản thân các NHTM và cổ đông của ngân hàng đó.
Thông thường, một nghị định như thế này ngay sau khi ra đời sẽ tạo lực đẩy lớn, đẩy giá cổ phiếu một số ngân hàng tăng mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang nằm trong xu thế điều chỉnh sâu, thực tế đã không xảy ra như vậy và đây được coi là một tín hiệu tích cực. Các chuyên gia cũng cho rằng, thông tin này chắc chắn có tác động đến giá cổ phiếu của các ngân hàng, nhưng sẽ là tác động “về lâu về dài”, tạo độ ổn định lớn hơn cho những cổ phiếu ngành này.
Trước đó vài ngày, một động thái quan trọng khác là việc siết chặt điều kiện thành lập đối với các ngân hàng TMCP cũng được đưa ra với việc Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ bản dự thảo Quy chế cấp phép và thành lập và hoạt động ngân hàng TMCP, theo đó, các điều kiện thành lập ngân hàng mới sẽ siết chặt so với hiện nay, bao gồm điều kiện thành lập ngân hàng; về các tổ chức cá nhân thành lập ngân hàng, tài sản góp vốn ngân hàng; cổ đông và chuyển nhượng ngân hàng, mức sở hữu cổ phần.
Việc quy định chặt chẽ này được giải thích là nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được ổn định ngay sau khi thành lập, nhưng cũng có thể hiểu rằng, cơ quan quản lý vẫn theo đuổi quan điểm không khuyến khích thành lập quá nhiều ngân hàng trong thời điểm hiện nay, bởi nhiều chuyên gia tài chính vẫn cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu - thừa về số lượng và thiếu về khả năng phục vụ. Bên cạnh đó, động thái này cũng được ban hành để tránh hiện tượng “đầu cơ giấy phép thành lập ngân hàng”, nhằm mục đích bán cổ phiếu kiếm lời.
Một vấn đề nóng khác, xảy ra khi thông tin chuẩn bị thực hiện IPO đối với các ngân hàng TMQD mới được công bố là việc mua bán cổ phần khống, bán quyền mua cổ phần, bán năm công tác… giữa những cán bộ làm việc tại các ngân hàng này với những nhà đầu tư nôn nóng muốn sở hữu cổ phiếu ngay từ khi nó... chưa được phát hành. Việc này không những có tính rủi ro rất cao mà còn là không hợp pháp nhưng lại khá phổ biến trên thị trường tự do. Để giải quyết vấn đề này, Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) đã ra quyết định, cá nhân, tổ chức có hoạt động mua bán quyền mua cổ phần, bán năm công tác… nếu bị phát hiện hoặc bị tố cáo lên các cơ quan chức năng sẽ bị xử lý.
Như vậy, thị trường cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi về số lượng cũng như chất lượng của các mặt hàng. Với sự điều chỉnh thích hợp từ phía các cơ quan, ban ngành hữu quan, có thể hy vọng, những thay đổi này sẽ đồng nghĩa với những chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thiện thị trường cũng như tạo dựng tâm lý an toàn cho nhà đầu tư.
VNN
|