Thứ Bảy, 05/05/2007 10:12

Cổ phần hóa đua theo chứng khoán

Có thể nói, nhờ có thị trường chứng khoán làm lực đẩy nên công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian gần đây được đánh giá là đang trong giai đoạn tăng tốc. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, việc CPH sẽ trở thành một phong trào với nhiều bất lợi, mà thiệt hại lớn lại thuộc về Nhà nước…

* Cẩn trọng khi chọn nhà đầu tư chiến lược

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với Công ty Phân đạm-hóa chất dầu khí - một DNNN vừa hoàn thành công tác CPH và thực hiện thành công việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của công tác CPH DNNN: “Chỉ bán 33% cổ phần của Nhà máy Đạm Phú Mỹ mà chúng ta đã thu được trên 8.000 tỷ đồng, đủ để xây dựng một nhà máy đạm mới ở Cà Mau, điều đó chứng tỏ việc CPH DNNN có lợi ích vô cùng thiết thực, đem lại nguồn vốn lớn cho việc thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế nước nhà”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu đến năm 2010, chúng ta cơ bản CPH xong DNNN và việc CPH đang được tăng tốc thời gian gần đây là điều rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, việc CPH sẽ trở thành một phong trào với nhiều bất lợi, mà thiệt hại lớn lại thuộc về Nhà nước.

Cũng trong buổi làm việc với Công ty Phân đạm-hóa chất dầu khí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải thích vì sao mà Chính phủ có quy định mới, không còn cho phép ưu tiên giảm giá bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược. Thực tế cho thấy, hiện nay, ở nhiều DN CPH, các nhà đầu tư chiến lược chưa thể hiện được tính chất của mình. Tệ hại hơn, từ mức giá bán ưu đãi giảm 20% so với giá đấu bình quân, có không ít nhà đầu tư chiến lược đã đem rao bán số cổ phần mua được ra bên ngoài nhằm hưởng lợi trước mắt. Điều đó rất nguy hiểm, vì như vậy rõ ràng tài sản của nhà nước đã bị hao hụt bằng những kẽ hở hợp pháp.

Phân tích như thế để thấy rằng, chủ trương không ưu tiên giảm giá bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ là hết sức sáng suốt. Và thực tế này đòi hỏi các DN phải hết sức cẩn trọng khi mời chọn những nhà đầu tư chiến lược. “Nhà đầu tư chiến lược phải là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của DN, tích cực hỗ trợ cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để cùng chia sẻ khó khăn, chia sẻ lợi nhuận mà DN làm ra… Họ phải thấy được tiềm năng, thế mạnh của DN, thấy được DN có những hoạt động tương đồng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau để tham gia, chứ không phải tham gia vì mức giá ưu đãi 20% như lâu nay” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

* Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa

Thực tế cho thấy, CPH luôn gắn liền với TTCK (tính đến thời điểm này, đã có trên 60 DNNN thực hiện xong CPH niêm yết trên TTCK). Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình CPH và phát triển TTCK là hai quá trình có tác động qua lại. Khi DN CPH niêm yết tạo hàng hóa cho TTCK sôi động thì TTCK phát triển nhanh chóng, lúc đó đến lượt TTCK tác động trở lại, kích thích tiến trình CPH. Có thể nói, việc đưa các DN CPH ra niêm yết luôn là chủ đề được bàn thảo khi nhắc đến TTCK. Công ty cổ phần và TTCK là hai thành tố không thể tách rời. Với đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam, việc đẩy nhanh tiến trình CPH, đưa các công ty lên sàn niêm yết, để tạo ra một thị trường vốn phát triển là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, khi mà CPH đang ở giai đoạn cao trào tại các tổng công ty, tập đoàn lớn… thì đòi hỏi phải có một tiến trình thực hiện rõ ràng và minh bạch, nhằm tránh tình trạng tài sản của nhà nước rơi vào túi của một số tổ chức, cá nhân.

Tại hội nghị bàn về công tác CPH tổ chức mới đây ở Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết: để cơ bản hoàn thành xong công tác CPH từ nay đến năm 2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải tiếp tục CPH xong 79 tổng công ty (trong số 105 tổng công ty), đồng thời phải CPH thêm khoảng 1.500 DN, chỉ còn lại các DN công ích, nông - lâm trường… đại diện các DN thì cho rằng: cải cách nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua CPH DNNN trong thời gian tới phải được theo dõi sát sao. Phải thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh chạy theo phong trào theo kiểu “đua cùng TTCK”. Trong đó, tập trung và chú trọng một số vấn đề cơ bản như: điều chỉnh DNNN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, thực hiện đa dạng hóa sở hữu nhưng phải đảm bảo lợi ích và sử dụng có hiệu quả lực lượïng công nhân lao động tại các DN.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trước mắt, trong khi chưa thực hiện CPH được các tổng công ty thì tiến hành CPH trước tất cả DN thành viên, chuyển sang mô hình hoạt động công ty mẹ - con. Riêng các DN thuộc những lĩnh vực mới, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, điện lực, viễn thông… đòi hỏi Nhà nước phải tham gia quản lý, sẽ phải xây dựng đề án CPH cụ thể để trình Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

SGGP

Các tin tức khác

>   Đua nhau bỏ cọc đấu giá cổ phần (04/05/2007)

>   Đấu giá CP Công ty XNK Vĩnh Long (04/05/2007)

>   Tháng 5, MB phát hành hơn 500.000 cổ phần (04/05/2007)

>   Công ty Hoàng Anh Gia Lai quyết định tăng vốn điều lệ (04/05/2007)

>   Bán tiếp đấu giá cổ phần ra bên ngoài của Cty Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (03/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Công ty TNHH một thành viên Dây và Cáp Điện Việt Nam (03/05/2007)

>   Mời Thủ tướng tới dự chợ chứng khoán lừa (03/05/2007)

>   Đấu giá cổ phiếu: "Cơn sốt" đã qua (02/05/2007)

>   Cổ phần hoá và TTCK: lời giải cho nhau (02/05/2007)

>   Vincom “đột phá xanh” (02/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật