Cổ phần hoá và TTCK: lời giải cho nhau
Cổ phần hóa đã diễn ra được 15 năm. Thị trường chứng khoán đã bắt đầu được 7 năm. Nhưng dường như cả hai vẫn chưa trở thành lời giải cho những khúc mắc của nhau.
Khó có thể tìm ra chứng cứ để bác bỏ lập luận cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có được sự sôi động là nhờ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp này trên thị trường.
Tuy nhiên, cho dù có chiếm phần lớn trong các công ty đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên hai trung tâm giao dịch chứng khoán, nhưng so với khối tài sản mà các DNNN đang nắm giữ thì số đã được cổ phần hóa còn hết sức khiêm tốn và cũng chỉ một số nhỏ trong đó được đưa ra niêm yết. Vấn đề nằm ở đâu? Và làm thế nào để đẩy mạnh quá trình CPH cũng như đưa các doanh nghiệp này ra niêm yết để tạo hàng hoá cho TTCK?
Ngược dòng lịch sử ...
Quá trình CPH bắt đầu tiến hành từ năm 1992 với một chương trình thí điểm. Lý do chính của chương trình này bắt nguồn từ kết quả hoạt động nghèo nàn của các DNNN. Chương trình thí điểm sau đó được mở rộng vào năm 1996 với sự ra đời của Nghị định 28 về CPH. Nghị định này cho phép chuyển đổi các DNNN không có vai trò chiến lược trở thành công ty cổ phần.
Kết quả đạt được không có gì khả quan khi chỉ 18 DNNN được CPH vào đầu năm 1998. Tiến trình chậm chạp được lý giải do sự trì hoãn từ phía các nhóm lợi ích và những khó khăn về mặt hành chính.
Giai đoạn tăng tốc bắt đầu từ giữa năm 1998 với các nghị định thay thế, giải quyết những khó khăn về nợ xấu và định giá doanh nghiệp, và đến giữa năm 2002 đã có 845 DNNN được CPH.
Trong suốt cả giai đoạn luôn nổi lên vấn đề thiệt hại tài sản quốc gia khi tiến hành CPH, thông qua việc CPH dưới giá hoặc CPH nội bộ. Sau đó là các Nghị định điều chỉnh với các quy định về công khai, minh bạch trong CPH. Trong cả hành trình 15 năm, quyết tâm của Chính phủ thể hiện rất rõ với hàng loạt nghị định, có "cây gậy" và cũng có cả "củ cà rốt".
Không ít ngành và địa phương đã từng lớn tiếng tuyên bố: sẽ cách chức giám đốc doanh nghiệp nếu không hoàn thành kế hoạch CPH. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy trường hợp cách chức nào như vậy. Có lẽ cây gậy thì đánh chưa đau, còn cà rốt cũng không đủ ngọt, khi đến nay chỉ có khoảng hơn 3.500 DNNN tiến hành xong quá trình trầy trật này, với số vốn ít ỏi 14% trong tổng tài sản các DNNN.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự quyết tâm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa của Việt Nam đã được thể hiện rõ bằng việc thành lập Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào năm 2005, đại diện Nhà nước nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp đã CPH và sau đó là lập danh sách các doanh nghiệp sẽ phải cổ phần hóa đến năm 2010 mà trong đó có tất cả các NHTMNN và nhiều doanh nghiệp lớn khác.
Thị trường chứng khoán, con đường gian truân
Song song quá trình CPH, các thảo luận về TTCK bắt đầu từ năm 1996. Nhưng do khủng hoảng tài chính khu vực tác động đến nền kinh tế, đến năm 2000, TTCK Việt Nam mới chính thức ra đời.
Ở thời điểm lúc bấy giờ, thật khó tưởng tượng sự buồn tẻ của thị trường khi chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với số vốn 270 tỷ đồng. Từ đó cho đến 2005, thị trường luôn ở trong trạng thái gà gật, loại trừ cơn sốt vào năm 2001 thì trong năm năm chỉ số VN-Index lúc cao nhất chỉ có 300 điểm, mức thấp nhất xuống đến130 điểm.
Lý do chính là ít hàng hoá, các doanh nghiệp niêm yết cũng nhỏ, không nổi tiếng, không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước, trong khi "room" cũng hết.
Giai đoạn tỉnh ngủ dần xuất hiện từ năm 2005 khi tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài được nâng từ 30% lên 49% (trừ lĩnh vực ngân hàng). Năm 2006, thị trường thật sự bùng nổ với mức gia tăng giá trị kỷ lục 146%.
Hiện nay, với gần 200 chứng khoán niêm yết trên cả hai sàn giao dịch TP.Hồ Chí Minh và Hà nội, vốn hoá thị trường chính thức đạt khoảng 20 tỷ USD, bằng khoảng 30% GDP, vượt qua mục tiêu được đặt ra vào năm 2010.
Thị trường phi chính thức cũng sôi động không kém với giá trị được ước đoán gấp từ 3 đến 5 lần thị trường chính thức.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cho dù rất sôi động trong thời gian qua, nhưng dường như thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hoạt động theo đúng quy luật và trở thành một kênh phân bổ vốn hữu hiệu cho nền kinh tế.
Nguyên nhân của vấn đề này thì có nhiều, nhưng có lẽ sự khan hiếm của phía cung cộng với sự thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư cá nhân đã tạo ra sự bất cập nêu trên.
Hàng hoá cho TTCK - các tranh luận triền miên ...
Quá trình CPH và phát triển TTCK là hai quá trình có tác động qua lại lẫn nhau. CPH và niêm yết tạo hàng hoá cho TTCK sôi động. TTCK phát triển nhanh chóng, đến lượt nó tác động trở lại, kích thích tiến trình CPH.
Từ đó đến nay, việc đưa các doanh nghiệp cổ phần hoá ra niêm yết luôn là chủ đề được bàn thảo khi nhắc đến TTCK.
Trong giai đoạn trầm lắng, mọi người đòi hỏi các doanh nghiệp này ra niêm yết để tăng lượng hàng hoá, tạo sức hấp dẫn cho thị trường, kích thích sự phát triển.
Nhưng trong giai đoạn "đỏ lửa", mọi người cũng đòi hỏi các doanh nghiệp này ra niêm yết để tăng lượng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu đầu tư, giải toả bớt áp lực cầu, giải nhiệt cho thị trường.
Nếu như trước kia, các doanh nghiệp không muốn niêm yết vì thị trường quá chán, lượng vốn huy động không cao, nhưng thật ngạc nhiên ở thời điểm hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng sốt sắng với cổ phần hóa. Đâu là vấn đề?
Đâu là lời giải khả dĩ?
Có rất nhiều lý do được viện dẫn, nhưng tựu trung ở hai yếu tố chủ yếu: (1) Quy mô các doanh nghiệp phần lớn quá nhỏ, hoặc họ không đủ điều kiện niêm yết, hoặc e ngại lên sàn sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư; (2) Không có động cơ.
Cổ phần hoá: Đối với các cơ quan chủ quản và các địa phương, mọi quyền lực đối với DNNN như đề bạt, bổ nhiệm nhân sự... kèm theo các đặc lợi, sẽ biến mất khi CPH. Còn các giám đốc DNNN vừa có thể mất đi những quyền lợi không nói ra được, vừa phải đối diện với rủi ro nghề nghiệp cực lớn khi CPH. Các biện pháp mạnh mẽ với các cá nhân ở hai đối tượng này là lời giải chính của câu hỏi.
Một biện pháp khác là quyết định chọn doanh nghiệp nào để CPH. Cần thay đổi quan điểm Nhà nước phải nắm giữ vị trí chủ đạo. Trong nhưng lĩnh vực mà thị trường có thể tự vận hành tốt (không có “thất bại thị trường”), thì hiệu quả nhất vẫn là để tư nhân đóng vai trò chính.
Bên cạnh đó, biện pháp khuyến khích thưởng quyền mua cổ phần với giá ưu đãi cho các giám đốc dựa vào kết quả kinh doanh cũng giúp đẩy mạnh tiến trình này. Các cải thiện thủ tục CPH, đặc biệt vấn đề định giá và xử lý nợ xấu là điều cũng nên xét đến.
Niêm yết: đối với các doanh nghiệp đã CPH nhưng chần chừ mãi không chịu niêm yết dù đủ điều kiện, lý do chính là họ sợ phải phơi bày tất cả cho mọi người xem! Trong đó có thể có rất nhiều điều không tiện và cũng không dám cho ai biết.
Luật Chứng khoán đã đưa hành vi này vào tầm ngắm, khi quy định tất cả công ty đại chúng, dù có niêm yết hay không cũng phải minh bạch thông tin. Khi đó các công ty sẽ có động cơ niêm yết vì nghĩa vụ như nhau.
Vấn đề chính nằm ở chỗ làm sao biến điều này trở thành hiện thực. Một biện pháp mạnh đối với các cá nhân lãnh đạo những công ty dạng này là cần thiết. Đây là trách nhiệm của SCIC - cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối. Họ phải cung cấp hàng hoá cho thị trường.
Tuy việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp chủ yếu được dùng cho thị trường nợ (phát hành trái phiếu), nhưng thị trường cổ phiếu cũng không thể thiếu tổ chức định mức tín nhiệm vì bất cứ sự thay đổi nào của xếp hạng tín nhiệm, hoặc những công ty không dám thuê các tổ chức định mức tín nhiệm, sẽ khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Quá trình này sẽ tạo một hiệu ứng lan toả, khiến các công ty phải minh bạch hơn, và họ có động cơ để niêm yết nhằm chứng minh sự vững mạnh.
Cũng không thể thiếu vai trò giám sát của xã hội dân sự, đặc biệt là báo chí chuyên nghiệp.
Công ty cổ phần và thị trường chứng khoán là hai thành tố không thể tách rời, với đặc trưng riêng của nền kinh tế Việt Nam việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa đưa các công ty niêm yết để tạo ra một thị trường vốn phát triển là điều cần thiết.
Tuy nhiên, khi mà cổ phần hóa đang ở giai đoạn cao trào với các tổng công ty, các tập đoàn lớn… đòi hỏi phải có một tiến trình thực hiện rõ ràng và minh bạch nhằm tránh tình trạng tài sản của nhà nước rơi vào túi của một số cá nhân, tạo ra bất bình đẳng xã hội như đã từng xảy ra ở Nga.
VNN
|