Hậu quả từ các vụ mua bán "lúa non"
Mặc dù có rất nhiều cảnh báo về sự rủi ro khi mua "quyền mua cổ phiếu", "mua thâm niên công tác"... nhưng vẫn không ít người lao vào như con thiêu thân với ý định đổi đời từ chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian không dài, câu trả lời của thị trường đã khiến không ít kẻ đang "ôm" các "quyền" ngồi khóc.
Đầu tiên và khá rùm beng là chuyện rao bán thâm niên công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá 65 triệu đồng/năm (1 năm = 100 cổ phiếu). Theo kế hoạch, VCB sẽ cổ phần hóa (CPH) vào cuối năm 2007. Trong thực tế, phớt lờ tất cả những lời cảnh báo từ các chuyên gia chứng khoán, phương tiện truyền thông, rất nhiều người vẫn lao vào mua thâm niên công tác của VCB với suy nghĩ "Giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC và niêm yết đều cao gấp hàng chục lần mệnh giá. Là ngân hàng dẫn đầu trong khối các ngân hàng nhưng giá VCB mới chỉ có 6 chấm 5 thì kiểu gì cũng lời". Tuy nhiên, câu trả lời chính thức của VCB về phương án CPH của ngân hàng này là chưa được duyệt chính thức nên VCB cũng chưa xác định được lịch trình phát hành tiếp cổ phiếu trong những năm tiếp theo. Còn hiện tại, VCB vẫn chưa ấn định thời điểm chốt danh sách cổ đông, cũng chưa có thống kê về số thâm niên chính xác cho mỗi cán bộ nhân viên nên những giao dịch mua bán thâm niên công tác là không chính thức. Ngân hàng sẽ không xác nhận cho những thỏa thuận mua bán đó. Thông tin này khiến cho những người trót ôm "cổ phiếu thâm niên" của VCB như ngồi trên đống lửa, lại thêm thị trường đang trong giai đoạn sụt giảm mạnh khiến cho hy vọng về việc đổi đời này càng thêm mong manh.
Những tưởng vụ "cổ phiếu thâm niên" của VCB sẽ là lời cảnh báo hiệu quả đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vụ săn quyền mua cổ phiếu Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) gần đây cho thấy, sức hút của thị trường chứng khoán là khó ngăn nổi. Rất nhiều "con bạc liều lĩnh" ôm "cổ phiếu quyền" của Bệnh viện Bình Dân đang trong tình trạng dở khóc, dở cười bởi trên thực tế, Bệnh viện Bình Dân mới chỉ nằm trên danh sách CPH. Tại thời điểm này, việc CPH Bệnh viện Bình Dân đang gây tranh cãi rất nhiều trong các hội thảo về việc có nên CPH bệnh viện hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện công hàng đầu trong việc phục vụ bệnh nhân nghèo. Nếu CPH, với áp lực cổ tức hằng năm cho cổ đông, bệnh viện buộc phải tối đa hóa lợi nhuận. Như vậy, người nghèo sẽ khó có cơ hội ở đây. Đó là chưa kể đến ý kiến dư luận nên hay không nên tính giá trị đất vào giá trị tài sản Bệnh viện Bình Dân khi CPH... Nhìn chung, mọi việc còn chưa đến đâu nhưng những cổ đông bất đắc dĩ đang ôm "cổ phiếu quyền" của Bệnh viện Bình Dân thì lo ngay ngáy. Anh Hối, người ôm 4.000 "cổ phiếu quyền" Bệnh viện Bình Dân với giá gấp 5 lần mệnh giá than thở "thấy mọi người đua nhau săn cổ phiếu bệnh viện nên tôi cũng ham. Giờ thiên hạ lại cãi nhau có nên CPH hay không. Tình hình này, nếu có CPH được cũng còn lâu và số tiền 200 triệu đồng của tôi không biết đến bao giờ mới thu hồi được".
Cách đây không lâu, Anh Lâm, người ôm "cổ phiếu quyền" của Công ty bia Sài Gòn với giá cao gấp 17 lần mệnh giá còn hân hoan bởi dù giá cao nhưng không phải dễ mua được cổ phiếu của ngành hàng siêu lợi nhuận này cho biết: "Cách đây vài tháng, rất nhiều người sẵn lòng bỏ tiền tỉ ôm "cổ phiếu quyền" nên tôi mới chấp nhận mua với giá cao. Tưởng bán nhanh kiếm chênh lệch nhưng hiện giờ thị trường OTC gần như đóng băng. Có bán rẻ hơn cũng chẳng ai thèm mua. Giờ tôi không biết tính sao nữa. Chỉ còn biết chờ đợi mà thôi".
"Thị trường chứng khoán không phải là một cuộc đỏ đen", đã có không ít cảnh báo được đưa ra nhưng vẫn có rất nhiều người tự biến việc mua cổ phần, cổ phiếu thành canh bạc. Đương nhiên, hậu quả của nó đã được thấy trước.
Thanh niên
|