Lành mạnh hoá tài chính để cổ phần hóa
Năng lực tài chính của BIDV được Moody's xếp hạng E+
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's Investors Service chính thức nâng kết quả xếp hạng tài chính độc lập (BFSR), các chỉ số xếp hạng khác vẫn đạt kịch trần quốc gia. Moody's đã tuyên bố nâng mức xếp hạng năng lực tài chính của BIDV lên E+.
Xếp hạng tiền gửi nội tệ/ngoại tệ và xếp hạng nhà phát hành đạt trần xếp hạng quốc gia với Ba1/B1 và Ba1/Ba2. Rõ ràng, năng lực tài chính của BIDV đã được nâng lên. Đây cũng là một động lực nhằm giúp BIDV sớm cổ phần hoá. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc BIDV Trần Bắc Hà về vấn đề này. (Huyền Khanh thực hiện).
PV: Xin ông cho biết năng lực tài chính của BIDV?
Ông Trần Bắc Hà: Tính đến 31/12/2006, tổng tài sản của BIDV đã đạt 167.230 tỷ đồng, tăng 32%; huy động vốn đạt 121.700 tỷ đồng, tăng 38%; dư nợ đạt 98.600 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2005; tăng trưởng dịch vụ gấp hai lần so năm trước. Cũng trong quý I/2007 tổng tài sản của BIDV đã đạt 184.780 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm và tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, huy động vốn đạt 142.844 tỷ đồng, tăng 17,4% so đầu năm và tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, một trong những thuận lợi lớn cho kế hoạch cổ phần hoá BIDV là việc Chính phủ vừa cấp bổ sung 3.400 tỷ đồng vốn điều lệ cho BIDV, đưa vốn điều lệ của BIDV lên 7.477 tỷ đồng, vốn tự có lên 10.193 tỷ đồng.
PV: Thưa ông, giải pháp nào mà BIDV đưa ra để nhằm giảm thiểu nợ xấu?
Ông Trần Bắc Hà: Về việc xử lý nợ xấu, BIDV tiếp tục đạt những thành công trong quý I/2007. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tính theo điều 7/QĐ 493 đã ở mức 6,44% (giảm 2,6% so với đầu năm), trong đó số tuyệt đối giảm gần 2.500 tỷ đồng. Theo tôi, cứ với tốc độ này BIDV có thể đạt được mục tiêu dưới 5% nợ xấu sớm hơn kế hoạch đề ra. Ngoài ra, chúng tôi phải "thắt lưng buộc bụng" để trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Tiếp đó, sẽ thay đổi về cơ cấu khách hàng, nếu trước đây trong cơ cấu nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ chiếm 13% tổng dư nợ thì bây giờ tỷ trọng này là gần 60% và đến năm 2010 sẽ vào khoảng 80%. Thêm vào đó, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính, kết hợp với việc bám sát các bộ, ngành chức năng trong việc triển khai Đề án xử lý nợ, nhằm phấn đấu đạt hệ số an toàn vốn tối thiểu 8% trước khi tiến hành IPO.
PV: Được biết, BIDV đã trình Chính phủ về kế hoạch đấu thầu chọn tư vấn cổ phần hoá, ông có thể nói rõ thêm về quá trình này?
Ông Trần Bắc Hà: Ngày 10/4/2007, BIDV đã duyệt danh sách ngắn các nhà thầu tham dự gói thầu tư vấn cổ phần hoá gồm 5 nhà thầu là: Goldman Sachs, Merrill Lynch, Morgan Stanley, JP Morgan, UBS. Tiếp đó, ngân hàng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai việc xây dựng đề án chuyển đổi BIDV thành tập đoàn tài chính - ngân hàng giai đoạn 2007-2010. Theo đó, BIDV được phép để lại thặng dư sau khi IPO để sử dụng làm nguồn cấp bổ sung vốn điều lệ cho các công ty thành viên hạch toán độc lập và các ngân hàng liên doanh.
Việc xây dựng và phê duyệt báo cáo đầu tư, kế hoạch đấu thầu gói thầu tư vấn cổ phần hoá sẽ được ngân hàng tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư dự án và cả đấu thầu. Ngân hàng còn tiến hành đánh giá, lựa chọn danh sách ngắn các nhà thầu tiềm năng để mời thầu gói thầu tư vấn cổ phần hoá; xây dựng hồ sơ mời thầu, thuê tư vấn luật quốc tế (White & Case) rà soát, thẩm định hồ sơ mời thầu tư vấn cổ phần hoá phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
PV: Cổ đông chiến lược sẽ được ưu đãi gì thưa ông?
Ông Trần Bắc Hà: Theo kế hoạch, cuối tháng 6/2007, BIDV sẽ chọn được nhà tư vấn và công bố cổ đông chiến lược vào tháng 9/2007. Việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược sẽ được thực hiện theo đàm phán và thoả thuận nhưng trên nguyên tắc giá không thấp hơn giá đấu thầu lần đầu. Và nhiều khả năng ngân hàng sẽ lựa chọn hai nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược phải hỗ trợ BIDV trong việc quản trị, công nghệ thông tin hiện đại. Tuy nhiên, BIDV sẽ không có sự ưu đãi nào cho họ.
PV: Với mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng đa sở hữu, kinh doanh đa lĩnh vực thì BIDV đã có những định hướng gì trong tương lai?
Ông Trần Bắc Hà: Đích nhắm của BIDV là trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng kinh doanh đa lĩnh vực ngang tầm với các tập đoàn tài chính - ngân hàng tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia phân tích của Moody's cũng cho rằng sự bùng nổ phát triển kinh tế sẽ mang lại cho BIDV cơ hội tăng trưởng lớn. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai thác mỏ và bất động sản. Vị thế truyền thống của BIDV trong việc cấp vốn cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ là đòn bẩy cho kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán. Bên cạnh việc duy trì dịch vụ ngân hàng bán buôn là hoạt động chính, BIDV dự định hoàn thành kế hoạch phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đầu tư trong vài năm tới.
Vì vậy, trước tiên ngân hàng phải tích cực đẩy mạnh việc cổ phần hoá, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng và các công ty trực thuộc, sớm chuyển sang mô hình tập đoàn trong đó ngân hàng là trụ cột, quản lý, quản trị tập đoàn và các công ty con trực thuộc. Hơn nữa, BIDV sẽ sớm chuyển đổi hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế, một bảng cân đối kế toán lành mạnh, giải quyết triệt để nợ xấu là mục tiêu của BIDV. Như vậy, BIDV sẽ là nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, tài chính hàng đầu tại Việt Nam và mở rộng hoạt động ra nước ngoài, nhưng tăng trưởng phải trên cơ sở sinh lời và bền vững, hệ số an toàn vốn và các chỉ tiêu hoạt động đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp đó, ngân hàng còn phát triển mạnh mạng lưới kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ; cải thiện và nâng cấp phát triển công nghệ thông tin nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho thị trường.
PV: BIDV có kế hoạch niêm yết ở thị trường nước ngoài?
Ông Trần Bắc Hà: 6 tháng sau khi cổ phần hoá, BIDV sẽ thực hiện việc niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và sẽ thực hiện việc niêm yết tại thị trường chứng khoán khu vực. Tất cả các vấn đề cần thiết để tiến hành cho cổ phần hoá đã và đang được BIDV chuẩn bị kỹ lưỡng.
PV: Xin cảm ơn ông!
SBV
|