Mất tiền tỉ từ “chiếc áo chiến lược”
Ngày 19-4 Chính phủ có chỉ đạo dừng giảm giá bán cổ phần cho các đối tác chiến lược (ĐTCL) khi cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước và có hiệu lực ngay trong ngày 20-4 đã gây sự chú ý cho các nhà đầu tư chứng khoán, gồm cả những nhà đầu tư ở các công ty dân doanh. Vì sao?
Việc giảm giá bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cho các ĐTCL khi CPH đã được “luật hóa” bởi nghị định 187 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Từ chủ trương này, trong thời gian gần đây hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tổng công ty lớn đã ồ ạt ký kết các hợp đồng ĐTCL. Không chỉ ở các doanh nghiệp nhà nước CPH, việc giảm giá bán cổ phần cho các ĐTCL cũng đang “nở rộ” ở các doanh nghiệp dân doanh. Hàng loạt công ty cổ phần, ngân hàng cổ phần khi tăng vốn điều lệ cũng đã bán giảm giá cổ phần cho các ĐTCL.
Trong “cơn sốt” ĐTCL, thị trường cũng đã ghi nhận những điều không bình thường từ các hợp đồng ĐTCL. Việc giảm giá bán cổ phần là có lợi cho những đơn vị được chọn làm ĐTCL. Có những ĐTCL được giảm đến 50% giá mua cổ phần. Thế nhưng thế nào là ĐTCL, chọn ĐTCL dựa trên những yếu tố nào lại rất mù mờ. Và đây chính là lỗ hổng để những người được giao quyền chọn ĐTCL dùng “chiếc áo ĐTCL” để bán giảm giá cổ phần cho những đơn vị “ưng ý” với mình. Không ít đơn vị đã được “vỗ” thành ĐTCL để được mua cổ phần với giá rẻ. Nhiều nhà đầu tư đã “ngẩn ngơ” khi được biết đơn vị X đã trở thành ĐTCL của đơn vị Y…!
Có một thực tế là việc chọn ĐTCL lại rất dễ dàng do hầu hết các công ty khi xây dựng và quyết định phương án giảm giá bán cổ phần cho ĐTCL đều giao cho hội đồng quản trị của công ty hoặc bộ phận xây dựng phương án CPH trong trường hợp là doanh nghiệp nhà nước. Trong một số trường hợp cụ thể, thị trường đã đồn thổi về những cuộc “đi đêm” giữa những người được giao chọn ĐTCL với những đơn vị muốn trở thành ĐTCL. Thị trường hoàn toàn có lý vì khoản giảm giá bán cổ phần là quá lớn, nhiều trường hợp lên đến vài trăm tỉ đồng, cao hơn cả lợi nhuận cả năm của đơn vị, trong khi “chất lượng” của ĐTCL thì lại không rõ ràng.
Một chuyên gia tư vấn tài chính nói rằng Nhà nước và cổ đông của các công ty cần phải rà lại các hợp đồng ĐTCL để đảm bảo việc giảm giá trong thời gian qua là đúng, đồng thời phải có qui chế chặt chẽ hơn khi chọn ĐTCL.
Tuổi trẻ
|