Cổ phần hóa bệnh viện, trường học
Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập đến cổ phần hóa bệnh viện, trường học công lập với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có nhiều ý kiến nói rằng không nên, do cho rằng bệnh viện, trường học công lập là cơ sở đặc biệt, không phải là doanh nghiệp, do lo sợ rằng nếu cổ phần hóa thì các cơ sở này sẽ chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà xao nhãng mục tiêu phục vụ... Ngược lại, cũng có không ít ý kiến lại cho rằng nên cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện, trường học công lập.
Để lý giải vấn đề này, cần đi ngược lại vấn đề rộng lớn hơn của đường lối đổi mới của Đảng ta.
Nội dung cốt lõi của đường lối đổi mới là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, để huy động các nguồn lực của xã hội, tạo nên sự cạnh tranh - động lực của phát triển. Nội dung này được hiểu cả về hai phía. Một phía là tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc liên doanh lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Chính về phía này đã làm cho Việt Nam từ chỗ chủ yếu có hai loại hình là doanh nghiệp nông nghiệp và hợp tác xã, nay đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và gần 4 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với trên 4,2 triệu lao động (chiếm 67,3% tổng số lao động doanh nghiệp), với số vốn sản xuất kinh doanh trên 1,1 triệu tỉ đồng (chiếm 45,1% tổng số vốn các doanh nghiệp), có doanh thu sản xuất kinh doanh đạt trên 1,32 triệu tỉ đồng (chiếm 61,2%), khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 63% GDP của cả nước. Một phía khác là tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để chuyển các doanh nghiệp nhà nước (một chủ sở hữu) thành công ty cổ phần (với nhiều chủ sở hữu). Chính về phía này mà số lượng doanh nghiệp nhà nước từ 13.000, nay chỉ còn trên 4.000 và đến năm 2010 chỉ còn rất ít, nhưng là những đơn vị rất mạnh tạo thành các "xương sống" của nền kinh tế.
Đó là nói về kinh tế. Còn trong lĩnh vực xã hội (y tế, giáo dục, thể thao...), lâu nay Nhà nước đã có chủ trương "xã hội hóa". Chủ trương này đã được đề ra và thực hiện từ hàng chục năm nay, đã huy động được nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế cùng với Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân hình thành cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực này. Cả nước hiện có hàng chục bệnh viện, hàng chục nghìn phòng khám ngoài công lập; hàng trăm trường học phổ thông, 34 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập (chiếm 13,3% tổng số trường đại học và cao đẳng), với 160,4 nghìn sinh viên (chiếm 11,6% số sinh viên), 57 trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập (chiếm 20,1%), với 77,6 nghìn học sinh (chiếm 15,5%)... Không thể hình dung được, nếu không có cơ sở ngoài công lập trên thì việc đáp ứng của các cơ sở công lập sẽ ra sao xét cả về 2 mặt số lượng và chất lượng?
"Xã hội hóa" cũng cần được hiểu cả về hai phía. Một phía là tạo điều kiện cho sự ra đời nhiều hơn nữa với chất lượng hoạt động tốt hơn nữa của các cơ sở ngoài công lập. Một phía là sắp xếp lại và đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng của các cơ sở công lập. Trong nhiều biện pháp sắp xếp, đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng của các cơ sở công lập, thì một biện pháp quan trọng mà trước đổi mới ta thường gọi là "đại vấn đề", đó là vấn đề sở hữu, tức là áp dụng hình thức "cổ phần hóa" các cơ sở công nghiệp - tức là đan xen các chủ thể sở hữu đối với các cơ sở này. Điều này không chỉ đổi mới hoạt động của các cơ sở công lập, mà còn bảo đảm cho sự bình đẳng của các thành phần kinh tế, cạnh tranh để nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ của các cơ sở.
Tuy nhiên, bệnh viện, trường học là đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công, không hoàn toàn hoạt động như doanh nghiệp với mục tiêu chỉ vì lợi nhuận. Vì vậy, cần có sự thí điểm, rút kinh nghiệm để mở rộng. Đây cũng là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong cuộc họp Chính phủ mới đây.
Thanh niên
|