Thị trường bảo hiểm Việt Nam hấp dẫn các công ty nước ngoài
Ông David Fried, Giám đốc vùng, Bộ phận bảo hiểm khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ngân hàng HSBC nhìn nhận, với dân số hơn 84 triệu người nhưng chỉ mới có hơn 6,5 triệu người mua bảo hiểm nhân thọ, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ là "mảnh đất hứa" cho các công ty bảo hiểm nước ngoài.
Bằng chứng là ngay đầu năm nay, Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life (Nhật Bản) đã "nhập cuộc” bằng việc mua lại cổ phần của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh-CMG. Ngân hàng HSBC (Anh) cũng đã mở văn phòng đại diện HSBC Life International Limited về bảo hiểm nhân thọ tại Hà Nội.
Ông Takashi Fugii, Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam cho rằng việc quyết định tham gia thị trường Việt Nam vào thời điểm nhiều doanh nghiệp lớn đã chiếm lĩnh thị trường là do Dai-ichi tin rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng và nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam còn rất lớn. Ông cũng khẳng định, với cam kết gắn bó dài lâu với con người và đất nước Việt Nam, Dai-ichi Life sẽ là người bạn của mọi gia đình Việt Nam.
Ông Bruce Howe, Trưởng đại diện HSBC Life International Limited tại Hà Nội cho rằng nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam cùng với việc gia nhập WTO đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã tạo ra môi trường cạnh tranh và đầy triển vọng cho các công ty bảo hiểm và HSBC Life International Limited muốn trở thành một thành viên quan trọng của thị trường. "Đây là sự khởi đầu của một cơ hội kinh doanh đầy khích lệ", Trưởng đại diện HSBC Life International nói.
Niềm tin của các "đại gia" bảo hiểm nước ngoài càng được củng cố khi những cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thực hiện. Theo cam kết, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài và 5 năm sau các doanh nghiệp này sẽ được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Các giới hạn đối với hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam sẽ ở mức thấp nhất.
Đặc biệt, trong các năm tới, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sẽ được phép cung cấp một số loại bảo hiểm bắt buộc và hưởng chế độ đãi ngộ quốc gia một cách đầy đủ; Việt Nam sẽ thực thi cam kết của mình đối với chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài theo đúng các tiêu chuẩn của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) được quốc tế công nhận.
Để gia tăng ảnh hưởng, các doanh nghiệp nước ngoài không ngừng tung ra các sản phẩm độc đáo để thu hút khách hàng. Chẳng hạn sau Tết Nguyên đán, Prudential- hiện đang dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ với 41,6% thị phần (tính theo doanh thu phí bảo hiểm), đã “chào hàng” sản phẩm Phú-An Gia Thành Tài, sản phẩm bảo hiểm giáo dục đầu tiên trên thị trường, cung cấp quyền lợi bảo hiểm chính cho bố (hoặc mẹ) là người trụ cột gia đình, trong khi kế hoạch học vấn lại được hoạch định chặt chẽ theo từng bước phát triển của trẻ.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, với những gương mặt mới, “làng” bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ có một năm cạnh tranh sôi động. Đặc biệt, sự sôi động này sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu như Bộ Tài chính thông qua một loại sản phẩm liên kết mới giữa bảo hiểm- tiết kiệm-đầu tư, một sản phẩm mang lại lợi thế thu hút rất lớn trên thị trường khi vừa mang lại cho khách hàng quyền lợi được bảo hiểm, vừa đảm bảo lãi suất thị trường và đặc biệt là tạo được khả năng đầu tư trên thị trường vốn./.
TTXVN
|