Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động USD
Trong khi Mỹ ngừng tăng lãi suất đồng đôla từ nhiều tháng nay, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các nước khác trên thế giới cũng đi vào giai đoạn cuối, thì tại VN, mặt bằng lãi suất ngoại tệ đang có xu hướng dâng lên.
Ngay từ đầu tháng 4, Ngân hàng Quốc Tế (VIBBank) đã quyết định tăng lãi suất huy động USD từ 0,05% đến 0,4%/năm, lên mức 1,5-5,2% tùy kỳ hạn (1 tháng cho đến 24 tháng). Chưa đầy 10 ngày sau, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương (Techcombank) cũng thông báo nâng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ ở tất cả các loại hình. Với mức tăng nhẹ 0,05-0,2%, biểu lãi suất USD của Techcombank đã vượt qua VIBBank, trong đó lãi suất kỳ hạn cao nhất 24 tháng lên tới 5,25%.
Gần đây nhất, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 4,5%/năm, 6 tháng là 4,6%/năm. Ngoài ra, khách hàng còn được cộng thêm lãi suất thưởng từ 0,1% đến 0,162%/năm khi gửi tiền từ 5.000 USD đến hơn 60.000 USD cho một thẻ tiết kiệm.
Động thái tăng lãi suất liên tục của các ngân hàng thương mại cổ phần trên đã khiến anh cả Vietcombank không thể ngồi yên. Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) chi nhánh TP HCM cho hay, Vietcombank cũng vừa có quyết định tương tự, nâng lãi suất huy động USD lên tới 4,9% ở kỳ hạn 24 tháng.
Ông Thanh cho biết, đây là lần điều chỉnh đầu tiên trong năm của Vietcombank nhằm đưa lãi suất USD lên mặt bằng chung so với các ngân hàng khác, bởi hiện tại Ngân hàng Nhà Nước đã dỡ bỏ quy định về mức trần lãi suất cho việc huy động USD.
"Hiện tại nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động do quan hệ cung cầu nhưng cũng có một số ngân hàng nhỏ, nhất là các ngân hàng vừa chuyển từ ngân hàng nông thôn sang thương mại do muốn mở rộng thị phần nên cũng góp phần làm lãi suất đội lên", ông nói.
Tương lai lãi suất cho đồng USD còn để ngỏ
Một chuyên gia ngân hàng nhận định, theo lộ trình giảm thuế được cam kết khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các doanh nghiệp tăng nhập hàng và cần một lượng lớn USD để thanh toán. Chính tín hiệu vui từ thị trường này đã khiến đồng USD từ mức dư thừa hồi trước Tết trở nên có giá và các ngân hàng nhân cơ hội này gia tăng huy động.
Hơn nữa, nhằm giữ thị phần và hoàn thành kế hoạch năm trước thời hạn, cùng với bài toán hiệu quả kinh tế khiến các ngân hàng tăng huy động USD bởi so với lãi suất huy động VND, lãi suất huy động ngoại tệ này chỉ bằng phân nửa.
Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) chi nhánh TP HCM cho biết, chính sách lãi suất của nhà băng này thời gian tới sẽ tuỳ thuộc vào tình hình lãi suất của thế giới, cung cầu vốn ngoại tệ và mức độ cạnh tranh với các ngân hàng khác trong việc thu hút vốn. Tuy nhiên, theo ông, xu hướng chung của thế giới, sắp tới, lãi suất huy động USD sẽ không biến động nhiều.
Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước, chu kỳ thắt chặt tiền tệ trên thế giới bắt đầu đi vào giai đoạn cuối, nhất là khi đà tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy giảm. Năm ngoái, kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao. Để kiềm chế nguy cơ lạm phát leo thang, ngân hàng trung ương các nước đã phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Tính đến tháng 6/2006, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 17 lần tăng lãi suất liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản của đồng đôla từ 1% vào tháng 5/2004 lên mức cao nhất trong 10 năm, 5,25%. Đến cuối năm 2006, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng 5 lần tăng lãi suất, từ 2,25% lên 3,5%.
Tuy nhiên, trong năm nay, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại. Tình hình tương tự cũng sẽ diễn ra ở một số nền kinh tế đầu tàu thế giới. Để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, nhiều khả năng Mỹ sẽ không tăng, thậm chí sẽ cắt giảm lãi suất từ giữa năm nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động USD trong nước gần ngang bằng với thị trường các nước trong khu vực. Vì vậy, sẽ ít có hiện tượng tăng huy động vốn để gửi ra nước ngoài hưởng chênh lệch như trước đây.
VNE
|