SCIC sẽ hoạt động như thế nào?
Mới ra đời theo Quyết định 151 và 152/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tên giao dịch viết tắt là SCIC) không chỉ là đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước, mà đang có xu hướng trở thành một tập đoàn đầu tư, tư vấn tài chính lớn nhất Việt Nam.
Mọi động thái về đầu tư của SCIC sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán (TTCK). Ngày 25.4, trong cuộc gặp gỡ chính thức lần đầu tiên với báo chí, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT của SCIC và ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC đã cho biết một số kế hoạch lớn của SCIC trong thời gian tới.
- Bà Lê Thị Băng Tâm: Mô hình SCIC được nghiên cứu xây dựng trong nhiều năm, tham khảo kinh nghiệm thực tế của nhiều tập đoàn đầu tư tài chính của thế giới với mục tiêu trở thành một tập đoàn đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước không chỉ ở trong nước mà hướng ra cả thị trường quốc tế. Trên thực tế, khi mới ra đời, SCIC gặp những phản ứng khác nhau từ một số bộ, ngành, địa phương do trong nhiều năm, khối DN nhà nước được các bộ, ngành địa phương "ôm" vào quản lý, cùng với nó là những quyền lợi và lợi ích nhất định. Nhưng chúng tôi muốn khẳng định SCIC không phải là một cơ quan quản lý hành chính, ở các DN mà SCIC có vai trò đại diện, SCIC giữ vai trò là một cổ đông, thông qua đó phát huy vai trò đầu tư... Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ thoái vốn đầu tư ở nhiều DN, chỉ đầu tư, giữ phần vốn sở hữu ở khoảng 100 - 200 DN, tập đoàn lớn làm ăn hiệu quả, có tầm chiến lược, ra được thị trường quốc tế.
Ngoài ra, chúng tôi cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ về dịch vụ tư vấn đầu tư, tài chính. Chúng tôi có trách nhiệm tham gia vào quá trình cổ phần hóa của các ngân hàng, tập đoàn kinh tế của Nhà nước, tham gia tái cơ cấu các DN để làm sao đưa các DN này ra được thị trường quốc tế, tìm kiếm, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược cho các DN.
* Nắm trong tay khối tài sản, tiền vốn sẽ lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, thậm chí hơn nữa, những hoạt động đầu tư của SCIC sẽ tác động mạnh đến thị trường, đặc biệt đến TTCK…
- Bà Lê Thị Băng Tâm: Chúng tôi giữ vai trò là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ. Cũng có người đã nói đây là một "siêu tổng công ty", chỉ cần một hoạt động nào đấy có thể "bóp chết" anh nọ, anh kia... nhưng thực sự không phải thế. Không phải cứ thấy TTCK xuống là chúng tôi mua vào hay thị trường lên thì bán ra. SCIC nhất định không chạy theo giới đầu cơ. Nếu chạy theo thị trường, có thể có lúc được nhưng cũng có thể có lúc sẽ mất hết vốn. Chúng tôi sẽ đầu tư vào những dự án, công trình lớn như sân bay, bến cảng, các công trình quan trọng có ý nghĩa quốc gia..., đầu tư vào các dự án mới, thành lập công ty mới và đến khi các công ty đó đi vào vận hành thì có thể lại rút ra để đầu tư vào cái mới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có chức năng kinh doanh vốn. Khi có nguồn vốn ngắn hạn chưa đưa vào đầu tư ở đâu thì chúng tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng... để tăng vốn. Chúng tôi cũng dự kiến thành lập công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán.
* Hiện nay, SCIC đã tiếp nhận bao nhiêu DN nhà nước và hướng đầu tư, quản lý của SCIC tại các DN này như thế nào?
- Ông Lê Song Lai: Hiện nay, SCIC đã có khoảng 500 DN. Phân làm 3 hạng: Hạng A có 7 - 8 DN, gồm các DN có quy mô vốn lớn trên 100 tỉ đồng, đã tham gia TTCK, là các DN có tác động lớn về kinh tế - xã hội; hạng B có khoảng 50 DN là các DN có thể đầu tư linh hoạt, cơ cấu, sắp xếp lại, lên sàn chứng khoán... để tăng giá trị. Còn lại là khoảng 460 DN hạng C, quy mô vốn nhỏ mà chúng tôi có kế hoạch thoái vốn, tuy nhiên cũng phải sắp xếp để sau khi thoái vốn DN hoạt động tốt và sẽ phát triển lên. Trong hoạt động cơ cấu, sắp xếp lại sẽ chủ yếu thực hiện việc mua bán DN, sáp nhập lại... để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh.
* Hiện nay, giá của nhiều loại cổ phiếu trên TTCK đã xuống rất thấp, SCIC có kế hoạch mua vào không?
- Ông Lê Song Lai: Chỉ ở các DN mà mình đang là cổ đông hiện hữu, nếu DN đó có kế hoạch phát hành thì mình mua theo tỷ lệ phát hành cho cổ đông hiện hữu. Chứ còn tham gia "đánh bạc" theo TTCK thì không.
- SCIC đã tiếp nhận khoảng 500 DN với giá trị tài sản theo sổ sách khoảng 3.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, ước tính giá trị tài sản thị trường của khối DN này lên tới trên 39.000 tỉ đồng.
- SCIC chiếm tới 63,5% vốn trong Công ty Bảo hiểm TP.HCM (Bảo Minh); 47% trong Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk); 92,5% trong Hãng hàng không Pacific Airlines; 7,5% trong Công ty mẹ FPT và 75% trong Công ty FPT Telecom... Hôm nay 26.4, đại diện SCIC sẽ chính thức ký kết thỏa thuận về việc Hãng hàng không quốc gia Qantas (Úc) mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines.
Thanh niên
|