Tiền giả qua mặt ngân hàng
Hàng tỷ đồng cotton cũ nát được lắp ghép với giấy vụn đã lọt qua hệ thống ngân hàng thương mại, tới Ngân hàng Nhà nước mới bị chặn lại, dù các quy định hiện hành về thu giữ tiền giả, tiền bị hủy hoại khá chặt chẽ.
Thủ đoạn cắt tiền giấy cotton cũ thành nhiều đoạn, dán ghép với giấy, làm nhàu bẩn và đến ngân hàng xin đổi lại tiền mới rộ lên ở một số tỉnh phía Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2006, đã có 46 giao dịch đổi tiền loại này với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng. Khi kiểm soát và giám định thì toàn bộ tổng số tiền thu về đều bị cắt đi nhiều đoạn. Ngân hàng khi ráp lại đầy đủ đã bị mất đi gần 530 triệu đồng.
Còn tại TP HCM, ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, cho biết vụ việc tương tự xảy ra vào khoảng tháng 9-10 năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước phát hiện một lượng lớn tiền cotton có tình trạng rách nát khá giống nhau được các ngân hàng thương mại đồng loạt mang tới đổi, tổng giá trị khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Sau khi giám định, có kết luận tiền giả, truy lại đơn đề nghị đổi nhưng không thấy danh tính, địa chỉ của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc. Theo ông Hạnh, khi muốn đổi số lượng lớn tiền hỏng do nguyên nhân chủ quan như thiên tai, hỏa hoạn... khách phải làm đơn đề nghị trong đó nêu rõ lý do, cung cấp danh tính, địa chỉ liên hệ.
"Những đồng tiền đó quá rách nát, có đem ra chợ người ta cũng không nhận. Vụ việc đúng, sai thế nào, cơ quan an ninh đang làm rõ, tôi không bình luận. Tuy nhiên tôi không rõ tại sao các ngân hàng lại nhận đổi mà trong đơn đề nghị lại không ghi rõ lai lịch khách hàng", ông Hạnh nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, có tên trong danh sách bị "lừa" là một số chi nhánh của các ngân hàng thương mại quốc doanh tại TP HCM và cả ngân hàng cổ phần.
"Tôi chưa nắm rõ tình hình cụ thể ở các chi nhánh. Tuy nhiên, nếu vụ việc xảy ra chung với các ngân hàng và các chi nhánh của Ngân hàng Công thương chiếm tỷ lệ cao nhất cũng là điều không khó hiểu. Bởi quy mô hoạt động, số lượng chi nhánh cũng như khối lượng tiền mặt giao dịch mỗi ngày của chúng tôi rất lớn, thuộc hàng nhất nhì ở đây", Bà Phan Thị Vân, Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Công thương khu vực phía Nam, nói.
Ông Đỗ Trung Kiên, Phó giám đốc Sở giao dịch 2, Ngân hàng Công thương chi nhánh TP HCM, khẳng định mạng lưới giao dịch trực thuộc Sở 2 không bị dính vào vụ việc này. Theo quy định, tiền mặt ra vào ngân hàng phải qua hai tay kiểm, từ người nhận tiền của khách đến nhân viên kiểm đếm đều phải tra soát cẩn thận, sau đó mỗi người đều phải ký vào biên bản bàn giao, khi sai sót ở khâu nào, người đó chịu trách nhiệm. Nhẹ thì bị trừ điểm thi đua, nặng sẽ bị xử lý thuyên chuyển công tác hoặc đuổi việc. Theo ông Kiên, tại sở giao dịch của ông từ trước tới giờ chưa có trường hợp nào bị xử lý nặng. Tuy nhiên, ông thừa nhận chuyện ngân hàng để lọt tiền giả cũng có khả năng xảy ra, nhất là với những loại tiền được làm giả tinh vi, máy móc không phát hiện nổi.
Việc đổi tiền cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu thông, theo ông Kiên, cũng được làm rất chặt. Nếu là tiền bị hư hại do nguyên nhân khách quan, đổi với số lượng nhỏ, khách làm giấy đề nghị đổi ghi rõ số lượng và không mất phí. Với các loại tiền cũ nát do nguyên nhân chủ quan, sẽ phải phân loại. Nếu là tiền cháy do hỏa hoạn thì phải có đơn nêu rõ lý do bị cháy, có xác nhận, trong đó nêu rõ danh tính cụ thể và khách hàng phải chịu một khoản phí nhất định. Trong trường hợp tiền bị hủy hoại, sẽ phải thu giữ.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Toản, Cục phó Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), từ chối bình luận về vụ việc. Song theo ông, căn cứ theo các quy định hiện hành, loại tiền cũ nát kể trên có dấu hiệu cố tình hủy hoại, các ngân hàng không được phép thu đổi, mà phải giữ lại và chuyển tới các cơ quan chức năng giám định.
VNE
|