Thứ Hai, 02/04/2007 17:02

Ngành bảo hiểm Việt Nam đang ở đâu?

Khởi đầu từ năm 2003, đến nay, Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2003 - 2010 đã đi được nửa chặng đường. Ngành bảo hiểm đã làm được gì trong bốn năm qua và khả năng hoàn thành mục tiêu đã được đặt ra hay không là vấn đề bài viết xin được đề cập.

15 năm, một bước tiến dài

Kể từ năm 1993, thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường bảo hiểm cho đến hết năm 2006, ngành bảo hiểm Việt Nam đã có một bước tiến rất dài.

Từ chỗ chỉ có duy nhất Bảo Việt, đến nay, trên thị trường Việt Nam đã có hơn 30 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động ở tất cả các lĩnh vực bao gồm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm. Đây là một sự phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, với chính sách mở cửa khác nhau nên thị trường bảo hiểm Việt Nam được phân chia khá chênh lệch. Ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, do Việt Nam chưa mở cửa nên các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chiếm đến 95% thị phần, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chiếm đến 62,5% thị phần bảo hiểm nhân thọ.

Với hơn 800 sản phẩm các loại, nguồn thu chủ yếu của ngành là từ phí bảo hiểm. Mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của ngành từ 1993 đến 2004 là 38%/năm. Đóng góp của doanh thu phí bảo hiểm vào GDP cũng có tăng trưởng đáng kể. Từ 0,37% năm 1993 tăng lên 2,13% vào cuối năm 2006. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm cho các tổ chức kinh tế và dân cư từ năm 2000 - 2005 đạt trên 12.300 tỉ đồng.

Dù có tăng trưởng cao, nhưng tỉ lệ đóng góp phí bảo hiểm vào GDP của Việt Nam như vậy là khá nhỏ nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Một vấn đề khác cần quan tâm là cho dù thị trường phát triển nhanh nhưng không cân xứng giữa các công ty, giữa các thành phần kinh tế. Mức độ tập trung thị trường cao nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, có hiện tượng độc quyền nhóm trong một số doanh nghiệp bảo hiểm chuyên sâu các ngành dầu khí, xăng dầu, bưu chính viễn thông. Qui mô vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hạn chế. Phương thức cạnh tranh vẫn chủ yếu là giảm phí và khai thác thị trường thông qua các mối quan hệ.

Hoạt động đầu tư còn nhiều hạn chế

Đến cuối năm 2006, tổng đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm trở lại nền kinh tế là 34.400 tỉ đồng, chiếm 4,07% GDP và cũng có tốc độ tăng đáng kể nếu so với năm 2001, con số này chỉ là 1,06% GDP.

Đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm là trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng. Phần còn lại là góp vốn liên doanh, đầu tư chứng khoán và đầu tư trực tiếp vào các cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống.     

Tổ chức hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm chưa thể hiện tính chuyên nghiệp. Hiện nay, mới chỉ có 3 doanh nghiệp bảo hiểm thành lập công ty quản lý quỹ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điều này làm giảm khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm hiện vẫn chưa thể cho vay vốn trực tiếp hoặc mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu vì thiếu vắng các quy định cụ thể từ các cơ quan chức năng. Do vậy, hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa cao.

Mục tiêu đến năm 2010, con đường còn dài

Có lẽ do chiến lược được lập khi thị trường bảo hiểm đang ở thời điểm hoàng kim, với mức tăng trưởng gần 50% một năm, mọi người đang rất lạc quan nên đã đưa ra mục tiêu “Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân khoảng 24%/năm; trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ tăng khoảng 16,5%/năm và bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 28%/năm. Tỷ trọng doanh thu phí của toàn ngành bảo hiểm so với GDP là 2,5% năm 2005 và 4,2% năm 2010, tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 12 lần; tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng khoảng 14 lần so với năm 2002”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ngành bảo hiểm (nhất là bảo hiểm nhân thọ) bắt đầu rơi vào trạng thái bão hòa, khi mà ba năm gần đây, tốc độ tăng số thu phí bảo hiểm đã chậm lại, với mức bình quân hàng năm chỉ là 16%. Điều này dẫn đến kết quả là cuối năm 2006, doanh thu bảo hiểm chỉ bằng 2,13% GDP, tổng đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm trở lại nền kinh tế là 34.400 tỉ đồng, bằng 4,07% GDP.

Như vậy, kế hoạch đến năm 2005 đã không đạt. Để đạt được mục tiêu đến năm 2010, hàng năm, tốc độ tăng trưởng số thu phí của ngành bảo hiểm Việt Nam phải đạt bình quân 41% và tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế phải đạt bình quân 42%. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 24% năm thì đến năm 2010, doanh thu bảo hiểm sẽ bằng 3,3% GDP.

Đâu là giải pháp?

Mục tiêu trước mắt đối với ngành bảo hiểm Việt Nam là rất nặng nề. Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng lên đến 40% một năm là điều khó khăn, tuy nhiên để nâng cao hơn nữa so với tốc độ tăng trưởng trong ba năm qua là điều có thể thực hiện được.

Để làm được việc này, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nên tập trung vào các giải pháp phù hợp nhằm tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả đầu tư như sau:

Tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp và mở rộng mạng lưới. Hiện nay các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước hoạt động tốt hơn các đối thủ cạnh tranh nước ngoài một phần nhờ sự bảo hộ của Chính phủ, một phần dựa vào mạng lưới khách hàng đã được xây dựng từ trước. Các công ty bảo hiểm Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác thị trường và các mối quan hệ nhằm duy trì và phát triển mạng lưới khách hàng truyền thống. Đây là một yếu tố quan trọng hỗ trợ các công ty bảo hiểm có thêm nguồn lực để thực hiện các kế hoạch và chiến lược kinh doanh dài hạn để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài có tiềm lực.

Thành lập các tổ chức đầu tư độc lập với hoạt động khai thác để có thể thực hiện đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả từ phí bảo hiểm.

Liên doanh, liên kết với các tổ chức tài chính để có thể có khả năng mạnh hơn với áp lực cạnh tranh khi các công ty bảo hiểm nước ngoài gia nhập thị trường theo lộ trình cam kết của Việt Nam với WTO

Giảm sự bảo hộ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bảo hiểm bằng cách đưa các doanh nghiệp bảo hiểm lên sàn để vừa gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, vừa dễ huy động vốn, gia tăng khả năng tài chính trong hoạt động

Mười năm năm qua, ngành bảo hiểm đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của hệ thống tài chính nói riêng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung. Thị trường bảo hiểm Việt Nam là một kênh quan trọng trên thị trường vốn, thể hiện tất cả các vai trò trên thị trường tài chính. Đó là đảm bảo sự ổn định thông qua việc tập trung và phân tán rủi ro, tăng cường ổn định tài chính trong hộ gia đình và doanh nghiệp, huy động vốn dài hạn và đầu tư dài hạn, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội.

Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc đóng góp một cách chủ động vào phát triển tài chính, nhưng những hạn chế này sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ. Với mục tiêu chiến lược phát triển phù hợp và trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, ngành bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trong nền kinh tế. 

VNN

Các tin tức khác

>   Đòi Vietcombank bồi thường 160 triệu đồng vì lỗi ATM (02/04/2007)

>   Giải ngân hơn 370 triệu USD vốn ODA trong quý 1 (02/04/2007)

>   USD giảm giá do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung (02/04/2007)

>   Từ hôm nay 1-4: Được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại VN (01/04/2007)

>   Ngân hàng nộp hồ sơ để... xếp chỗ (31/03/2007)

>   Nhật Bản cho Việt Nam vay ưu đãi hơn 95 tỷ yên (30/03/2007)

>   Có thể giảm thuế nhập khẩu xăng (30/03/2007)

>   Bốn ngân hàng trong nước tài trợ mua tàu chở dầu lớn nhất VN (30/03/2007)

>   VIB Bank tăng lãi suất tiết kiệm (30/03/2007)

>   Lừa ngân hàng nhiều tỷ đồng với chiêu làm giả tiền cũ (30/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật