Những kiểu thất thoát trong CPH
Mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh trên cả nước tiến hành cổ phần hóa (CPH). Để ngăn chặn nhiều thủ đoạn tham nhũng “tinh tế” trong quá trình CPH, Nhà nước có đặt ra nhiều qui định.
Thế nhưng từ một số sơ hở, quá trình CPH vừa qua là quá trình thất thoát tài sản nhà nước mà nếu không có điều chỉnh, rất có thể tài sản nhà nước sẽ tiếp tục mất bởi những chiêu thức mới, độc hơn.
Thất thoát truyền thống
Trong câu chuyện của các nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán hiện nay, ngoài chuyện Index tăng - giảm, người ta bắt đầu bàn đến những kẻ ngồi mát ăn bát vàng trong quá trình CPH như: ông A. được biếu mấy ngàn cổ phiếu, quan V. có vốn trong tổng công ty C.... Cùng với sự trồi sụt của thị trường chứng khoán (CK), nhiều NĐT bất ngờ thốt lên: có nhiều kẻ không cần lên sàn nhưng đã “ăn xong phần gốc”, kiếm được lợi nhuận gấp mấy lần họ.
Và họ bàn nhau về những “điển tích” đáng kinh ngạc trong việc định giá thấp tài sản nhà nước để CPH. “Trước một cái bánh trị giá 1 tỉ, kẻ nịnh thần bảo với Nhà nước rằng nó chỉ đáng giá một nửa để khi Nhà nước sang tên cho hắn rồi, hắn có thể bán ngay được 5-10 tỉ”. Và thực tế cuộc đời này có vô số “kẻ nịnh thần” như thế. Lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, nhiều nơi giá trị tài sản của nhà nước còn bị hạ xuống... kinh hơn rất nhiều!
Khách sạn Tràng Tiền (nay là Công ty cổ phần Tràng Tiền) là một “điển tích” của giới đầu tư chứng khoán. Tọa lạc ở số 35 phố Tràng Tiền, với vị trí trung tâm của những trung tâm tại thủ đô, sát hồ Hoàn Kiếm, ít ai biết rằng khi tiến hành CPH khách sạn này được định giá chỉ... 4 tỉ đồng.
Bà Lan, người bán sách gần khách sạn Tràng Tiền, khẳng định: “Chưa tính đến khả năng đẻ ra tiền ở một vị trí trung tâm, chỉ riêng tiền đất, trang bị, nội thất của khách sạn, giá của nó ở thời điểm CPH ít nhất cũng phải 5-7 tỉ đồng. Thậm chí đã có người đòi mua khách sạn với giá 1 triệu đô”. “Tôi khi nghe người ta nói khách sạn được định giá như vậy cũng bất bình, nhưng không phải của mình đành thôi, chẳng dám có ý kiến - bà Lan tiếp - Nếu định giá tốt hơn, Nhà nước đã có thể có 1 triệu đôla lo cho người nghèo. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và những người hưởng lợi không ai khác chính là những người đã và đang có cổ phần trong khách sạn Tràng Tiền”.
Một trường hợp tương tự, khách sạn Phú Gia, cũng nằm ở vị trí đẹp, có truyền thống nhưng cũng chỉ được định giá 3,5 tỉ đồng trong khi giá thực của nó tại thời điểm CPH chí ít cũng gấp đôi, gấp rưỡi! Song, tai tiếng nhất là việc định giá để CPH Công ty bánh Tôm Hồ Tây. Đến nay khi đi qua nơi này, ai biết được doanh nghiệp này được định giá bao nhiêu đều không thể không thở dài vì “thương tiếc”. Với vị trí sát hồ Tây, kề hồ Trúc Bạch, đất rộng hàng trăm mét vuông, chưa tính nhà cửa, uy tín doanh nghiệp, nếu Nhà nước đem bán trắng đất đi, ít ra cũng được trên 10 tỉ đồng. Thế nhưng, qua cách tính giá “thoáng” của cơ chế định giá CPH, giá trị doanh nghiệp này chỉ có 850 triệu!
“Gần đây, vẫn còn tình trạng người ta xác định giá đất để định giá doanh nghiệp nhà nước theo bảng giá đất của Nhà nước, mà bảng giá này rất thấp so với thực tế. Song, vì nó là của Chính phủ soạn nên dù biết thấp nhưng vẫn không ai làm gì được” - ông Đỗ Đức Định, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội VN, phân tích. Tuy vậy, “mất nhiều hơn là ở giai đoạn Nhà nước còn áp dụng cách tính giá trị doanh nghiệp rất “sai sách”: lấy vốn đầu tư ban đầu bỏ vào doanh nghiệp, trừ khấu hao, còn bao nhiêu là giá trị hiện tại”.
Không hề tính đến yếu tố thị trường, cũng không tính đến những khoản lãi phải có từ nguồn vốn đầu tư trong suốt bao nhiêu năm, cùng những giá trị vô hình của doanh nghiệp nên “nhiều công ty đáng hàng tỉ, nhưng tính mãi cũng chỉ được vài chục, vài trăm triệu, thậm chí âm. Thời trước có thể chép miệng cho qua vì doanh nghiệp đó có thể làm ăn chưa tốt, nhưng bây giờ nhìn lại mới giật mình rằng có sự mất mát cần phải đong đếm”.
Nếu nói đến thất thoát trong định giá doanh nghiệp thì những trường hợp trên vẫn... chưa đáng gì. Vì chúng chỉ là những trường hợp “sờ” thấy được. Cái mất lớn hơn là giá trị tài sản cả hữu hình lẫn vô hình rất khó đánh giá ở những công ty lớn của Nhà nước, có dây chuyền sản xuất hiện đại. Ví dụ Công ty đường Lam Sơn, một nhà nghiên cứu lâu năm về thương mại và giá cả (Bộ Thương mại) xin giấu tên khẳng định: “Thời điểm nó được định giá là 250 tỉ đồng, thì giá thực chất theo tôi tính toán tỉ mỉ ít ra cũng phải gấp đôi, nghĩa là Nhà nước “quên” mất tới 250 tỉ đáng lẽ phải là của mình”.
Chỉ một vài trường hợp như thế đã có thể mường tượng Nhà nước mất bao nhiêu tiền khi tiến hành CPH các doanh nghiệp. Gần đây, để hạn chế tình trạng tài sản nhà nước khi được định giá CPH cứ như... hóa giá, những qui định về CPH đã được đưa ra chặt chẽ hơn. Song, không phải vì thế mà không còn thất thoát!
Những kiểu thất thoát mới
“Trong chính sách CPH có qui định phải bán một phần cổ phiếu với giá ưu đãi cho những người trong nội bộ doanh nghiệp, như giám đốc được mua đến 30% thì không khó gì cho các ông ấy kiếm tiền” - chủ tịch Hiệp hội CT của Hà Nội khẳng định như vậy. “Các ông giám đốc ấy không dám mua nhiều vì sợ lộ tài sản, nhưng hoàn toàn có thể tập hợp lực lượng, thậm chí ngang nhiên bán quyền mua” - vị chủ tịch kia tiếp tục phân tích.
Trong bối cảnh thị trường CK đang “nóng hôi hổi”, các nhà đầu tư sẵn sàng nộp trước tiền mua cổ phiếu, chỉ cần “nhận chỗ”, những kẻ có quyền mua đã “chớp” được một khoản chênh lệch không thể nói là nhỏ. Như vậy, đáng ra Nhà nước có thể bán thẳng cổ phiếu ra thị trường với giá cao, thì lại “tạo điều kiện” cho một số đối tượng mang danh người lao động “nẫng tay trên”. Không biết chừng họ còn nẫng cả phần của công nhân vì công nhân được quyền mua bao nhiêu là do chính họ quyết định.
Một kiểu thất thoát nữa mà nếu kiểm soát tốt, Nhà nước có thể thu được nhiều tiền hơn trong giai đoạn CPH hiện nay. Đó là hiện tượng ký kết “đối tác chiến lược” giữa những đại gia. Nghe thì bình thường, vì đây là sự hợp tác cần thiết để hai bên có thể bổ sung sức mạnh cho nhau, nhưng do chưa có cơ chế giám sát hữu hiệu, một số kẻ hoàn toàn có thể thông đồng với nhau để tư lợi. Theo NĐT CK kỳ cựu Nguyễn Văn Bình, từng “chơi” CK ở cả thị trường Hong Kong, thì không ít trường hợp đây là cách... bán rẻ cổ phần nhà nước cho những người “hữu hảo”.
“Như ở công ty X, tổng công ty Z sau khi đã mua... gần hết cổ phần ưu đãi nội bộ, để “vét” đến mức tối đa cổ phần bán ra ngoài, ông giám đốc còn nhờ một công ty khác đứng ra làm “đối tác chiến lược” vì trường hợp này được bán cổ phiếu với giá rẻ mà không ai nghi ngờ. Ký kết xong, rất có thể “đối tác chiến lược” được cầm cái phong bì dày cộp ra về. Sau đó, “đối tác chiến lược” giữ được cổ phiếu trong bao lâu, có tuồn ra thị trường CK hay rơi vào tay ai thì thật khó lòng kiểm soát!...
Tài sản nhà nước đang được “tháo khoán” với rất nhiều cách như vậy. Và dù là cách nào thì số tiền của quốc gia bị thất thoát trong quá trình CPH cũng không bao giờ nhỏ!...
TS Trần Tiến Cường (trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Cho đến nay, vẫn chưa có đề tài nghiên cứu, thậm chí hội thảo nào về thất thoát trong tiến trình CPH ở VN thời gian qua.
Rất nhiều người cùng cho rằng thất thoát là không nhỏ. Không một cơ quan nào có thể khẳng định mình nắm bắt được hết thực tế. Vì vậy, đã đến lúc cần trưng cầu ý kiến để tổng kết, nhìn lại quá trình CPH vừa qua xem nó có những vấn đề gì để tiếp tục đi tới với cách làm thống nhất và hiệu quả, ít thất thoát hơn.
Đến nay, cả nước đã tiến hành CPH được 3.250 doanh nghiệp (chiếm gần 20% tổng số vốn nhà nước) trên tổng số khoảng 12.000 doanh nghiệp nhà nước. Từ nay đến năm 2010, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 71 tổng công ty, tập đoàn lớn sẽ phải CPH xong. Theo lộ trình trong năm 2007, có 450 doanh nghiệp nhà nước sẽ tiến hành CPH, trong đó có 20 tổng công ty, tập đoàn lớn. Theo nguồn tin tại Ban đổi mới doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ, một nửa số tổng công ty 90, 91 CPH sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán vào cuối năm nay. Như vậy, sau 2010 vẫn còn khoảng 30 tổng công ty, tập đoàn lớn chưa CPH.
Chúng ta đã thay thế tới bốn nghị định để hoàn thiện qui chế CPH doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện một nghị định nữa để thay thế nghị định 187/NĐ/CP năm 2004 đang là căn cứ chính để các doanh nghiệp tiến hành CPH. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa tiết lộ những điểm cụ thể nào sẽ được thay đổi để lấp những lỗ hổng có thể làm thất thoát tài sản nhà nước.
Tuổi trẻ
|