Phải lấp lỗ hổng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, TS Nguyễn Quang A cho rằng: “Có những lỗ hổng cần phải lấp nếu không thất thoát sắp tới sẽ lớn hơn”. Đã đến lúc nhà nước cần xem lại nên chi phối cái gì? Chi phối cách làm ăn hay chi phối định hướng?
* Ông nghĩ gì về những nghịch lý mà TS Nguyễn Văn Nam nêu ra trên đây?
- Hungary đã CPH cách VN rất lâu. Nhưng do cách làm cũng quá quan tâm đến tính ưu tiên cho những đối tượng cụ thể trong khi không phải người lao động nào cũng có thể mua, giữ được cổ phiếu nên khi CPH xong, những học giả lõi đời ở nước này đề nghị phải quốc hữu hóa lại. Bởi mất mát quá nhiều, tài sản nhà nước chuyển vào tay số ít người và những người này giàu lên rất nhanh.
* Tại VN đã có tình trạng một doanh nghiệp đáng giá hàng chục tỉ đồng được định giá vài ba tỉ đồng, nên muốn hay không cũng phải công nhận đã có nhiều người giàu lên rất nhanh nhờ CPH?
- Nguồn chênh lệch đó không đi đâu ngoài các vị lãnh đạo công ty, những quan chức liên quan. Việc quan chức được tặng cổ phiếu là có. Nhiều quan chức nhờ nắm được thông tin, lợi dụng được vị thế của mình, đã giàu lên khủng khiếp. Đấy là tham nhũng thông tin, tham nhũng quyền lực.
* Dư luận đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong cơ chế CPH gây thất thoát tài sản quốc gia. Tựu trung lại, theo ông, lỗ hổng lớn nhất trong quá trình CPH ở VN nằm ở chỗ nào?
- Không hi vọng có một cơ chế không kẽ hở. Điều đó chúng ta phải chấp nhận. Nhưng điều không thể chấp nhận là những kẻ ỷ vào quyền thế, chiếm cho mình những lợi ích cao nhất. Tại VN đã từng có tình trạng người ta có thể đánh giá thấp giá trị công ty, đến mức người dân cũng ngạc nhiên mà vẫn không bị ai “sờ gáy”.
* Qui định dành cho cán bộ, nhân viên công ty sắp CPH quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi?
- Là lỗ hổng lớn nhất hiện nay. Chính sách này có tính hai mặt. Vì theo đó, lãnh đạo cao được mua nhiều, công nhân được ít. Điều này trong thực tế rất dễ khiến các công ty nhà nước rơi vào tay mấy ông lãnh đạo doanh nghiệp, vì những người này, hơn ai hết, sẽ kiến nghị mức cổ phiếu ưu đãi cao nhất, giá thấp nhất có thể.
* CPH là cơ hội phân bổ lại tài sản quốc gia nên nếu không khéo sẽ tạo bất bình đẳng xã hội rất lớn. Dù biết thế chúng ta vẫn chưa có cách làm khác?
- Chúng ta có một số qui định về đấu giá, giúp tình hình khá hơn. Nhưng đấu giá, đấu thầu luôn có những kẽ hở nên phải đặt lại vấn đề. Nếu tài sản nhà nước là tài sản của toàn dân, tại sao chỉ có mấy ông lãnh đạo hay một vài chục nhân viên của công ty đó được hưởng ưu đãi? Nhà nước nên bán rộng rãi để người dân nào quan tâm đều có thể mua cổ phần, là cách để tiền của toàn dân về túi nhân dân. Tỉ lệ cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên doanh nghiệp cổ phần nên ít đi. Nếu không, đó không phải ưu đãi mà là lãng phí tài sản quốc gia. May thay chục năm qua ta mới CPH chưa được 20% tổng số vốn nhà nước.
* Mới hơn 20% nhưng cứ theo cách làm hiện nay thì còn tiếp tục thất thoát?
- Để giảm thất thoát chỉ có một cách duy nhất là công khai, minh bạch, Nhà nước có thể bán được tài sản của mình với giá cao nhất.
Nhà đầu tư chứng khoán Phùng Văn Kiên: Cổ phần hóa các tổng công ty 90, 91: nếu không cẩn thận Nhà nước lỗ to
Cổ phiếu càng có giá thì người ta càng muốn ôm nhiều. Đừng phủ nhận lòng tham của con người dù đó là ai. Nếu người dân có nói tới những công ty có mặt bằng hàng trăm mét trên phố chính, giá thực phải 50-60 tỉ, lại được định giá có 9-10 tỉ, thì đó sắp tới sẽ là những cái hết sức nhỏ nếu so với các đại công ty giá vài chục ngàn tỉ đồng như các tổng công ty và tập đoàn lớn vì chỉ cần những đại công ty này bớt đi một tí tài sản ngầm là dôi ra ngàn tỉ.
Từ đây đặt ra câu hỏi: có tránh được thất thoát trong CPH không? Theo tôi là có thể. Thị trường chứng khoán sôi động là một sức ép khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ hơn trong việc có bán cổ phần ra hay không. Nhà nước đến nay đã nhàn hơn trong việc tránh thất thoát, vì công ty bị đánh giá quá thấp sẽ ngay lập tức thành mối quan tâm của hàng triệu người chứ không chỉ mấy trăm người như trước kia. Nên sắp tới chỉ cần Nhà nước có qui định công khai thông tin, vừa mở rộng, vừa minh bạch về quyền mua thì tài sản nhà nước sẽ bớt bị “bốc hơi” âm thầm cho một vài ngư ông đắc lợi.
Tuổi trẻ
|