ICB dự kiến bán 49% vốn nhà nước khi cổ phần hoá
Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB), một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, vừa trình Chính phủ phương án bán 49% vốn nhà nước khi thực hiện cổ phần hoá.
Theo phương án này, số vốn nhà nước trong ICB sẽ được bán cho 4 loại đối tượng là cán bộ nhân viên có nhiều năm làm việc trong ngân hàng, các đối tác chiến lược, các định chế tài chính quốc tế lớn và một phần được bán đấu giá ra công chúng.
Cổ đông chiến lược được ICB nhắm tới là các ngân hàng quốc tế lớn có tiềm lực tài chính, có năng lực quản trị công nghệ và có cam kết hỗ trợ về kỹ thuật đối với ICB. “Hiện đã có rất nhiều ngân hàng đăng ký trở thành cổ đông chiến lược của ICB và chúng tôi dự kiến mời hai ngân hàng có các tiêu chuẩn này”, Tổng Giám đốc ICB Phạm Huy Hùng cho biết.
Ở trong nước, ICB đã ký hợp đồng đối tác chiến lược với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và đang chuẩn bị ký hợp đồng đối tác chiến lược với Tổng Công ty Xi măng, Tập đoàn Dầu khí, và Tổng Công ty Điện lực.
Hiện nay, các bước chuẩn bị cho việc cổ phần hoá ở ICB đang tiến triển thuận lợi. Theo Tổng Giám đốc Phạm Huy Hùng thì “đây là những bước đi bài bản, vững chắc, có tính chất chiến lược” bao gồm việc kiểm toán hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, thẩm định giá trị tài sản ngân hàng, lựa chọn các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới tham gia đấu thầu tư vấn.
Tháng 2 vừa qua, ICB đã ký hợp đồng với công ty kiểm toán Ernst & Young để tiến hành kiểm toán hoạt động tài chính theo chuẩn mực quốc tế và đánh giá toàn diện danh mục cho vay, đầu tư và hoạt động kiểm tra - kiểm soát của ngân hàng.
ICB cũng đã chính thức ký hợp đồng với Công ty Thẩm định Giá (Bộ Tài chính) để tiến hành rà soát và thẩm định giá trị tài sản của ngân hàng.
Ngân hàng này cũng đã hoàn thành việc lựa chọn bảy nhà tư vấn cổ phần hoá là những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới gồm Lehman Brothers, Merrill Lynch, JP Morgan, UBS, Morgan Stanley, Macquarie, Daiwa Security SMBC để tổ chức đấu thầu, nhằm lựa chọn nhà tư vấn quốc tế tốt nhất cho cổ phần hoá.
Lộ trình tiếp theo sẽ là hoàn thành thủ tục chọn một nhà tư vấn vào tháng 5, trình phương án cổ phần hoá cụ thể vào tháng 8, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 10/2007 và hoàn thành các thủ tục cổ phần hoá vào tháng 1/2008.
Ông Hùng cho biết, từ năm 2006, ICB đã khẳng định lại được uy tín và vị thế của một ngân hàng thương mại lớn tại thị trường Việt Nam với tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,38% thay vì 29-30% của năm 2000. Lợi nhuận trong năm 2006 đã tăng 45% so với năm trước, chỉ số an toàn vốn đạt 11%. Vốn điều lệ hiện nay của ICB đã được nâng lên 9.000 tỷ đồng./.
TTXVN
|