Lạm phát cao trở lại?
Báo cáo giá cả của Tổng cục Thống kê trong tháng 3 vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng lên. Giá cả của tháng 3.2007 đã tăng 3,02% so với tháng 12-2006 (tháng 3-2006 chỉ số này là 2,8%). Nếu so sánh giữa tháng 3-2007 so với tháng 3-2006 thì CPI đã tăng 6,8%.
Nghĩa là nếu chúng ta tính gộp thì lạm phát đã cao hơn so với năm vừa rồi.
Tất nhiên, lạm phát của cả năm sẽ diễn biến theo chiều hướng nào còn tuỳ thuộc vào giá cả của các tháng còn lại. Mặc dù mức tăng này không đáng kể nhưng nó có thể là một dấu hiệu lạm phát cao đang quay trở lại sau một năm giữ được ở mức trung bình.
Năm 2004 và 2005 là giai đoạn mà lạm phát của Việt Nam đột nhiên tăng vọt ở mức rất cao đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu và chính sách tìm kiếm câu trả lời đâu là nguyên nhân căn bản tạo ra mức lạm phát cao như vậy.
Một cách tóm lược, nguyên nhân của sự tăng giá kéo dài, mà chúng ta gọi là lạm phát, có thể bắt nguồn từ hai phía của thị trường.
Thứ nhất, nó có thể bắt nguồn từ phía sản xuất mà những nhà kinh tế học gọi là phía cung. Theo lối giải thích này, một khi giá yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất nào đó tăng lên sẽ dẫn đến giá thành tăng và làm tăng giá bán, từ đó làm tăng giá cả. Nếu sự tăng giá này diễn ra trong rất nhiều hàng hoá thì đó là lạm phát (một vài giá hàng hoá tăng thì không gọi là lạm phát). Chẳng hạn, dầu lửa là một trong những yếu tố đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất mà tăng giá, thì có thể làm giá của nhiều hàng hoá khác nhau trong nền kinh tế tăng và điều đó dẫn đến tăng lạm phát.
Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn tiếp tục tăng trong nhiều năm trong khi giá của các yếu tố đầu vào vừa kể trên không còn tăng nữa thì nguyên nhân thứ hai sẽ lý giải hợp lý hơn về lạm phát.
Nguyên nhân thứ hai, ở phía ngược lại, gọi là phía cầu. Hãy hình dung, nếu lượng hàng hoá trong nền kinh tế là không đổi và đột nhiên một buổi sáng thức dậy, bạn thấy tiền trong ví của mình được nhân đôi. Không những bạn, mà tất cả mọi người đều như thế! Kết quả của giả tưởng này là giá cả trong nền kinh tế cũng sẽ tăng gấp đôi.
Như là một vấn đề trọng tâm của kinh tế Việt Nam, trong một báo cáo gần đây của IMF, chuyên gia của tổ chức này đã tập trung phân tích khá cặn kẽ về những nguyên nhân tạo ra lạm phát cao. Cả hai phía cung và phía cầu mà chúng ta vừa nói ở trên được tiếp cận. Báo cáo này cho thấy, giá của những yếu tố đầu vào (chẳng hạn như giá dầu lửa và nhiều mặt hàng trong nhóm ngành lương thực) đã góp phần làm tăng giá và đẩy lạm phát lên cao trong những năm gần đây. Song phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu này đã chỉ ra quan hệ chặt chẽ giữa tốc độ tăng cung tiền (và cả cung tín dụng) đối với lạm phát ở Việt Nam, nhất là giai đoạn từ sau năm 2002.
Hình trên là kết quả nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết lạm phát của Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với lượng tiền tăng lên trong nền kinh tế. Cũng từ hình này cho chúng ta thấy rằng không phải lúc nào lạm phát cao cũng bắt nguồn từ phía cầu, chẳng hạn như Indonesia hay Philippines lạm phát cao trong khi cung tiền và tín dụng nằm ở mức thấp. Việt Nam cũng như Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc thì ngược lại.
Theo tôi, việc tăng giá của tháng vừa rồi là một dấu hiệu không đủ dài để khẳng định lạm phát của cả năm sẽ tăng vọt trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát và so sánh, cho dù lạm phát của năm 2006 vừa rồi là ở mức thấp hơn so với 2 năm trước đó, nhưng đó vẫn là một tỷ lệ lạm phát khá cao so với những nước trong khu vực (năm 2006, lạm phát của Thái Lan là 4,6%, Trung Quốc là 1,5%).
Sự giảm lạm phát của năm 2006 là do các nguyên nhân về giá dầu lửa và các mặt hàng lương thực thực phẩm không còn tạo sức ép lên giá (mặc dù giá của dầu vẫn ở mức cao nhưng không biến động tăng nên không thể đẩy giá tăng thêm) cộng thêm một vài động tác của phía Ngân hàng Nhà nước, chẳng hạn như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại.
Như vậy, một khi mà Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng tín dụng và cung tiền ở mức cao thì sức ép lạm phát vẫn còn. Số liệu của IMF vào tháng 6 năm 2006, tốc độ tăng cung tiền (đo lường bằng khối tiền rộng, M2) là 34% và tăng tín dụng là 24,8%. Trung Quốc đã kiềm chế được mức lạm phát thấp như vậy là do những nỗ lực rất lớn từ phía Ngân hàng Trung ương lẫn phía chính phủ. Bắt đầu từ giữa năm 2006 Ngân hàng Trung ương của nước này đã giảm tín dụng xuống năm lần bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lẫn tăng lãi suất cơ bản. Chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư xuống, từ 30 xuống còn 20%.
Việc hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới và thị trường hoá hơn nữa nhiều sản phẩm trong nước sẽ dẫn đến nhiều giá cả biến động trong thời gian tới. Các biến động này có thể ngược chiều nhau. Cụ thể, những sản phẩm không còn được bảo hộ nữa sẽ giảm giá theo giá thế giới và những sản phẩm mà chính phủ thôi trợ cấp có thể tăng giá theo giá thị trường. Những tác động bù trừ này cộng với quá trình cải cách từ từ, gồm cả cải cách bên trong lẫn hội nhập với bên ngoài, có thể không tạo nên sức ép lạm phát cho tương lai. Do vậy, kiểm soát lạm phát bằng cách quản lý cung tiền của ngân hàng trung ương cũng như nỗ lực phối hợp của chính phủ trong chi tiêu của mình sẽ trở nên quan trọng.
Sài Gòn tiếp thị
|