Thứ Ba, 17/04/2007 16:53

Lo tiêu hóa vốn ngoại

Đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm hơn nữa tới việc giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Khép lại năm 2006, Việt Nam đã tạo ra một bước đột phá về thu hút vốn FDI, khi tổng vốn cấp mới đạt 10,2 tỷ USD, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Kết quả thu hút nguồn vốn trên của năm 2006 đang tạo đà thuận lợi cho năm 2007. Điều này được ghi nhận ngay trong quý 1, cả nước đã thu hút được 2,5 tỷ USD vốn FDI - tăng 22 % so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, hiện có khoảng 20 dự án với tổng vốn khoảng 30 tỷ USD đang trong quá trình chọn Việt Nam là điểm dừng chân để đầu tư. Chính vì thế mức 12 tỷ USD vốn FDI - con số được kỳ vọng cho cả năm nay - có lẽ không quá xa xôi.

Nhìn lại trong tổng số vốn hơn 10 tỷ USD thì có tới trên 75% là vốn đăng ký mới, còn lại là tăng vốn. Như vậy, việc đưa nguồn vốn FDI cấp mới vào triển khai trên thực tế là điều hết sức quan trọng, bởi như vậy mới có thể góp phần hoàn thành mục tiêu năm nay Việt Nam đã đề ra, đó là đưa doanh thu của khối doanh nghiệp FDI tăng 17,5% so với 2006.

Mặt khác, tổng vốn FDI lũy kế mà Việt Nam thu hút được tính đến nay đã đạt trên 60 tỷ USD với hơn 7.000 dự án, tuy nhiên số vốn thực hiện mới đạt hơn 36 tỷ USD, tức là một nửa số vốn còn lại vẫn nằm trên văn bản. Do đó, theo một chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là phải kịp thời tiêu hóa vốn FDI bên cạnh việc thu hút FDI đang tăng tốc.

Song cũng phải nói rằng, nguồn vốn ngoại này đang được triển khai mạnh tại Việt Nam. Trong năm 2006, cùng với thu hút vốn FDI đạt kỷ lục thì số vốn thực hiện cũng xác lập con số mới với 4,2 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2005), đạt cao nhất kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987 đến nay.

Nhưng nếu soi vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006-2010) mà Việt Nam đã đề ra thì số vốn thực hiện đạt cao nhất ở trên cũng chưa đạt khi đề ra số vốn FDI thực hiện bình quân mỗi năm tối thiểu là 4,5 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận rằng vốn FDI thực hiện trong năm 2006 tăng, song vẫn còn thấp đáng kể so với vốn đăng ký; tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội chưa tăng so với các năm trước.

Chính vì thế, theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2007, Việt Nam đề ra kế hoạch đạt vốn FDI thực hiện khoảng 4,5 tỷ USD. Và theo như lời quan chức này thì điều đó có thể thành hiện thực với hàng loạt biện pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra.

Đó là các giải pháp về thủ tục hành chính như cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa; rà soát các dự án để có ngay hình thức xử lý phù hợp, tránh tình trạng đất để quá 1 năm không đưa vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai; hoặc hỗ trợ dự án nhanh chóng triển khai sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư...

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã có đoàn công tác khảo sát tại 20 tỉnh, thành trọng điểm của cả nước. “Một trong những trọng tâm của chuyến công tác của Cục tại các địa phương không phải là vấn đề lo vốn mới năm nay như thế nào, mà chính là lo giải ngân vốn FDI”, ông Phan Hữu Thắng nói.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   BIDV chính thức mời thầu tư vấn cổ phần hóa (17/04/2007)

>   Cần thận trọng với tờ giấy bạc 1.000 HKD (17/04/2007)

>   Cải cách hành chính: Ba giải pháp ưu tiên (17/04/2007)

>   Một khách hàng trúng thưởng 1 kg vàng của VIB Bank (17/04/2007)

>   Giá vàng biến động quá nhanh (17/04/2007)

>   HSBC cung cấp sản phẩm hoán đổi rủi ro tín dụng tại VN (17/04/2007)

>   Giá vàng tiếp tục tăng mạnh: Các DN đã nhập khẩu khá nhiều vàng dự trữ (17/04/2007)

>   Bảng Anh tăng giá so với USD (16/04/2007)

>   Quý 1, tổng tài sản Techcombank đạt 22.810 tỷ đồng (16/04/2007)

>   Vàng sẽ “sốt” tới 1,5 triệu đồng/chỉ? (16/04/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật