Cải cách hành chính: Ba giải pháp ưu tiên
Phỏng vấn ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tổng thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo đánh giá của ông, sự yếu kém của nền hành chính tồn tại nhiều nhất ở bộ phận nào, cơ quan ra văn bản hay thực thi?
Nói đến bộ máy hành chính Nhà nước phải nói đến cơ quan ra văn bản, đó là những bộ ngành Chính phủ và cơ quan thực thi đó là những cơ quan quản lý địa phương.
Bộ phận ra văn bản đóng vai trò quan trọng, là nơi xây dựng các thể chế, hoạch định chính sách vĩ mô. Tuy nhiên phải nói rằng bộ phận này đang thiếu nhiều những công chức có kiến thức và khả năng hoạch định chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và nền kinh tế hội nhập.
Đây là khiếm khuyết lớn và cũng là thách thức đối với mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ.
Trong khi đó đội ngũ thực thi, công chức cơ sở nơi trực tiếp giải quyết những công việc hàng ngày của Nhà nước sự yếu kém cũng đáng nói. Nếu đánh giá theo các tiêu chuẩn hóa về cán bộ công chức Nhà nước do Chính phủ ban hành thì chỉ có 50% công chức trong khu vực này đáp ứng tiêu chuẩn đó.
Mặc dù có những địa phương mức độ đạt đến 80% nhất là những tỉnh thành có tốc độ phát triển cao thì cũng có những địa phương chỉ đáp ứng 30% trong tiêu chuẩn công chức. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức phải đạt trung cấp hoặc đại học nhưng điều này không dễ thực hiện.
Đây là thách thức, đòi hỏi khó nhất trong cải cách hành chính trong cơ chế thị trường. Bộ Nội vụ đang có các chương trình tập huấn để nâng cao trình độ cán bộ của bộ phận này. Nhưng đó là công việc ngắn hạn, cấp tốc còn về lâu về dài thì vẫn phải chuẩn hóa.
Nói tóm lại những hạn chế và yếu kém trong nền hành chính xuất hiện ở cả hai bộ phận nhưng bộ phận thể hiện sự yếu kém nhiều hơn chính là bộ phận ra văn bản. Sự rườm rà, chồng chéo... xuất phát từ cấp ra văn bản, kể cả Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành.
Ví dụ chuyện cấp sổ đất đai với hai sổ được qui định khác nhau, tạo ra sự rườm rà cho việc thực thi. Để thống nhất hai sổ này phải thống nhất hai luật khác nhau...
Trước những thách thức đó, cải cách hành chính có những chương trình và mục tiêu như thế nào, thưa ông?
Chính phủ đưa ra tám chương trình trọng tâm về cải cách hành chính nhưng ưu tiên vào ba giải pháp. Ba giải pháp này cũng là ba giải pháp ưu tiên của năm 2007 được Chính phủ quan tâm thường xuyên trong các cuộc họp giao ban của Chính phủ.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hành chính theo cơ chế thị trường, đặc biệt là những cam kết của Việt Nam khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là nhiệm vụ không thể chối bỏ và phải thực hiện theo lộ trình. Cần phải rà soát các văn bản, thủ tục hành chính càng gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Đây là ưu tiên số 1 trong nhiệm vụ hoàn thiện thể chế hành chính.
Theo chỉ đạo của Chính phủ trong tháng 4, 11 bộ ngành phải rà soát các qui định thủ tục hành chính còn rườm rà, vướng mắc... để báo và trình bày trước Chính phủ.
Thứ hai, giải quyết những vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức ở hai cấp trọng tâm hoạch định chính sách trung ương và thực hiện ở cơ sở. Từ đó mới mong cải thiện quan hệ giữa Nhà nước và dân. Trọng tâm của nhiệm vụ ưu tiên này là xác định trách nhiệm cá nhân công chức, của người đứng đầu... Đưa ra những biện pháp để lành mạnh hóa đội ngũ công chức và để phục vụ tốt hơn cho xã hội như các qui tắc ứng xử, công khai hóa tài sản, kiểm soát thu nhập... Ngoài ra cũng cần phân cấp phân quyền cho các địa phương để tăng tính năng động và hiệu quả cho cấp thực thi thay vì cái gì cũng phải báo cáo và xin ý kiến từ cấp trên.
Thứ ba, hiện đại hóa ngành hành chính, nâng cấp các công sở hành chính vì đó không chỉ thể hiện bộ mặt của Nhà nước mà còn là nơi người dân đến làm việc. Nhanh chóng xây dựng nền hành chính Chính phủ điện tử thông tin tin cậy cho người dân và doanh nghiệp. Đây là công năng rất mới của trụ sở hành chính.
Trong cuộc họp hàng tháng của Chính phủ, những vấn đề này luôn được báo cáo trước Chính phủ. Bên cạnh những bộ ngành liên quan, còn có hai nhà lãnh đạo của Tp.HCM và Hà Nội cũng tham gia cuộc họp của Chính phủ. Điều này cho thấy tính cấp bách yêu cầu cải cách hành chính của đất nước.
Nhiều người cho rằng nền hành chính yếu kém có nguyên nhân lớn từ đồng lương. Trong giải pháp ưu tiên cải cách hành chính vấn đề lương có được đặt ra không, thưa ông?
Lương được trả cho công chức hành chính chủ yếu là tiền ngân sách. Tuy nhiên thực làm việc cho bộ máy hành chính không nhiều mặc dù ngân sách đang trả lương cho 1,7 triệu người. Chỉ có khoảng 300.000 công chức hành chính, còn lại là hành chính sự nghiệp giáo dục y tế, giáo dục khoa học...
Lương là một trong những thách thức vì trả lương đúng là đầu tư cho phát triển và là nguồn động lực. Hiện tại người công chức chưa sống bằng lương, vì vậy họ phải bươn chải bằng những hình thức hợp pháp và không hợp pháp. Những hình thức không hợp pháp chính là sự gây nhũng nhiễu cho người dân. Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền và cải cách hành chính cũng chú ý đến cải thiện mức lương, đó cũng là cải thiện điều kiện sống cho công chức hành chính.
TBKTVN
|