CPH doanh nghiệp nhà nước: Cần lấp những lỗ hổng lớn
Việc cổ phần hoá DNNN những năm qua đã đạt được những thành tựu lớn, bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều bất cập và những lỗ hổng, nếu không được xem xét thấu đáo và sớm có biện pháp khắc phục thì sẽ làm chậm tiến trình CPH và Nhà nước sẽ bị thất thoát tài sản dưới nhiều hình thức.
Tính đến cuối năm 2006, cả nước đã cổ phần hoá (CPH) được khoảng 3.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và bộ phận DNNN. Với lộ trình CPH từ năm 2007 đến 2010, theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ có 71 tập đoàn, TCty nhà nước được tiếp tục CPH với giá trị tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Những thành tựu bước đầu về CPH là rõ ràng và cần được khẳng định: Tạo ra các loại hình DN đa sở hữu năng động thích nghi với nền kinh tế thị trường, thu hút được một lượng vốn lớn đầu tư cho SXKD, buộc các DNNN phải tích cực chủ động đổi mới phương thức quản trị kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Nhưng thẳng thắn để nhận biết, chúng ta cũng thấy việc CPH DNNN những năm qua cũng bộc lộ nhiều bất cập và những lỗ hổng.
Lỗ hổng trong định giá tài sản nhà nước
Lỗ hổng lớn nhất trong CPH DNNN vừa qua chính là việc xác định chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm tiến hành CPH chưa chính xác, thiếu nhiều chuẩn mực đã dẫn tới hậu quả tất yếu là giá trị tài sản DN của nhiều DN thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế tài sản đang phát huy tác dụng trong SXKD của DN, làm Nhà nước bị thất thoát giá trị tài sản rất lớn khi CPH.
Điều này cắt nghĩa tại sao nhiều DN khi CPH, giá bán khởi điểm một cổ phần là 11.000đ, 15.000đ hay 20.000đ... nhưng thị trường sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao gấp 3, 4, 5... lần mà không phải là giá ảo. Đó là giá thị trường chấp nhận được của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước (chứ không phải là các nhà đầu tư theo phong trào).
Loại trừ vấn đề áp giá mới, thì mấu chốt ở đây chính là phương pháp đánh giá và tính toán phần trăm chất lượng còn lại của tài sản DN tại thời điểm CPH, có làm tốt việc này thì mới xác định đúng giá trị thực tế tài sản DN CPH. Nhưng hiện nay, lĩnh vực này còn thiếu những văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể của Nhà nước và các bộ chuyên ngành.
Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16-11-2004 về chuyển Cty nhà nước thành Cty cổ phần chỉ nêu các nguyên tắc chung về tổ chức xác định giá trị DN, về lựa chọn tổ chức định giá doanh nghiệp, về điều chỉnh giá trị DN CPH...
Còn Thông tư số 126/2004/TT-BTC, ngày 24-12-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện NĐ 187 cũng chỉ quy định chung nhất là chất lượng còn lại của tài sản được xác định bằng tỉ lệ phần trăm so với chất lượng của tài sản cùng loại mua sắm mới hoặc đầu tư xây dựng mới... Trường hợp chưa có quy định của Nhà nước thì chất lượng của tài sản được đánh giá không thấp hơn 20%!(?).
Điều phi lý đã xảy ra là: Nếu đứng trên phương diện quản lý kỹ thuật vận hành và an toàn lao động thì không một nhà quản lý DN nào dám cho những tài sản cố định như nhà điều hành sản xuất, những trạm biến áp điện, những đường dây truyền tải điện, những phương tiện vận tải, những máy móc chế tạo cơ khí điện tử, các máy móc thiết bị khai thác, chế biến... mà chất lượng kỹ thuật được xác định lại khi CPH chỉ còn 30%, 35%, 40%, thậm chí là 20% như mức giới hạn thấp nhất mà Bộ Tài chính cho phép lại vẫn tiếp tục được vận hành và nằm trong giá trị CPH DN. Nhưng thực tế này là khá phổ biến.
Như vậy, trong hồ sơ xác định giá trị DN CPH của nhiều DN được duyệt đã có sự "vênh" rất lớn giữa đánh giá phần trăm chất lượng kỹ thuật còn lại với giá trị thực còn tốt của tài sản, phần tốt này đã bị "mất" đi một cách tuyệt đối qua số tương đối là tỉ lệ phần trăm chất lượng tài sản bị đánh tụt xuống.
Nếu chúng ta biết nguyên giá một đối tượng TSCĐ như một trụ sở làm việc, một tổ lò máy phát điện, một đường dây truyền tải điện, một con tàu đánh cá, một máy xúc... có giá trị tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, thì mỗi phần trăm chất lượng giảm đi Nhà nước mất bao nhiêu tỉ đồng. Mà mỗi DN có tới hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tài sản khác nhau cần đánh giá.
4 điểm cần làm rõ
Để chấn chỉnh và khắc phục lỗ hổng trên, theo chúng tôi, Nhà nước cần có văn bản quy định và tài liệu hướng dẫn đầy đủ việc tính giá trị sử dụng thực tế còn lại của tài sản cố định khi CPH để áp dụng thống nhất và đồng bộ trong các bộ, địa phương, các TCty 91, các DN. Trong đó cần làm rõ và hướng dẫn cụ thể những điểm chủ yếu sau:
- Việc đánh giá mức hao mòn thực tế của TSCĐ trong quá trình sử dụng thông qua việc xác định hao mòn vô hình và hao mòn hữu hình của TSCĐ, vì nếu chỉ đánh giá TSCĐ bằng hao mòn hữu hình là chưa đầy đủ. Vì hao mòn hữu hình là hao mòn về vật chất, tức là sự giảm dần về giá trị sử dụng của TSCĐ cho tới khi tài sản đó không thể dùng được nữa, còn hao mòn vô hình là sự giảm giá trị của TSCĐ đang sử dụng do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự hoàn thiện tổ chức quản lý SXKD của xã hội. Vừa qua, phần xác định này hầu như bị bỏ qua, không được hướng dẫn nên các DN đều lúng túng.
- Quy định rõ trình tự cụ thể xác định giá trị sử dụng còn lại của TSCĐ theo cả yếu tố hao mòn hữu hình và vô hình theo phương pháp nào (phân tích kinh tế kỹ thuật, phương pháp thống kê kinh nghiệm, phương pháp chuyên gia).
- Chỉ đạo để các bộ chủ quản và các TCty 91 thống nhất xây dựng biểu hệ số xác định hao mòn vô hình, tức là hệ số giảm giá trị TSCĐ cho các máy móc thiết bị chuyên ngành như điện, dầu khí, khai thác mỏ, viễn thông, cơ khí, luyện kim, phương tiện vận tải... để áp dụng thống nhất và đồng bộ.
- Hướng dẫn cụ thể việc đánh giá chất lượng TSCĐ trường hợp có sửa chữa lớn khôi phục trạng thái hoạt động ban đầu của TSCĐ không tăng nguyên giá TSCĐ nhưng lại kéo dài tuổi thọ của TSCĐ so với quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Lao Động
|