Công ty chứng khoán cũng có khi "chết dở"
Vài tuần gần đây, khi giá cổ phiếu tụt dốc, màn hình chứng khoán đỏ lòe, người ta mới chỉ nhìn thấy các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân ôm đầu chịu trận. Không nhiều người biết, cả những công ty chứng khoán lớn cũng đang "chết dở"...
Tháng 1.2007, Công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt (BVSC) và CTCK TP.HCM (HSC) cho đợt tăng vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1). Trong tổng số chứng chỉ quỹ (CCQ) được phát hành, BVSC bảo lãnh 300 tỉ đồng, HSC bảo lãnh 20 tỉ đồng, 180 tỉ đồng còn lại được một số NĐT lớn cam kết mua.
Vào thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh, giá cổ phiếu tăng vùn vụt, BVSC và HSC dường như là những "người may mắn" khi được trở thành nhà bảo lãnh cho đợt phát hành của VF1 bởi với xu hướng thị trường như thời điểm đó, không ai tin đợt bảo lãnh sẽ gặp vấn đề. Các CTCK bị gạt ra rìa đợt bảo lãnh này bị coi là "những kẻ không may".
Thế nhưng, vào ngày 16.4.2007, sau hàng loạt phiên giá chứng khoán giảm liên tục, giá của CCQ VF1 trên Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSTC) đã tụt xuống mức 32.500 đồng/CCQ; trong khi đó, giá bán "ưu đãi" cho các cổ đông của VF1 được xác định là 33.164 đồng/CCQ. Với việc giá VF1 bị tụt xuống dưới cả mức giá bán "ưu đãi" cho cổ đông, hai đơn vị bảo lãnh là BVSC và HSC có khả năng phải đứng ra mua lại số CCQ mà các cổ đông hoặc các NĐT khác từ chối mua vì giá thực tế mà các cổ đông của VF1 được mua "ưu đãi" sẽ là: 33.164 + 200 (phí phát hành) = 33.364 đồng (cao hơn cả giá thị trường và được phép chuyển nhượng ngay lập tức).
Theo nhận định của các chuyên gia về chứng khoán, trong trường hợp mà thị trường tiếp tục diễn biến xấu, BVSC và HSC - đơn vị bảo lãnh phát hành, nhiều khả năng phải mua toàn bộ số CCQ của VF1. Lãnh đạo cấp cao của một CTCK lớn trụ sở tại Hà Nội nhận xét: "Nếu BVSC buộc phải ôm hết lượng VF1 mình bảo lãnh do giá VF1 trên thị trường tụt dốc thì thực sự đó là một điều hết sức đáng tiếc vì không có CTCK nào lại bỏ ra tới hơn 1.000 tỉ đồng để tự doanh vào một loại chứng khoán cả.
Nếu buộc phải bỏ hơn 1.000 tỉ đồng vào VF1 khi giá cổ phiếu trên đà suy giảm thì đúng là "ôm bom" vào mình". Một lãnh đạo của VFM cũng cho biết: "Chúng tôi cũng đang rất lo lắng vì diễn biến thị trường không có lợi cho đợt phát hành". Trong khi đó, trên thị trường, các tin đồn về việc VFM sẽ giảm giá phát hành ưu đãi cho các cổ đông, BVSC sẽ hủy hợp đồng với VFM vì sợ lỗ... được rỉ tai từ NĐT này qua NĐT khác.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, một quan chức thuộc cấp cao nhất của BVSC cho biết: "Không hề có chuyện BVSC dự định hủy hợp đồng bảo lãnh phát hành dù tình hình thị trường đang không được thuận lợi. Chúng tôi đã có tính toán phương án cho những trường hợp như thế này". Ông này cho biết thêm một điểm quan trọng, mức giá 33.164 đồng/CCQ chưa phải là mức giá chốt cuối cùng và mức giá này còn có thể điều chỉnh được.
Tuy nhiên, về vấn đề này, một lãnh đạo cấp cao của VFM cho biết: "Không hề có chuyện đó (ý nói không có chuyện mức giá bảo lãnh là linh hoạt). Bây giờ cũng không phải là lúc bàn chuyện đó vì chuyện giá là chuyện của đại hội cổ đông chứ không phải của BVSC. Khi tiến hành một thương vụ thì không ai muốn đối tác mình bị lỗ vì thương vụ đó nhưng phải nói rõ ở đây là chúng tôi thuê công ty bảo lãnh là để họ đảm bảo cho đợt phát hành diễn ra thành công trong mọi tình huống. Cũng chính vì lý do đó mà VFM mới chi cả chục tỉ đồng cho nhà bảo lãnh chứ không thì cần nhà bảo lãnh làm gì ?".
Sau phiên giao dịch ngày 18.4, giá CCQ VF1 tăng lên 34.600 đồng/CCQ. Tình hình có khá hơn một chút. Vị lãnh đạo của VFM nói trên cho biết: "Thực tế thì tất cả phải chờ sau ngày 10.5 (hạn chót để đăng ký, đóng tiền mua VF1 giá "ưu đãi" là 33.364 đồng/CCQ) mới biết được kết quả ra sao. Cũng phải nói thật là TTCK Việt Nam thì không ai có thể dự báo chính xác được. Nếu mà biết trước được giá tăng hay giá giảm thì tôi giàu to rồi...".
Hoàng Ly - Thanh Niên
|