Cơ hội "đào mỏ" cổ phiếu
Thị trường chứng khoán bùng phát, đi đâu cũng nghe bàn tán Cty này cổ phần hoá hay cổ phiếu kia "mấy chấm", mã chứng khoán nào đang "hot" v.v... nhưng sau bức màn nhung đó liệu có gì bí ẩn...?
Vừa qua, dư luận và Báo Lao Động cũng đã nhiều lần lên tiếng về trường hợp tài sản nhà nước bị thất thoát khi CPH, định giá DN còn nhiều "lỗ hổng" v.v... Phải chăng, đấy chính là cơ hội "đào mỏ" cho những ai biết chớp thời cơ?
Lờ mờ... giá trị vô hình
Từ lâu, vấn đề thất thoát trong việc định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để CPH đã được "báo động đỏ", nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bây giờ, đùng một cái khi thấy giá CP lên vùn vụt, có không ít cá nhân trở thành tỉ phú dễ như chơi... đã khiến nhiều người giật mình.
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, những DNNN khi CPH đều được định giá rất thấp hoặc chưa tính đúng, tính đủ giá trị tài sản vô hình. Vì thế, các nhà đầu tư (NĐT) lớn bé đều kỳ vọng giá CP sẽ còn tăng, suất sinh lời lớn, cho dù thị giá nhiều loại CP trên thị trường chính thức và OTC đang vượt xa giá trị kỳ vọng.
Việc định giá tài sản hữu hình vốn đã khó thì việc định giá tài sản vô hình lại càng khó gấp bội. Ngay cả tiêu chí xác định cái nào là giá trị vô hình, giá bao nhiêu cũng là vấn đề gây tranh cãi.
Trước đây, một số Cty đã định giá trị thương hiệu hàng triệu USD như P/S (5,3 triệu USD), Bia Sài Gòn (9,5 triệu USD)..., nhưng xem ra lãnh địa này vẫn còn là một ẩn số.
Với những tên tuổi lớn CPH và lên sàn như Vinamilk, Bảo Minh, Savimex... đã xác định giá trị thương hiệu được bao nhiêu? Trong khi khối lượng tài sản vô hình của nhiều "ông lớn" có thể sánh không kém tài sản hữu hình, nhưng nhiều cơ quan chức năng, DN tiến hành định giá đều "xuê xoa" với các khoản giá trị ngoài sổ sách này.
Không riêng gì DNNN, một số DN ngoài quốc doanh cũng gặp phải khó khăn. Trường hợp Phở 24 là ví dụ. Đây là thương hiệu phở nổi tiếng và đã áp dụng hình thức franchise (nhượng quyền) sử dụng thương hiệu. Nhưng nếu luật pháp không công nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng thương hiệu trong việc thành lập Cty cổ phần là một thiệt thòi cho các Cty có thương hiệu mạnh.
"Dựa hơi" thương hiệu?
Liệu có không những trường hợp "dựa hơi" thương hiệu? Đây là vấn đề cũng đang được dư luận quan tâm. Chẳng hạn, Bảo Việt đã tính giá trị thương hiệu là bao nhiêu khi góp vốn thành lập CTCK BVSC?
Được biết, trường hợp này không chỉ thương hiệu mang lại lợi thế cho BVSC mà "bầu sữa mẹ" cũng đã nuôi Cty này vượt qua những năm đầu ảm đạm của thị trường để rồi sau đó, ngày đầu tiên lên sàn giá CP đã tăng gấp 30 lần mệnh giá.
Một trường hợp nữa cho thấy, nếu ở thời điểm này, những cam kết của VN vào WTO được áp dụng toàn diện, chắc chắn nhiều DN "dựa hơi" vào thương hiệu mà không có thực lực sẽ khó làm mưa làm gió khi phát hành CP ra công chúng.
Thể hiện rõ nhất ở các Cty thành viên ngành dầu khí, không phải Cty nào cũng có lợi nhuận tốt từ việc tự tìm khách hàng hay thị trường mà chính từ cơ chế "khép kín" của ngành. Do vậy, mỗi khi có đấu giá của Cty nào đó thuộc dòng họ "Petro", ngay lập tức sẽ cho kết quả giá trúng thầu CP cao ngất ngưởng.
Thực trạng trên là mối rủi ro tiềm ẩn khi DN mất đi những ưu ái đặc thù của ngành. Lúc đó, các NĐT mới nhận thấy đâu là giá trị thật của mỗi DN. Còn nhớ, tháng 12.2006, giá trúng thầu của Cty bảo hiểm dầu khí PVI bình quân đạt 160.000 - 250.000 đ/CP, song đến nay CP PVI vẫn chưa tạo được bao nhiêu lợi nhuận từ chênh lệch giá.
Một số NĐT coi như hơi "hớ" trong sự kỳ vọng từ thương hiệu "dựa hơi" này. Tuy nhiên, có người thua, tất phải có kẻ thắng, thậm chí thắng rất đậm vì đã "đào" được nhiều tiền từ mỏ CP vừa nêu.
Một ví dụ khác, cũng trong ngành xăng dầu, đó là VITACO, "con cưng" của Petrolimex. Tại đại hội cổ đông ngày 30.3 vừa qua, nhiều cổ đông của VITACO phản ứng gay gắt khi nghe tin Petrolimex - cổ đông chiếm 51% vốn điều lệ được mua CP mới (tăng vốn từ 400 lên 600 tỉ đồng) với giá thấp hơn 2,5 lần so với cổ đông khác. Nhất là khi nghe lãnh đạo VITACO "bật mí": "VITACO có được kết quả kinh doanh cao trong năm 2006 là nhờ ưu ái của Petrolimex", có cổ đông đã tỏ rõ thái độ bất bình: "Với kiểu dựa hơi này thì làm sao lớn nổi"(?!).
LĐ
|