Cổ phần hóa và những vấn đề cần cảnh báo
Nội dung cốt lõi của đường lối đổi mới là phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cùng với sự ra đời của hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, hàng trăm nghìn trang trại, củng cố kiện toàn và sự ra đời của hàng chục nghìn hợp tác xã…, là sự xuất hiện của hàng nghìn doanh nghiệp được xuất hiện từ việc bán khoán, cho thuê và nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước được bán, khoán, cho thuê và cổ phần hóa nhiều, nhưng lượng vốn còn ít, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng vốn của nhà nước ở doanh nghiệp. Để tiến đến nền kinh tế thị trường sớm hơn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh nhiều việc phải làm, thì việc tạo ra một sân chơi bình đẳng là rất quan trọng.
Bởi không thể ra sân chơi nhưng đã "chấm" trước cho người thắng, kẻ thua, khi đó làm sao mà cạnh tranh lành mạnh được và cạnh tranh còn có ý nghĩa gì nữa? Chính cạnh tranh lành mạnh là động lực của tăng trưởng kinh tế trong cơ chế thị trường. Kế hoạch và tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới; việc cổ phần hóa được tiến hành ngay cả những tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa có một số vấn đề cảnh báo.
Thứ nhất, cổ phần hóa nhưng việc định giá doanh nghiệp phải theo giá thị trường, trên cơ sở đấu giá công khai, minh bạch để hình thành giá trị thị trường của doanh nghiệp. Tránh tình trạng bán tống, bán tháo làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của toàn dân - thành quả của bao nhiêu năm xây dựng và phát triển.
Thứ hai, cổ phần hóa để đa dạng hóa sở hữu vốn tại doanh nghiệp, tránh tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, để rồi hình thành các tỉ phú trên cơ sở tài sản của Nhà nước. Đối với nước ta trước đây cần tránh tình trạng cổ phần hóa như đã xảy ra đối với bánh tôm Hồ Tây hay khách sạn Phú Gia mà tổng giá trị doanh nghiệp còn thấp hơn cả giá đất, chưa kể vị trí đắc địa hay thương hiệu của các doanh nghiệp này. Cần tránh tình trạng tư nhân hóa trong thời kỳ đầu của nước Nga để rồi mới chỉ sau mươi mười lăm năm chuyển từ cơ chế phân phối bình quân sang cơ chế thị trường mà tổng tài sản của các tỉ phú đã chiếm tới 40% GDP của cả nước (trong khi nước Mỹ đã trải qua hai trăm năm phát triển kinh tế thị trường, tổng tài sản của các tỉ phú mới bằng 6% GDP).
Thứ ba, cổ phần hóa để người lao động tại doanh nghiệp có vị thế mới là trở thành cổ đông - chủ sở hữu một phần vốn của doanh nghiệp - có quyền tham gia vào việc quyết định đối với doanh nghiệp. Việc dành một lượng cổ phiếu ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là cần thiết và do được định giá theo giá thị trường nên thị giá sẽ đủ lớn, cũng không có sự chênh lệch lớn về giá cả sẽ giảm bớt việc "bán lúa non", việc mua vét của một số cá nhân, dẫn đến tình trạng người lao động trở thành trắng tay, hoàn toàn trở thành người làm thuê, còn một số cá nhân sẽ thâu tóm quyền lực của công ty sau khi đã mua vét các cổ phiếu của người lao động "bán lúa non".
Thứ tư, trong khi thị trường chứng khoán còn nóng, giá cổ phiếu còn cao, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, khẩn trương niêm yết lên sàn thị trường chứng khoán sẽ có tác dụng kép: vừa tạo ra giá trị thị trường của doanh nghiệp, sự bình đẳng giữa các cổ đông trong và ngoài doanh nghiệp, tranh thủ lúc giá cao để nâng cao giá trị doanh nghiệp, tăng cung cho thị trường chứng khoán…
Thứ năm, khắc phục tình trạng "bình mới, rượu cũ", tức là doanh nghiệp đã chuyển sang công ty cổ phần, nhưng bộ máy nhân sự vẫn không được đổi mới, làm cho doanh nghiệp hoạt động không khác trước là mấy, vai trò làm chủ của các cổ đông và người lao động bị hạn chế.
Thứ sáu, khắc phục tình trạng phân biệt đối xử của các ngành các cấp đối với những doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa với những doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa còn do các bộ/ngành chủ quản, tỉnh/thành phố (thậm chí còn phân cấp cho sở/ngành) chủ quản theo kiểu con nuôi, con đẻ. Tình hình trên đòi hỏi cần khẩn trương xóa bỏ cơ chế bộ/ngành chủ quản, tỉnh/thành phố chủ quản.
Thanh niên
|