Bảo hiểm Dầu khí tiến tới mô hình tập đoàn
Sau 5 năm đầu tiên hoạt động ổn định ở mức doanh thu 100 tỷ đồng/năm, Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã có bước phát triển nhảy vọt trong kinh doanh và trở thành một hiện tượng trong làng bảo hiểm.
Doanh thu năm 2001 tăng 50% so với năm 2000, doanh thu năm 2002 tăng 170% so với năm 2001. Nếu như năm 2001, doanh thu mới chỉ đạt 100 tỷ đồng, thì đến năm 2006 kết quả đó đã tăng lên 1.300 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2007 dự kiến sẽ đạt 1.768 tỷ đồng (hơn 100 triệu USD), tăng 136% so với năm 2006, tạo cơ sở vững chắc để PVI tham gia vào quá trình hội nhập và vươn xa hơn nữa ra thị trường quốc tế.
Năm 2001, PVI có được hợp đồng bảo hiểm đầu tiên tại nước ngoài. Kể từ đó, PVI lần lượt dành được những hợp đồng tại Malaysia, Singapore, Algeria, Nga, Nhật Bản... “Ở đó, khả năng cạnh tranh của chúng tôi được khẳng định, vị thế của các dịch vụ bảo hiểm của Việt Nam cũng có được vị trí nhất định trên thị trường thế giới”, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVI nói.
Hàng loạt các dịch vụ bảo hiểm với giá trị lớn đã được xuất khẩu thu lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Trong đó phải nhắc tới dịch vụ bảo hiểm cho dự án giàn bơm ép vỉa của nhà thầu Sembawang, Singapore, cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho dự án xây lắp giàn khai thác của nhà thầu KNOC tại Hàn Quốc, bảo hiểm cho các mỏ PM3 CAA ở khu vực khai thác chung PM3, thuộc vùng chồng lấn giữa Malaysia - Việt Nam với tổng mức trách nhiệm lên đến 722 triệu USD.
Gần đây nhất là việc đàm phán hoàn tất chuyển giao chương trình bảo hiểm tàu FPSO Cửu Long MV9 của nhà thầu Modec/Mitsui Nhật Bản với tổng mức trách nhiệm gần 200 triệu USD. Thương hiệu Bảo hiểm dầu khí trong nhiều năm nay không chỉ được thị trường trong nước chấp nhận mà cả quốc tế cũng đã chấp nhận PVI hiện là nhà bảo hiểm công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam.
Tháng 9/2006, PVI nhận quyết định cổ phần hóa với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh và trở thành một tổng công ty cổ phần mạnh trong định chế tài chính - bảo hiểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngày 30/12/2006, PVI thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và trở thành một hiện tượng nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi đạt cùng lúc 3 kỷ lục: doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa trong thời gian ngắn nhất (hơn 3 tháng), doanh nghiệp có số lượng nhà đầu tư đăng ký đấu giá lớn nhất (trên 8.000 nhà đầu tư) và doanh nghiệp có cổ phần đạt giá trúng thầu bình quân cao nhất (gấp hơn 16 lần mệnh gia).
Việc bán ra 24% cổ phần của PVI tương đương 120 tỷ đồng, mang về cho Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng (gấp 4 lần vốn điều lệ của PVI) còn là một con số đáng nể đối với một doanh nghiệp loại vừa như PVI. Cho tới thời điểm hiện nay, giá cổ phiếu của PVI luôn dẫn đầu nhóm cổ phiếu bảo hiểm trên thị trường.
Chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần thực sự là một cuộc “thay máu” đối với PVI. Sự thay đổi đó đã mang lại một sự chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động. “Nếu như trước đây là doanh nghiệp nhà nước, phải chấp hành các quy định của Tập đoàn Dầu khí thì nay PVI phải tự thiết lập các quy định cho riêng mình. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, chúng tôi đã trở thành công ty đại chúng và chịu áp lực rất lớn từ các cổ đông”, ông Hùng cho biết.
Giá trị của PVI nằm chủ yếu ở thương hiệu, đội ngũ nhân viên và một danh mục đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực như: tàu chứa dầu, dự án phân phối khí thấp áp, dự án đóng tầu, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Trong tương lai gần, PVI dự tính đến cả việc đầu tư vào mỏ dầu.
Ngay trong năm 2007 này, chiến lược đầu tư của nhà bảo hiểm này cũng đã bắt đầu có sự chuyển hướng. Theo ông Hùng, lộ trình tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện ngay trong năm 2007 và tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2010.
Song song với đó là sự ra đời của một loạt các công ty thành viên mới như: công ty kinh doanh bất động sản, quỹ đầu tư PVI, liên doanh hoặc bán (mua) cổ phần để mời hoặc trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng...
Đồng thời, thông qua việc tăng vốn, phương án kinh doanh của PVI cũng có sự điều chỉnh phù hợp với mức lợi nhuận (từ hoạt động bảo hiểm và đầu tư) tăng từ 177 tỷ đồng (năm 2007) lên 271 tỷ đồng năm 2009 và tỷ lệ cổ tức tăng từ 12,52% năm 2007 lên 17,1% năm 2009.
Nếu như năm 2006, doanh thu từ đầu tư của PVI chỉ đạt 60 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng thì trong năm 2007, kế hoạch doanh thu từ hoạt động đầu tư chắc chắn sẽ tăng lên 200 tỷ đồng và lợi nhụân là 180 tỷ đồng.
“Như vậy, kế hoạch này cao hơn so với dự kiến mà chúng tôi đã hứa với cổ đông vừa qua”, ông Hùng cho biết. Xa hơn, trong chiến lược phát triển tới năm 2010, PVI đặt ra mục tiêu doanh thu bảo hiểm trong lĩnh vực phi nhân thọ là số 1 tại Việt Nam. Đồng thời, tiến tới xây dựng mô hình Tập đoàn PVI trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
TBKTVN
|