Thứ Ba, 27/03/2007 06:46

Chen nhau mua cổ phiếu!

Hàng ngàn người chen chúc nhau để kịp nộp phiếu đăng ký đấu giá, nếu chậm sẽ mất cọc. Hình ảnh này đang phổ biến tại các sàn đấu giá cổ phiếu, cũng đã nảy sinh tình trạng làm giá với cổ phiếu phát hành lần đầu.

Quá tải

Khi kim đồng hồ treo ở đại sảnh Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhích đến con số 14g45, các thùng phiếu đã được nhân viên trung tâm đưa vào trong, anh M. -  nhà đầu tư (NĐT) từ Bà Rịa - trên tay cầm một xấp phiếu đặt mua cổ phần, tất tả chạy vào, cố chen lấn đám đông đứng trước cửa để đến gần thùng nhận phiếu. Sau khi nghe nhân viên trung tâm thông báo hết thời gian và từ chối nhận phiếu, gương mặt anh M. co rúm lại, đứng bất động với xấp phiếu đấu giá trên tay. Giọng một ai đó nói nhỏ: “Anh chàng này mất cả trăm triệu tiền cọc chứ chẳng phải ít, anh ta có đến tám phiếu mà mỗi phiếu đều có số lượng đăng ký mua lên tới 10.000 cổ phần chứ ít ỏi gì...”.

Hàng chục người khác - trên tay vẫn còn cầm phiếu đăng ký mua - đang cố chen lại gần các thùng nhận phiếu, cũng bất ngờ sững lại khi nghe nói hết giờ nhận phiếu, nhiều tiếng phản đối và than vãn vang lên. Một chị cầm trên tay hai tờ phiếu, mỗi phiếu đăng ký mua 10.000 cổ phần, cố gắng nói to: “Em phải nộp phiếu cho bằng được rồi mới về. Nếu không nộp được, mất tiền cọc, làm sao dám về nhà”. Một nhân viên trung tâm cố giải thích là thời gian kết thúc nhận phiếu lúc 14g30, nhưng nhiều tiếng phản đối lại vang lên: “Chẳng ai nghe thông báo này cả”, trong khi mọi hôm kết thúc lúc 15g.

Trước đó, ngay từ đầu giờ chiều, toàn bộ khuôn viên phía trước TTGDCK TP.HCM, từ bậc tam cấp ngoài sân cho đến những bàn để thùng phiếu bên trong đã đông nghẹt người, khi có hơn 5.000 người đổ về đây tham gia buổi đấu giá cổ phần Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa. Khá vất vả mới chen chân vào được bên trong nhưng không thể nào di chuyển đến bàn để thùng phiếu. Chốc chốc lại nghe có người hỏi: “Thùng phiếu số... ở đâu?”, rồi chen qua đám đông để đi. Một bác lớn tuổi nói với giọng cáu gắt: “Họ để thùng phiếu số 3 ở tận phía sau hè bên hông nhà, tìm mãi mới ra. Không khéo sẽ có nhiều người mất cọc oan uổng nếu không tìm được thùng phiếu đúng giờ...”. Cạnh đó, một cô gái trẻ lo lắng hỏi nhân viên trung tâm: “Em đánh rơi mất phiếu rồi, biết làm sao đây?”.

Giá “khủng”

Kết quả đấu giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa không quá cao, bình quân là 78.528 đồng/CP, nhưng đã có NĐT đã đặt giá lên tới... 40 triệu đồng/CP, cao hơn... 2.000 lần so với mức giá khởi điểm. Nhiều NĐT gọi đó là “giá khủng”. Đã có NĐT đặt giá mua cao gấp... 1.000-4.000 lần so với mức giá khởi điểm, như Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước (20,1 triệu đồng/CP), Công ty Bảo hiểm dầu khí (11,5 triệu đồng/CP), Công ty Cadivi (44,6 triệu đồng/CP), Công ty Kido (80 triệu đồng/CP)...

Theo một chuyên gia chứng khoán, có thể do NĐT “nhầm lẫn” trong cách tính và ghi giá. Tuy nhiên, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng không loại trừ có “kịch bản” nhầm lẫn để hưởng lợi. “Khi có những phiếu đặt mua cổ phần với giá cao, giá đấu thành công bình quân đối với cổ phần của đơn vị phát hành sẽ được đẩy lên cao, những người được hưởng quyền mua với giá ưu đãi sẽ được lợi lớn...” - vị chuyên gia này nói. Sau khi có giá đấu bình quân, những người hưởng quyền mua ưu đãi có thể bán lại quyền này để hưởng chênh lệch. Không chỉ những người có liên quan được hưởng lợi, đơn vị phát hành cổ phiếu cũng “bội thu” một khối lượng vốn khá lớn.

Bỏ của chạy lấy người

Cơn sốt giá chứng khoán đã lan tới cả các phiên đấu giá. Một công ty vừa mới công bố về những khó khăn trong khâu nguyên liệu, mức lợi nhuận rất thấp nhưng giá đấu bình quân lên tới gần 200.000 đồng/cp. Có đơn vị giá đấu bình quân lên tới gần... 760.000 đồng/CP. Theo một chuyên gia chứng khoán, việc đầu tư vào cổ phiếu phát hành lần đầu thông qua sàn đấu giá là chọn lựa hợp lý của NĐT. Tuy nhiên, do có quá nhiều NĐT cùng tham gia đấu giá đã đẩy giá lên quá cao, gây bất lợi cho NĐT.

Đã nảy sinh tình trạng “bỏ của chạy lấy người” mà theo nhận định của một số chuyên gia là do NĐT tính toán “trật”. Theo giám đốc một công ty chứng khoán, sau khi có kết quả đấu giá cổ phần, giá giao dịch ngoài thị trường của một số cổ phiếu chỉ xoay quanh giá trúng đấu giá bình quân. Vì thế những NĐT “lỡ” bỏ giá cao đã chọn giải pháp bỏ cọc thay vì mua cổ phiếu theo giá cao mà họ đã đăng ký để hạn chế lỗ.

Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, NĐT đã từ chối mua hơn 16.000 cổ phần của Công ty TNHH nhà nước một thành viên cao su Tây Ninh. Còn tại Công ty cao su Đồng Phú là hơn 11.000 cổ phần. NĐT cũng từ chối mua 1,9 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí, chịu mất tiền cọc - theo tính toán là khoảng 2 tỉ đồng...

Tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra tại sàn đấu giá. Theo chị Hà - NĐT, với số lượng NĐT tham gia từ 4.000-5.000 người mỗi cuộc đấu giá, trong khi thời gian nộp phiếu chỉ có 30 phút, nhiều người sẽ không có cơ hội đến được gần thùng phiếu. “Có lẽ không có bất cứ cuộc đấu giá nào, chỉ trừ có đấu giá cổ phần như thế này mới có chuyện phải chen lấn và chầu chực, nhưng cũng chưa biết mình có được cơ hội bỏ phiếu đấu giá hay không...” - ông Tâm, một NĐT, nói.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   4 ngân hàng, 20 tập đoàn và tổng công ty sẽ niêm yết năm nay (26/03/2007)

>   PTSC chuyển sang mô hình mẹ-con (26/03/2007)

>   VABank sẽ bán cổ phần cho nhà ĐTNN (25/03/2007)

>   Mua năm công tác là mua rủi ro (25/03/2007)

>   Cổ phần hóa ngân hàng chậm, tại sao? (25/03/2007)

>   Viconship Saigon họp ĐHCĐ năm 2007 (24/03/2007)

>   CTCP Công nghiệp & Thương Mại LIDOVIT họp ĐNCĐ năm 2006 (24/03/2007)

>   Thêm 2 pháp nhân đầu tư vào CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) (24/03/2007)

>   VINASHIN thông báo họp ĐHCĐ thường niên (24/03/2007)

>   CTCP Xây dựng Công nghiệp DESCON họp ĐHCĐ năm 2006 (24/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật