Cổ phần hóa ngân hàng chậm, tại sao?
Quá trình cổ phần hóa ngân hàng đã và sẽ có thể tiếp tục bị chậm trễ, nếu không có sự thay đổi “căn bản” về cơ chế trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích trong việc tham mưu ra quyết định, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
Trong những năm qua, hệ thống tài chính của Việt Nam đã được cải thiện để hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế. Chủ trương cơ cấu lại tài chính và hoạt động của các ngân hàng bắt đầu từ đầu năm 2001, và đến năm 2004 chương trình cổ phần hoá ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) đã thật sự trở thành hiện thực và được xem là xu thế tất yếu trong tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hai ngân hàng được chọn thí điểm đầu tiên là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), với mục tiêu đến tháng 5/2005 sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu. Tuy nhiên cho đến nay, việc thực hiện cổ phần hóa vẫn chưa hoàn thành, bất chấp mong đợi của Chính phủ, các nhà đầu tư và trên hết là nhu cầu bức thiết của xã hội.
Bài viết này đề cập những rào cản làm chậm quá trình cổ phần hoá các ngân hàng thương mại Nhà nước ở Việt Nam.
Cổ phần hóa các NHTMNN, xu thế tất yếu
Cho dù các ngân hàng cổ phần đang lớn lên rất nhanh, các ngân hàng nước ngoài dần mở rộng hoạt động, và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong năm rồi, nhưng cho đến thời điểm hiện nay, chỉ riêng 5 NHTMNN vẫn chiếm khoảng 70% thị phần huy động vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng và gần 60% tổng tài sản tài chính của nền kinh tế. Điều này đã thể hiện vai trò của các NHTMNN trong nền kinh tế.
Hơn thế, lượng vốn huy động qua các NHTMNN để phục vụ cho đầu tư phát triển ngày một tăng, nếu như năm 1995 chỉ mới huy động được khoảng 35-37 ngàn tỷ đồng, thì năm 2004 con số này đã tăng lên gấp 8-9 lần.
Tuy nhiên, nếu so với các ngân hàng trung bình trong khu vực thì quy mô hiện tại của NHTMNN Việt Nam còn nhỏ, năng lực tài chính thấp và chất lượng tài sản chưa cao, các chỉ số khác về dư nợ tín dụng, hệ số an toàn vốn (CAR), khả năng sinh lời… cũng ở mức rất thấp. Vốn tự có của bốn NHTMNN chỉ bằng khoảng một nửa con số này của một ngân hàng trung bình ở châu Á; khả năng sinh lời (ROA) của các NHTMNN thấp, chỉ bằng 38% so với yêu cầu quốc tế; chỉ số ROE mới bằng 43.6% so với chuẩn quốc tế.
Thêm vào đó, trình độ quản trị của các NHTMNN còn rất thấp, công nghệ ngân hàng lạc hậu đã ảnh hưởng đến việc vận hành một hệ thống có khả năng phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế, sàng lọc và phân tán rủi ro tốt, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp và cuối cùng là vận hành hệ thống thanh toán một cách trội chảy.
Cổ phần hóa không chỉ giải quyết bài toán về tiềm lực tài chính cho các ngân hàng mà nhờ có sự tham gia của cổ đông bên ngoài, của các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp các ngân hàng có khả năng nâng cao trình độ quản lý tốt hơn, cải thiện công nghệ ngân hàng và tuân thủ các chuẩn mực thị trường.
Những biện minh cho sự chậm chạp
Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phần hóa các NHTMNN ở Việt Nam là việc làm chưa có tiền lệ, trong khi các quy định pháp lý chưa rõ ràng, thậm chí là chưa có nên vừa đi vừa phải dò đường. Hơn thế, do đây là một loại hình tổ chức đặc biệt nên càng đi thì càng nhiều bài toán hóc búa, càng nhiều trở ngại xuất hiện. Xử lý nợ tồn đọng như thế nào, định giá ra sao, nhà nước nên nắm giữ bao nhiêu phần trăm, chọn ai làm tư vấn, ai là nhà đầu tư chiến lược, phát hành theo phương thức nào… là hàng loạt câu hỏi đang cần được trả lời. Những lập luận trên được dùng làm nguyên nhân để lý giải tại sao tiến trình cổ phần hóa không được như mong đợi ban đầu.
Thoạt nhìn thấy điều này dường như có lý. Tuy nhiên, nếu nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc với quy mô các ngân hàng thương mại nhà nước của họ lớn gấp gần 100 lần các ngân hàng Việt Nam mà chỉ trong vòng hai năm (2005-2006) họ đã tiến hành cổ phần hóa hết sức gọn gàng ba ngân hàng, để rồi đến cuối năm 2006, Ngân hàng Công thương Trung Quốc trở thành phần ngân hàng có giá trị thị trường xếp thứ hai thế giới thì thấy rằng, lời biện minh nêu trêu không được thuyết phục lắm.
Đâu là bản chất vấn đề?
Lý thuyết hành vi hay lý thuyết trò chơi đã chỉ ra rằng, một cá nhân sẽ luôn hành động nếu hành động đó mang lại lợi ích cho họ mà không có tổn thất hoặc gần như họ không mất gì. Cổ phần hoá NHTMNN có liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau, đứng trước lựa chọn (1) thúc đẩy cổ phần hoá hay (2) trì hoãn cổ phần hoá, các nhóm lợi ích liên quan có những lựa chọn khác nhau.
Ở đây, chúng ta cùng xem xét ba nhóm đối tượng liên quan trực tiếp đến tiến trình cồ phần hóa này gồm những người muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, những người muốn trì hoãn nó và những người lao động thông thường.
Nhóm tiên phong, không dễ vượt qua các rào cản
Không thể phủ nhận rằng có nhiều người muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên sự “sốt sắng” của họ gặp phải sự chống đối của các nhóm lợi ích có ảnh hưởng lớn hơn. Với cơ chế khuyến khích kém trong các doanh nghiệp nhà nước, việc “sốt sắng” muốn thúc đẩy cổ phần hóa của một số người có thể sẽ bị cho là “chơi trội” để thúc ép các các cơ quan, các doanh nghiệp nhà nước khác phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa - một việc mà họ đang cố gắng trì hoãn - hoặc bị cho là có động cơ không trong sáng hay là hành động bị che đậy.
Trước những rào cản không thể vượt qua và những rủi ro phát sinh đối với bản thân khi cố thúc đẩy cổ phần hoá là không được “bảo hiểm”, hành động hợp lý của bất kỳ một cá nhân nào đó trong trường hợp này là họ sao mình vậy.
Nhóm trì hoãn, chậm chừng nào tốt chừng đó
Trong cơ chế hiện tại, số người đang hưởng lợi và muốn an vị là không ít. Họ coi việc trì hoãn cổ phần hoá là chiến lược tối ưu. Cổ phần hóa NHTMNN là một việc làm chưa có tiền lệ, muốn thực hiện thì phải thử nghiệm, thậm chí là “xé rào”, thành công hay thất bại vẫn chưa thể dự đoán, rủi ro đối với những người có trách nhiệm đề xuất cổ phần hóa là rất lớn nhưng lợi ích mà họ sẽ nhận được sau khi cổ phần hoá lại chưa thể xác định.
Sau khi cổ phần hoá, cơ cấu tổ chức bộ máy và quản trị ngân hàng chắc chắn sẽ có sự thay đổi, thông tin về hiệu quả hoạt động ngân hàng sẽ được công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn. Quyền lực sẽ không còn lớn như trước đây do bị chi phối và giám sát bởi các nhóm lợi ích khác, chẳng hạn như cổ đông bên ngoài. Như vậy, trì hoãn cổ phần hoá là hết sức tự nhiên và họ có động cơ để làm được việc này do tình trạng thông tin bất cân xứng xảy ra trong các NHTMNN là rất rõ ràng.
Người lao động bình thường, không dễ hòa lời đồng ca
Trong các doanh nghiệp nhà nước nói chung và NHTMNN nói riêng, cơ chế lương, thưởng vẫn dựa chủ yếu vào thâm niên công tác, bằng cấp và việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố ngoài khả năng chuyên môn nghiệp vụ nên tập thể người lao động ít có động cơ để làm việc, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Nhiều người lao động sẽ được lợi sau khi cổ phần hoá, mặt khác cũng có nhiều người có thể mất việc làm do không thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Với một tập thể như vậy thì không thể gây sức ép lên tiến trình cổ phần hoá.
Tóm lại, không thể đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các ngân hàng nếu như không có cơ chế khuyến khích thích hợp và chế tài đủ mạnh để buộc các cá nhân có liên quan đến cổ phần hoá hành động vì lợi ích của tập thể. Quá trình cổ phần hoá ngân hàng có thể tiếp tục bị chậm trễ nếu như không có sự thay đổi “căn bản” về cơ chế trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích trong việc tham mưu ra quyết định, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Nhiều khi, trong những trường hợp cần thiết, rất cần sự quyết đoán mạnh mẽ của người có thẩm quyền.
VNN
|