4 ngân hàng, 20 tập đoàn và tổng công ty sẽ niêm yết năm nay
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng về một số giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán bền vững.
Thủ tuớng chỉ đạo, cần có biện pháp thúc đẩy nhanh việc đưa ra các doanh nghiệp lên niêm yết tại thị trường chứng khoán. Bán bớt phần vốn Nhà nước trong một số các công ty và tổng công ty Nhà nước không cần nắm giữ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. Trong đó lưu ý một số vấn đề cụ thể như: kiểm soát bằng được luồng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các biện pháp: đăng ký, lưu ký tập trung, đầu tư ủy thác qua công ty quản lý quỹ, kiểm soát ngoại hối, thuế thu nhập...
Theo Thủ tướng, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ và các biểu hiện tiêu cực trong việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý sớm nghiên cứu trình Chính phủ chính sách thuế áp dụng đối với lợi tức thu được từ việc chuyển lợi tức ra nước ngoài trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, việc kiểm soát thị trường chứng khoán phải dựa trên các biện pháp kinh tế để điều chỉnh thị trường, đảm bảo có hiệu quả nhằm thúc đẩy thị trường, không để đổ vỡ.
Việc áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường cần được xây dựng thành quy phạm pháp luật, công bố công khai cho các nhà đầu tư biết và chỉ áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết nhằm bảo vệ an ninh tài chính quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng các biện pháp kiểm soát thị trường chứng khoán trong tình hình đặc biệt, khi có các biến động lớn và trình Chính phủ đề án thành lập Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia trong tháng 4 năm 2007.
Theo quyết định và chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2007 sẽ có 20 tập đoàn, tổng công ty lớn và thêm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ hoàn thành cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, chưa kể hơn 400 doanh nghiệp nhà nước khác cũng sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm nay và có thể trên 50% số doanh nghiệp này đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán.
Các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại cổ phần hóa trong năm nay có quy mô vốn rất lớn, vốn điều lệ sẽ từ 1.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng.
Dự tính, khi cả 20 tập đoàn, tổng công ty lớn, 4 ngân hàng quốc doanh và khoảng 200 doanh nghiệp lên sàn trong năm nay thì tổng trị giá niêm yết cổ phiếu sẽ lên tới 90.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD.
Những tập đoàn và tổng công ty lớn đang được rất đông nhà đầu tư háo hức, chờ đợi để đăng ký tham dự những đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và mua bán cổ phiếu khi những doanh nghiệp này lên sàn, gồm: Tổng công ty Rượu – Bia - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Rượu – Bia - Nước giải khát Hà Nội, Vinaphone, Mobifone, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (đã cổ phần hóa, sắp lên sàn), Cotec Group, Tổng công ty Xây lắp xây dựng số 1...và một số nhà máy điện có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đến 3.000 tỷ đồng.
TBKTVN
|