ATM trục trặc vì mất điện
Hơn một tuần điện bị cắt luân phiên, trung bình mỗi ngày có từ 35 đến 50 máy giao dịch tự động của Vietcombank phải ngừng hoạt động, gây phiền toái cho khách hàng khi cần rút tiền gấp hoặc kiểm tra số dư tài khoản.
Tiện đường đi làm sáng nay, chị Linh Anh tranh thủ rẽ vào cây ATM của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) trên đường Ngọc Khánh (Hà Nội) rút chút tiền chi tiêu. Nhưng màn hình máy đen ngòm, nhìn sang Trung tâm thương mại Viko gần đấy thấy tối om, chị đành lên xe tới cơ quan, vay tạm tiền đồng nghiệp đi ăn sáng và mua mấy thứ đồ lặt vặt. Đầu giờ chiều, có việc đi ngang qua khách sạn Melia, chị định rút tiền song cũng thất bại, vì máy báo tạm ngừng hoạt động không rõ nguyên nhân.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) xác nhận mỗi ngày trên toàn hệ thống có vài chục ATM phải ngừng hoạt động vì mất điện, riêng ở Hà Nội khoảng 2-3 chiếc. Theo bà, phần lớn ATM bị ảnh hưởng đều nằm ở các tỉnh thành lân cận, nơi cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng.
"Điện bị cắt luân phiên, nếu máy ở khu vực này không hoạt động, khách hàng có thể di chuyến tới khu vực khác, vì vậy doanh số giao dịch của ngân hàng chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nó cũng gây bất tiện cho khách. Những lúc khách than phiền, chúng tôi chỉ còn cách hướng dẫn khách tới khu vực đang hoạt động bình thường và mong khách thông cảm. Mất điện là khó khăn chung", bà Tú Anh giãi bày.
Trên toàn hệ thống Vietcombank hiện có 800 ATM với số giao dịch mỗi ngày lên đến 120.000, với doanh số hơn 100 tỷ đồng. Tại mỗi ATM đều có bộ lưu điện, đảm bảo giữ máy tiếp tục hoạt động trong 20-30 phút sau khi bị cúp điện, giúp hoàn tất các giao dịch dở dang. Tuy nhiên, nếu mất điện trong vài tiếng, máy phải ngừng phục vụ. Có trường hợp giao dịch đúng lúc giao thời, bộ lưu điện hết tác dụng đúng lúc khách đã hoàn tất lệnh rút tiền, thẻ được nhả ra và trên hệ thống đã gạch nợ tài khoản, song máy không chi tiền.
"Khả năng này có thể xảy ra, song xác suất chỉ vào khoảng dưới 1‰ (hàng nghìn giao dịch thực hiện đúng lúc mất điện, chỉ có 1-2 trường hợp bị kẹt tiền). Trong trường hợp này, khách hàng nên liên hệ với ngân hàng để được giải quyết kịp thời", bà Tú Anh nói.
Các ngân hàng khác do số lượng máy và khách hàng ít hơn nên cũng ít ảnh hưởng bởi việc cắt cúp điện luân phiên. Ông Trần Đạo Vũ, Giám đốc Ngân hàng cổ phần Đông Á chi nhánh Hà Nội cho hay trên địa bàn thủ đô có 80 máy của EAB và mỗi máy đều trang bị bộ lưu điện đến 30 phút, vì vậy đến nay hầu như chưa có trường hợp khách khiếu nại về sự cố do mất điện. "Nếu có trục trặc gì, khách có thể đến bất cứ điểm giao dịch nào của ngân hàng để được giải quyết", ông nói thêm.
VNE
|