Thứ Hai, 26/03/2007 17:05

Đua nhau lập ngân hàng

Hiện đã có hơn 10 bộ hồ sơ hoàn chỉnh gửi tới Ngân hàng Nhà nước để xin thành lập ngân hàng thương mại cổ phần.

Chưa kể hàng loạt tập đoàn lớn khác cũng đã và đang có kế hoạch lập ngân hàng thương mại cổ phần như: Dầu khí, Bưu chính Viễn thông, Cao su, Than và Khoáng sản...

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần địa phương khác liên kết với các “đại gia” để tăng vốn nâng cấp thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, các ngân hàng đang trong vòng “kiểm soát” đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước cũng tìm cách mở rộng hoạt động...

Chưa bao giờ, cuộc đua lập, nâng cấp, liên kết để cho ra đời ngân hàng lại nóng bỏng như hiện nay...

Sức hấp dẫn từ lợi nhuận ngân hàng cổ phần

Có vẻ như con số 2.600 tỷ đồng lợi nhuận của các ngân hàng cổ phần trong cả nước quá ấn tượng với các cá nhân, pháp nhân đang dự định xin thành lập ngân hàng.

Việc cổ phiếu của các ngân hàng này lại đứng đầu bảng giá trong cơn sốt chứng khoán hiện nay càng làm tăng thêm áp lực cho cuộc đua thành lập ngân hàng mới.

Tuy nhiên, trong giới ngân hàng lại cho rằng, cuộc đua này bắt nguồn từ một lý do giống như việc các công ty chứng khoán ra đời cuối năm 2006 để “né” việc phải đảm bảo vốn thiểu lớn hơn.

Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ quy định mức vốn này áp dụng cho các ngân hàng thương mại mới thành lập đến năm 2008 là 1.000 tỷ đồng và đến năm 2010 là 3.000 tỷ đồng.

Đây là những mức vốn mang tính “sàng lọc” những dự án xin thành lập ngân hàng có quy mô nhỏ. Vào thời điểm áp dụng nghị định có hiệu lực, những ngân hàng không đáp ứng nổi yêu cầu mức vốn này có thể sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc phải sắp xếp lại.

Với hơn 10 hồ sơ xin thành lập ngân hàng đã được gửi tới Ngân hàng Nhà nước, ông Kiều Hữu Dũng (Vụ trưởng Vụ Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Nếu căn cứ theo các tiêu chí trong dự thảo thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, không có bộ hồ sơ nào trong số đó đáp ứng yêu cầu”.

Đề án thành lập Ngân hàng Tài chính dầu khí, Ngân hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Dịch vụ công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu (trên 1.000 tỷ đồng) song cũng sẽ phải làm lại đề án.

Ông Dũng cũng khẳng định: “Với những quy định khắt khe như vậy, cơ hội kinh doanh ngân hàng chỉ dành cho những ai có thực lực, chứ không phải dành cho những người thành lập ngân hàng để mua bán giấy phép”.

Sở dĩ ông Dũng phải nói vậy vì dấu hiệu của những cuộc chạy đua lập ngân hàng để “bán” giấy phép cho công ty trong lẫn ngoài nước đã xuất hiện.

Theo một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước thì nơi này đang hoàn thiện quy chế thành lập ngân hàng cổ phần nên vẫn chưa xem xét thông qua bất cứ đề án xin thành lập ngân hàng nào.

Thi nhau “nâng cấp” và đổi tên

Hàng loạt ngân hàng cổ phần nông thôn trước đây tưởng như đã giải thể, nay đã được các tập đoàn kinh tế lớn đổ vốn và nâng cấp thành ngân hàng đô thị, mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Đồng Tháp Mười đã công bố chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).

Nhiều tập đoàn lớn trong nước cũng đã góp vốn để trở thành cổ đông chính của các ngân hàng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với VNPT. EVN và Petro Vietnam hiện đã có cổ phần lớn trong Ngân hàng Cổ phần An Bình (ABBank) và Toàn Cầu (G-Bank)...

 Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng thi nhau đổi tên cho “đẹp” hơn như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Ninh Bình đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Toàn Cầu (G-Bank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Sông Kiên đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank)...

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI lý giải nguyên nhân muốn góp vốn, thành lập ngân hàng của mình: “Chúng tôi là công ty chứng khoán, nhưng đang làm thay công việc của ngân hàng. Mỗi ngày số dư tiền gửi của khách hàng lên đến 1.500 tỷ đồng.

Nếu có một ngân hàng chiến lược, tất cả việc thu tiền, chi tiền, quản lý tiền, anh có thể tin tưởng để vào ngân hàng đó, thay vì phải xé lẻ đi gửi ở nhiều nơi khác nhau như hiện nay. Chúng tôi lập ngân hàng để phục vụ mục đích đó, chứ không phải để có tiền đem đi kinh doanh chứng khoán”.

Đua nhau phát hành thêm cổ phiếu

Không chỉ thành lập ngân hàng mới mà nhiều ngân hàng hiện có đang đua nhau phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ, điều mà chính nhiều người trong ngành cũng tỏ ra lo ngại.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank): “Với sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng hiện nay, việc huy động thêm vốn là điều không khó. Nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để không ảnh hưởng khả năng phục vụ khách hàng.

Theo các cam kết gia nhập WTO, kể từ 1/4/2007, các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài bắt đầu được hoạt động tại Việt Nam, được đối xử bình đẳng và thực hiện phần lớn nghiệp vụ như ngân hàng nội.

Ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, nhiều ngân hàng nước ngoài xúc tiến các kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. HSBC là ngân hàng đầu tiên tiến hành các động thái chuẩn bị.

Cùng kế hoạch mở ngân hàng con, HSBC sẽ tăng gấp đôi vốn góp trong Techcombank.

Có lẽ những việc như HSBC đang thực hiện mới là mối lo chính của ngân hàng nội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi vào WTO hơn là cứ thi nhau lập ngân hàng, tăng vốn bán cổ phiếu hay “bán” giấy phép...

Hiện, nghiệp vụ chủ yếu của các ngân hàng thương mại vẫn là huy động vốn và cho vay, vì thế các ngân hàng đang dồn nhau vào chỗ khó, bởi lượng tiền gửi trong dân không tăng là bao, mà chi nhánh và văn phòng giao dịch của ngân hàng lại tăng”.

Ông Dũng cũng e ngại: “Tình trạng ngân hàng tăng vốn ồ ạt nhằm trục lợi lúc giá lên cao đã xuất hiện, phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ cổ đông trong ngân hàng, mà không quan tâm tới lợi ích công chúng.

Một số ngân hàng mạng lưới hoạt động còn ít, dịch vụ chưa có gì, nhưng thay vì phải tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ, huy động vốn để phục vụ nền kinh tế thì họ lại ồ ạt phát hành cổ phiếu”.

Nhằm kiểm soát sự tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã phải yêu cầu các giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, phải xin ý kiến trước khi phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ vượt 500 tỷ đồng trong năm 2007 của các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn và các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị mới chuyển đổi từ các ngân hàng nông thôn lên.

Các ngân hàng thương mại cổ phần khác khi tăng vốn điều lệ vượt mức 1.000 tỷ đồng cũng phải có ý kiến đồng ý của Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện.

Nếu chỉ chạy theo tăng vốn để bán cổ phần thì áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài sẽ là trở ngại chính có thể đánh bật các ngân hàng cổ phần nội có thực lực yếu ra khỏi thị trường.

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Bắt tin tặc chuyên bán thông tin thẻ tín dụng (26/03/2007)

>   Tiền giả qua ngân hàng giảm mạnh (26/03/2007)

>   Lừa ngân hàng Đông Á 8,5 tỷ đồng (25/03/2007)

>   Giá vàng tuần qua tăng nhiều, chủ yếu nhờ USD giảm (24/03/2007)

>   VN nên phát hành nhiều trái phiếu bằng ngoại tệ (24/03/2007)

>   Ngân hàng TMCP Nam Việt và Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu được bổ sung hoạt động kinh doanh ngoại hối (23/03/2007)

>   Banking Vietnam 2007 (23/03/2007)

>   ECB nâng mức báo động đỏ về tình hình lạm phát (23/03/2007)

>   Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép thành lập Ngân hàng (23/03/2007)

>   BIDV được phát hành giấy tờ có giá dài hạn năm 2007 (23/03/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật