Sẽ cổ phần hóa VCB và MHB vào quý II/2007?
Dự đoán khi lên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa, giá trị cổ phiếu của các ngân hàng tăng gấp nhiều lần
Việc chọn nhà tư vấn quốc tế để cổ phần hóa 2 ngân hàng (NH) thương mại Nhà nước đầu tiên là NH Ngoại thương VN (VCB) và NH Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) đã hoàn tất để trình Chính phủ thông qua. Một quan chức NH Nhà nước cho biết, sau khi chọn xong nhà tư vấn cổ phần hóa quốc tế, các bước tiếp theo như xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa... sẽ được thực hiện rất nhanh.
Sau cổ phần hóa sẽ lên sàn
Theo một quan chức NH Nhà nước, thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa VCB và MHB, tổ chức tài chính được chọn để tư vấn cổ phần hóa cho 2 NH này (gồm 3 đối tác đàm phán) đều là những tổ chức tài chính nước ngoài có kinh nghiệm cổ phần hóa, đã tham gia cổ phần hóa một số NH còn lớn hơn VCB và MHB tại thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, quan chức này cho biết, những việc còn lại như định giá, xây dựng phương án phát hành... sẽ được thực hiện nhanh và đều diễn ra trong năm 2007.
Đại diện MHB cũng khẳng định: MHB đã trong tư thế sẵn sàng. Nếu Chính phủ thông qua nhà tư vấn thì tiến trình cổ phần hóa sẽ không quá 90 ngày. Có thể khoảng quý II/2007 MHB sẽ cổ phần hóa. Tương tự, VCB cũng cho biết, khoảng tháng 6- 2007 (cuối quý II) VCB cũng sẽ cổ phần hóa.
Kế hoạch cổ phần hóa các NH trên gắn liền với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên theo một số chuyên gia trên lĩnh vực tài chính- NH, việc niêm yết có thể chưa diễn ra ngay sau khi cổ phần hóa. Bởi vì sau cổ phần hóa sẽ là một cơ cấu quản trị khác. Dù phần vốn Nhà nước vẫn nắm chi phối nhưng việc niêm yết vào thời điểm nào sẽ cần phải có tiếng nói đồng thuận, đặc biệt các cổ đông chiến lược nước ngoài (nếu có) cũng cần có một tiếng nói nhất định.
Tuy nhiên, thời gian chờ lên sàn cũng không kéo dài. Một quan chức NH Nhà nước cho biết, cổ phần hóa nhằm mục đích cải thiện lại điều kiện quản trị để tăng năng lực hoạt động, chứ không phải đơn thuần thay đổi về hình thức sở hữu. Việc lên sàn giúp các NH có điều kiện làm những việc đó, như là buộc phải công khai, minh bạch; áp dụng các chuẩn mực quản trị mới, đưa ra cơ chế lương thưởng, tuyển dụng... Chính vì vậy, việc lên sàn của các NH lớn sau khi cổ phần hóa là cần thiết. Còn đối với các NH cổ phần, việc lên sàn hay không còn dựa trên cơ sở tính toán về lợi ích tài chính cũng như các mục tiêu khác.
Các nguồn tin chúng tôi tham khảo đều chưa tiết lộ thời gian sẽ lên sàn cụ thể sau khi 2 NH nói trên cổ phần hóa vì “điều này phải do hội đồng quản trị NH quyết định”. Thế nhưng, đại diện MHB dự đoán, khi lên sàn giá trị cổ phiếu của MHB sẽ tăng nhiều lần vì MHB là NH trẻ nhất nhưng sự phát triển mạng lưới chi nhánh nhanh nhất.
BIDV cũng đã sẵn sàng
Ngoại trừ VCB và MHB đã có sự chuẩn bị cổ phần hóa khá sớm, NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) và NH Công thương VN (ICB) mới được đưa vào kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2007. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc BIDV, cho biết, BIDV chủ động đề xuất được cổ phần hóa sớm. Thời gian qua, BIDV đã có những bước chuẩn bị cần thiết để cổ phần hóa như thuê xếp hạng tín nhiệm độc lập bởi tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế là Moody’s; phát hành thành công hơn 3.000 tỉ trái phiếu dài hạn nhằm nâng cao năng lực tài chính. BIDV cũng là NH đầu tiên xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá mức độ rủi ro thực sự của các khoản cho vay...
Theo lộ trình cổ phần hóa đã được BIDV công bố, trong quý I/2007 sẽ thuê tư vấn tài chính quốc tế, từ tháng 1 đến tháng 4-2007 sẽ lập và hoàn tất phương án cổ phần hóa, lựa chọn phương thức bán cổ phần vào tháng 6-2007, tổ chức bán cổ phần lần đầu vào quý IV. Đồng thời, tiến hành đại hội cổ đông lần I vào quý IV/2007 hoặc quý I/2008.
NLĐ
|