Thứ Hai, 15/01/2007 23:50

Khi cổ phần hóa chưa tính đến nhà đầu tư chiến lược: “Ly khai” sản phẩm truyền thống

Nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa (CPH) đã không còn hoạt động theo ngành nghề chính trước đây mà chuyển hướng theo các ngành nghề khác. Có những doanh nghiệp khi CPH đã có nhà đầu tư là những người không am hiểu ngành nghề tham gia vào Hội đồng quản trị… Tất cả đang là những vấn đề mà quá trình CPH nên có sự điều chỉnh.

* Sau cổ phần hóa, “ly khai” sản xuất

Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn còn nhớ đến thương hiệu Texgamex. Đó là một thương hiệu có tiếng trước đây, không chỉ chuyên kinh doanh các dịch vụ xuất nhập khẩu mà còn là doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư các sản phẩm ren trang trí nội thất…

Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu Texgamex không còn mấy ai biết đến vì sau khi CPH, doanh nghiệp này đã chuyển sang hoạt động các dịch vụ khác như mở trường dạy nghề, dạy Anh văn… trong khi mảng dệt ren lại không phát triển.

Do đây là một doanh nghiệp có mặt bằng tương đối thuận lợi, kho bãi rộng… nên khi chuyển thành công ty cổ phần, với phần vốn của nhà nước không khống chế, doanh nghiệp đã nhanh chóng “quên” đi mảng sản xuất dệt và tập trung cho mảng dịch vụ mới là thành lập Trung tâm đào tạo và dạy nghề.

Tương tự, nhiều người còn nhớ đến thương hiệu Giấy Mai Lan một thời vang bóng. Sau khi CPH, sản phẩm giấy Mai Lan không còn xuất hiện trên thị trường. Đây cũng là công ty cổ phần có vốn nhà nước không chi phối, lần đầu tiên trong đại hội cổ đông, giám đốc đương nhiệm (cũng là người đại diện vốn nhà nước) không giành được đủ số phiếu bầu và phải bàn giao ngay công việc khiến nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước đang trong diện CPH phải suy nghĩ.

Hiện nay, một số doanh nghiệp nhà nước sau khi CPH đã thu hẹp sản xuất, tập trung vào các hoạt động dịch vụ cho thuê mặt bằng, kinh doanh bất động sản (chủ yếu là sử dụng mặt bằng doanh nghiệp đang quản lý và có lợi thế để xây dựng chung cư cao tầng kinh doanh), hoạt động đầu tư tài chính…

Bà Mai Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy Khối Bộ Công nghiệp tại TPHCM cũng chia sẻ về tình trạng một số doanh nghiệp sau khi CPH không tập trung đầu tư hoạt động vào ngành nghề chính mà chuyển hướng hoạt động sang các ngành nghề khác, thường là kinh doanh bất động sản, một số dịch vụ cho thuê văn phòng hay hình thành các trung tâm thương mại… đang diễn ra khá nhiều.

Đây là một hiện tượng cần xem xét vì chưa biết có hay không nhưng sự chuyển hướng này đã khiến cho nhiều ngành sản xuất mất cân đối và dường như chưa đúng với mục tiêu của chương trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là mục tiêu mà CPH DNNN đã đề ra.

* Những lý giải ban đầu

Vì sao xảy ra hiện tượng như vậy đối với các doanh nghiệp CPH? Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bộ Công nghiệp nhận xét, có lẽ là do quá trình CPH không chú trọng đến các nhà đầu tư chiến lược nên dẫn đến tình trạng trên.

Nhà đầu tư chiến lược ở đây cần phải có những tiêu chí rõ ràng, trong đó có tiêu chí về ngành nghề mà doanh nghiệp đang sản xuất hoặc kinh doanh. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn bởi Ban đổi mới của doanh nghiệp, và ban đổi mới chịu trách nhiệm trước cổ đông về vấn đề này.

Chính từ những tiêu chí như vậy mới có thể có nhà đầu tư hiểu biết và tâm huyết với ngành nghề mà doanh nghiệp đang làm, có vốn, như vậy mới có thể quyết tâm cùng góp vốn đầu tư nâng cấp công nghệ và thiết bị, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thương trường.

Thậm chí trong nhiều ngành nghề, nhà đầu tư chiến lược lại là những người nắm giữ công nghệ, có trình độ quản lý tốt mà doanh nghiệp đang rất cần được chuyển giao để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, do không có qui định cần có nhà đầu tư chiến lược am hiểu ngành nghề khi doanh nghiệp bán cổ phiếu, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ hoặc nhà đầu tư có vốn nhưng không am hiểu về ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trước hết, các nhà đầu tư cá nhân do không có kinh nghiệm hoạt động trong ngành nên khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ có thể bán tháo vốn khiến cho tình hình doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Đó là chưa kể, đối với các doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán, do không có các nhà đầu tư chiến lược, chỉ cần một tin đồn là đủ để các nhà đầu tư bán tháo để rút vốn khiến doanh nghiệp chao đảo và dẫn đến nguy cơ vỡ thị trường chứng khoán, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế chung.

Trước thực tế đang diễn ra, ông Tuất cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp trong quá trình CPH cần lưu ý lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Đặc biệt là trong giai đoạn này có nhiều tổng công ty lớn và tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinatex, Sabeco, Vinashin, Giấy… tiến hành CPH, do vậy việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược đúng nghĩa là hết sức quan trọng để hỗ trợ chiến lược phát triển ngành.

SGGP

Các tin tức khác

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Bộ phận Khu Công Nghiệp Hiệp Phước (15/01/2007)

>   HĐQT CTCP Bóng Đèn Điện Quang tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2006 (15/01/2007)

>   Ngân hàng Đông Á thông báo tạm ứng cổ tức quý 4/2006 (15/01/2007)

>   SHB thông báo họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2006 (15/01/2007)

>   CTCP Điện tử Tân Bình chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên và hưởng cổ tức năm 2006 (15/01/2007)

>   CTCP Đầu tư và Xây dựng số 8 bán đấu giá cổ phần Nhà nước lần 2 (15/01/2007)

>   Cty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông thông báo về việc góp vốn mua cổ phần (15/01/2007)

>   Cty cổ phần may Sài Gòn 3 chi trả cổ tức đợt 2/2006 (15/01/2007)

>   Cổ phần hóa cả Tập đoàn Điện lực! (15/01/2007)

>   Fahasa và những thành tựu sau một năm cổ phần hóa (15/01/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật