Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Hành trình chuẩn bị cổ phần hóa
Cuối tuần qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tiến hành tổng kết năm 2006 và triển khai nhiệm vụ năm 2007. Có thể nói, lần đầu tiên có nhiều vấn đề được thẳng thắn đưa lên bàn nghị sự, mà như nhận xét của các doanh nghiệp, nếu không có các biện pháp chuyển biến kịp thời sẽ không trụ được trước áp lực cạnh tranh quyết liệt. Trong đó, vấn đề triển khai các biện pháp để thực hiện CPH tập đoàn này được tập trung bàn luận và góp ý.
* Không còn giơ cao đánh khẽ
Những thành tích trong năm qua như kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 5,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch của Vinatex đạt 1,3 tỷ USD, được các doanh nghiệp thừa nhận là một thành tích, nhưng cũng chỉ nhắc lướt qua vì các doanh nghiệp chú ý nhiều hơn đến vấn đề cần phải làm thế nào để tồn tại và phát triển trong thời gian tới.
Có thể nói, khi Việt Nam chính thức là thành viên WTO, áp lực đè nặng lên ngành dệt may. Chỉ mới mấy ngày chính thức là thành viên WTO nhưng cũng đã có những thông tin đáng lo ngại: một số khách hàng rút khỏi thị trường Việt Nam do lo ngại có khả năng ngành dệt may bị giám sát đặc biệt nên không biết lúc nào sẽ bị áp đặt hạn ngạch, và như thế ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng của họ.
Một số khách hàng giảm lượng đặt hàng khoảng 20%. Phần lớn các đơn hàng này được chuyển sang các nước bên cạnh do sự ổn định có vẻ cao hơn. Tuy nhiên, Vinatex nhận định, vào WTO cũng mở ra nhiều cơ hội làm ăn lớn nên cần phải nhanh chóng tái cấu trúc lại doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu mới.
Trong các biện pháp để bắt đầu chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, lần đầu tiên Vinatex đã hành xử quyết liệt đối với những cán bộ lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ hoặc để xảy ra hậu quả xấu, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Có những cán bộ cấp cao của tập đoàn bị hình thức cảnh cáo, có giám đốc doanh nghiệp bị cách chức, có những lãnh đạo doanh nghiệp phải làm đơn xin từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ…
Không còn cảnh giơ cao đánh khẽ, dường như bộ máy lãnh đạo của Vinatex đã kịp thời nhận thức được yếu tố con người, đặc biệt là người lãnh đạo, là yếu tố hàng đầu để giúp doanh nghiệp thành công khi hội nhập. Chính vì vậy, cùng với việc xử lý các cán bộ chậm đổi mới năng lực, không năng động, không dám chịu khó chịu khổ…, Vinatex cũng sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài để khai thác vốn, công nghệ, trình độ quản lý…
Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Vinatex nhận xét, trong năm qua, hầu như vải cao cấp bán cho các doanh nghiệp ngành may sản xuất hàng thời trang cao cấp không có. Do vậy, hướng phát triển của tập đoàn chính là làm thế nào có thể đầu tư để chủ động một phần nguyên liệu cho sản xuất, thúc đẩy công tác thiết kế và thực hiện quảng bá thương hiệu.
Thực tế một số dự án đầu tư của tập đoàn trong thời gian qua gặp khó khăn không chỉ về vốn, công nghệ mà còn là khó khăn trong quản lý, vì vậy khi cho các Tổng công ty chịu trách nhiệm gánh vác; đưa vào liên doanh với một số tập đoàn nước ngoài như Burlington ở dự án Hoà Khánh (Đà Nẵng); liên kết khai thác dự án nhuộm và Trung tâm Dệt kim tại Yên Mỹ - Phố Nối với một đối tác Hàn Quốc và một số tư nhân trong nước đã phần nào khắc phục khó khăn, nhiều khả năng sẽ có vải cao cấp cung ứng cho xuất khẩu trong năm tới.
Song song với nhiệm vụ này, năm 2007 cũng là năm Vinatex triển khai nhanh các bước thực hiện để hoàn tất công tác CPH doanh nghiệp vào trong 2008.
* Lựa chọn hướng phát triển phù hợp
Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo nên mặc áo mới cho Vinatex như thế nào đã gây tranh luận gay gắt. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trực thuộc Vinatex đã tiếân hành CPH nhưng tỷ lệ vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp này thấp.
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó tổng Giám đốc Vinatex kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Việt Tiến lo ngại rằng các chính sách và quy định hiện có không theo kịp thực tế như trường hợp sau CPH, hoạt động của các doanh nghiệp thành viên không được tính vào doanh nghiệp chung, do vậy doanh thu hoặc lao động sẽ giảm. Đó là chưa kể, trong định huớng CPH chưa thấy rõ hướng phát triển chuyên ngành dệt may mà chỉ mở hướng kinh doanh đa ngành nghề.
Tuy nhiên, hầu hết các giám đốc doanh nghiệp đều thống nhất, cần nhanh chóng tiến hành CPH tập đoàn Vinatex để phù hợp với tình hình hội nhập và mới có thể ký kết các hợp đồng lớn và tránh tình trạng bị kiện bán phá giá…
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, quá trình CPH tập đoàn này sẽ xác định theo hướng tuy là doanh nghiệp đa sở hữu nhưng ai nắm giữ phần lớn vốn sẽ kiểm soát tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp.
Do vậy, Vinatex sẽ không bán cổ phần trong 2.540 tỷ đồng vốn đang quản lý mà thực hiện phương án phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư chiến lược, phát hành thêm trong từng năm để từng bước làm phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng giảm dần. Vinatex sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có kinh nghiệm về ngành dệt may để chủ động mời tham gia.
Với cách làm này, sau một thời gian, quy mô của tập đoàn dệt may sẽ tăng lên gấp 2-3 lần. Để đảm bảo định hướng sản xuất sản phẩm dệt may là chủ lực, Vinatex cũng sẽ nắm giữ 3 Tổng Công ty mới thành lập là Hà Nội, Phong Phú và Việt Tiến, xây dựng hệ thống bán lẻ và phát triển hệ thống này…
SGGP
|