Nhiều sơ suất khi đấu giá cổ phiếu
Ngày 30/12/2006, hàng nghìn người cố chen vào Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để có chân trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Ấy thế mà nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ cơ hội sở hữu cổ phiếu PVI chỉ vì quên không ký tên vào phiếu lệnh, quên ghi giá, khối lượng, thậm chí quên cả bỏ phiếu. Theo thống kê của ban tổ chức, ít nhất 50 trường hợp đã mất tiền đặt cọc tại Trung tâm.
Phiên đấu giá PVI quá tải, mức độ cạnh tranh giá lẫn số lượng nhà đầu tư tham dự đều kỷ lục. Hàng nghìn nhà đầu tư xếp hàng trước cửa trung tâm để chờ đến lượt bỏ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đã ủy thác nhưng lo ngại không trúng thầu đã nhảy vào tham gia trực tiếp. Trong khi đó, sàn Hà Nội nếu ken chật thì cũng chỉ có sức chứa 500 người.
Trong không khí sôi sục đó, không ít nhà đầu tư đã bị cuốn theo đám đông, mắc những lỗi ngớ ngẩn hoặc đặt giá cao ngất ngưởng.
Theo thông lệ, thời điểm bắt đầu mở hòm phiếu là 14h, song Ban tổ chức đã phải mở từ 8h để có đủ thời gian tiến hành kiểm phiếu. Kết quả được công bố khiến không ít người giật mình, giá trúng thầu bình quân lên đến 160.250 đồng/cổ phần, cao gấp 14 lần giá khởi điểm (11.500 đồng). Giá chào mua cao nhất đạt 11,5 triệu đồng/cổ phần. Chỉ có 349 nhà đầu tư trong tổng số 7.958 người tham dự mua được cổ phần.
Người đưa ra mức giá không tưởng 11,5 triệu đồng đặt mua 100 cổ phần. Phiếu lệnh của nhà đầu tư này có phần số và chữ rõ ràng vì thế rất khó có thể nghĩ là ghi nhầm giá. Lãnh đạo Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không loại trừ trường hợp nhà đầu tư cố tình "chơi trội", song không ít ý kiến cho rằng đặt cao như vậy để kích giá lên.
Một trong những lý do khiến cổ phần PVI hấp dẫn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm, ngành có tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn, nên nhà đầu tư có kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý đám đông đã thể hiện rất rõ trong phiên đấu giá này.
Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội Nguyễn Vũ Quang Trung kể: "Có người làm thủ tục đăng ký xong quay ra hỏi công ty này tên là gì?". Tại phiên đấu giá, rất nhiều nhà đầu tư trẻ măng đặt giá 1-2 triệu cho 1 cổ phần.
Cảnh giác tâm lý đám đông
Khi được hỏi "Ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư mới tham gia đấu giá", ông Nguyễn Vũ Quang Trung ví von đây là một cuộc chơi, trong đó yếu tố tâm lý rất quan trọng. Chủ trò là doanh nghiệp, còn người chơi là nhà đầu tư. Hiện nhà đầu tư rất ít đọc quy chế nên không nắm được luật chơi.
"Đọc quy chế đấu giá rất khô khan nhưng với những người đi đấu giá nhiều, các quy định trong bản quy chế không bao giờ thừa", ông nói.
Đi kèm quy chế bao giờ cũng có bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần đọc tài liệu đó, đồng thời tìm hiểu thêm thông tin về doanh nghiệp, đây là những cơ sở giúp họ xác định được giá đặt mua có lợi cho mình nhất. Trong bối cảnh tranh mua hiện nay, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến khả năng tài chính.
Ông Trung cảnh báo: "Nếu ham hố mua bằng được sau phải vay nợ để trả tiền lấy cổ phần thì rất nguy hiểm".
Một yếu tố khác cần tránh là nhiều nhà đầu tư cá nhân mắc tính đa nghi, chờ đến những phút cuối cùng mới đặt giá nên dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, chen lấn xô đẩy mất tỉnh táo. Với cảnh 5.000 nhà đầu tư ghi phiếu thì rất dễ bị kích thích đặt giá cao. Khi quyết định trả giá, nên tính toán khả năng tài chính của mình, không nên tiết lộ giá của mình với xung quanh và không nên quá quan tâm đến mức giá của người khác.
Sáng nay, hàng trăm nhà đầu tư đến rút tiền đặt cọc tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Bác Nguyễn Văn Tài nhà ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm nói: "Hôm đó thấy mọi người đặt cao quá tôi định ghi lệnh lên 210.000 đồng, song lại quyết tâm giữ giá 140.000 đồng như đã tính từ nhà. Giờ không mua được cũng mừng, mà mua được thì lại lo giá trúng bị đẩy lên quá cao".
Phân cấp đấu giá
Sang năm 2007, nhiều doanh nghiệp lớn như ngân hàng, dầu khí, viễn thông sẽ bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài. Theo nhận định của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, các đợt đấu giá chắc chắn sẽ sôi động, thu hút nhiều người tham gia, quy mô có thể lớn hơn cả phiên đấu giá PVI mới đây.
Trước tình hình này, Trung tâm đã kiến nghị Bộ Tài chính cho thực hiện chế độ 2 cấp. Đấu giá có thể tổ chức tại các công ty chứng khoán, trung tâm sẽ tập trung nhân lực để giám sát thay vì đảm trách mọi khâu từ nhận đăng ký, thu tiền đặt cọc đến tổ chức đấu giá như hiện nay.
"Nhà đầu tư đã quen với việc đến sàn để mua cổ phiếu niêm yết thì họ cũng sẽ quen với việc đến các công ty chứng khoán tham gia đấu giá cổ phần", ông Trung nói.
VnExpress
|