Chủ Nhật, 14/01/2007 23:34

Cổ phiếu OTC sôi sùng sục

Nếu như chứng khoán trên sàn "sốt" 40 độ C thì nhiệt độ thị trường chợ đen ít nhất gấp đôi. Tuần qua, giá cổ phiếu trên thị trường không chính thức liên tục bị đốt nóng trước sự săn lùng ráo riết của nhà đầu tư.

Danh sách cổ phiếu rao bán, rao mua trên trang web www.sanOTC.com dài dằng dặc. Ở mục dư mua click đến trang thứ 10 (mỗi trang có 30 tin) vẫn thấy đề "new" (tin mới). Hà, một nhà đầu tư cá nhân, khoe: "Vừa ôm được 5.000 cổ phiếu Alphanam giá 72.000 đồng một cổ (gấp 7,2 lần mệnh giá), hai hôm sau chính người bán gọi điện lạy lục xin mua lại với giá 83.000 đồng, sáng 13/1, giá đã vọt lên 88.000 đồng". Vì chẳng có cơ sở nào để định giá cổ phiếu, Hà thử đăng tin rao bán lô cổ phiếu vừa mua trên mấy trang rao vặt, điện thoại của cô liên tục đổ chuông, nghe phát mệt. Có người gọi đến hỏi mua, cũng trả giá kỳ kèo trong khi tên công ty phát âm còn sai.

Giá cổ phiếu trên thị trường chợ đen không tính theo ngày, không có biên độ tăng giảm 5% như sàn TP HCM hay 10% như sàn Hà Nội mà bị đốt nóng từ giờ, thậm chí từng phút. Sáng 13/1, anh Hoàng Tùng (Bạch Mai, Hà Nội) đặt cọc 30 triệu đồng mua lô cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giá 410.000 đồng (mệnh giá 100.000 đồng), đến giờ thanh toán buổi trưa ôm tiền đến làm thủ tục, người bán trả lại tiền cọc kèm theo 30 triệu đồng bồi dưỡng để xí xóa vì đã có khách sộp hơn nẫng mất.

Vài tuần trước, cổ phiếu của Mai Linh mới ở giá 21.000 đồng hiện đã vọt lên 43.500 đồng. Một số nhà đầu tư Hà Nội còn sốt sắng bay vào Nam chờ đợi trước trụ sở công ty để gom hàng. Một người tiết lộ họ cũng chẳng có mục đích gắn bó gì với công ty mà chủ yếu đánh hàng ra Bắc vì ngoài đó được giá hơn.

Săn lùng cổ phiếu của những công ty đang hoạt động, "có xương có thịt" là chuyện bình thường. Giờ ngay cả cổ phiếu của những doanh nghiệp mới được cấp phép, chưa thấy mặt mũi trụ sở đâu cũng là hàng "nóng". Nhiều nhất trong khối này là các ngân hàng nhỏ, công ty chứng khoán. Ấy vậy mà giá không hề mềm, ít nhất cũng "đầu 2" (gấp 2 lần mệnh giá).

Cách đây 1 tháng, dự án thủy điện xây dựng tận bên Lào của Tổng công ty Sông Đà quảng cáo khản cổ tìm vốn đầu tư vì 5 năm nữa nhà máy này mới xây xong mà chẳng mấy ai quan tâm. Thế mà hiện tại một cổ phần có mệnh giá là 100.000 đồng đã được rao bán trên thị trường với giá bằng 1,2 lần.

Coi chừng bong bóng nổ

Hỏi 10 nhà đầu tư mua cổ phiếu OTC thì có tới 8 người không nắm được hoạt động của các công ty. Hà mua cổ phiếu Alphanam nhưng bảo cô kể tên một vài dự án lớn của doanh nghiệp này cô xin chịu, thậm chí ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp cô cũng chẳng biết. "Thời buổi nhá nhem này mới dễ kiếm, biết là rủi ro nhưng cứ nhát thì bao giờ mới có tiền", Hà phát cáu khi anh chồng cứ cằn nhằn sao rút hết tiền tiết kiệm ra ôm cổ phiếu.

Nhận xét về phong trào chơi chứng khoán hiện nay, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN Trần Bắc Hà tỏ ra lo lắng: "Người ta cứ mua cổ phiếu ào ào làm gì có thời gian mà đánh giá hệ thống mạng lưới chi nhánh, đội ngũ nhân sự, tổng tài sản, lợi nhuận, khả năng quản trị của doanh nghiệp. Tiền từ túi người này đổ sang túi người kia chứ được bao nhiêu vốn phục vụ cho phát triển kinh tế?".

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán VN, cho rằng giá một số cổ phiếu “trên trời” như thời gian vừa qua chủ yếu là do các thông tin đồn thổi không chính xác. Người môi giới thường đưa ra những thông tin rất hấp dẫn nhưng chẳng ai có thể kiểm chứng chúng đúng hay sai. "Một công ty chứng khoán chưa hoạt động mà cổ phiếu đã gấp hai lần mệnh giá. Rõ ràng giá trị của tờ giấy phép là phi thực tế, rủi ro trong những trường hợp như vậy thật khó lường", ông Kỳ nói.

VNE

Các tin tức khác

>   Đồng Tâm mua 20% cổ phần đá trang trí Vĩnh Cửu (13/01/2007)

>   Cục đường bộ VN: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đường bộ (13/01/2007)

>   Sắp xét xử vụ án Yteco, Seaprodex, đất đai Gò Vấp (12/01/2007)

>   Thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại Công ty cổ phần A.74 (12/01/2007)

>   Ngân hàng Quân đội lãi 241,4 tỷ đồng (12/01/2007)

>   Đấu giá 'nóng', không có nhà đầu tư ngoại (12/01/2007)

>   Các ngân hàng Nhà nước vào giai đoạn cổ phần hoá nước rút (12/01/2007)

>   CTCP Vật liệu Xây Dựng và Trang trí Nội thất tăng vốn điều lệ và tạm ứng cổ tức đợt II năm 2006 (12/01/2007)

>   “Sẽ tiếp tục là số một trong lĩnh vực tư vấn giám định” (12/01/2007)

>    Người đánh cược với VPBank (12/01/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật