Cục đường bộ VN: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đường bộ
Trong năm 2006, nhiều văn bản hướng dẫn thực thi Luật GTĐB đã được ban hành; Hệ thống giao thông đường bộ được bảo dưỡng thường xuyên; Nhiều điểm đen, cầu yếu được ưu tiên nguồn vốn để khắc phục, sửa chữa; Chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được nâng lên một bước; Cải cách hành chính, cổ phần hoá các doanh nghiệp QLSC đường bộ được để tạo bước chuyển biến mới trong hoạt động quản lý, bảo trì đường bộ.
Ngay từ đầu năm 2006, các nhiệm vụ kế hoạch đã được bàn bạc, thống nhất biện pháp thực hiện và triển khai tới các đơn vị thuộc Cục ĐBVN. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn bảo trì đường sá vẫn không được cấp đủ theo nhu cầu, bão lũ liên tiếp xảy ra làm hư hại nhiều tuyến đường, lưu lượng phương tiện gia tăng… song, với những nỗ lực lớn, CBCNV ngành Đường bộ năm qua đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đường bộ.
Năm 2006, Cục ĐBVN tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn việc thi hành Luật GTĐB. Các văn bản được ban hành đã đi vào cuộc sống: Nghị định 110/2006/NĐ-CP về Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Quyết định số 36/2006/QĐ-BGTVT về Quy chế bồi dưỡng pháp luật GTĐB cho người điều khiển xe máy chuyên dùng, Quyết định số 04/2006/QĐ-BGTVT Quy định về đảm bảo ATGT khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Chỉ thị 01/2004/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định tiếp tục được triển khai. Là thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị, Cục ĐBVN đã tích cực hướng dẫn các địa phương quản lý chặt chẽ các thủ tục hiệp thương, đăng kí phương tiện tham gia chạy tuyến, quy định các điểm dừng đón trả khách, khuyến khích phát triển vận tải buýt liên tỉnh... nên các hiện tượng tiêu cực trong vận tải khách tiếp tục giảm rõ rệt.
Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX” được triển khai tích cực. Đến nay Cục ĐBVN đã hoàn thành quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và đang hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đến nay toàn quốc đã có 21 trung tâmsát hạch lái xe hoạt động theo các tiêu chuẩn hiện đại, trong đó riêng năm 2006, Cục ĐBVN đã đôn đốc, đưa thêm 13 trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện vào hoạt động, góp phần đảm bảo chất lượng bằng lái xe được cấp mới.
Trong điều kiện nhiều tuyến quốc lộ còn chưa vào cấp, nguồn vốn ngân sách hạn chế được tính toán kĩ lưỡng để đáp ứng công tác quản lý và sửa chữa đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Các công tác trọng tâm như xử lý cầu yếu, cải tạo điểm đen, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo ATGT được ưu tiên bố trí vốn. Trong năm, sửa chữa thường xuyên được cấp 433,004 tỉ đồng, sửa chữa định kì được cấp 971,325 tỉ đồng. 160 cầu yếu đã được sửa chữa khôi phục, 15 cầu được làm mới thay thế cầu yếu, 64 cầu yếu được kiểm định, 66 điểm đen được cải tạo, 12.000 biển báo hiệu đường bộ được bổ sung, trên 800 km QL được láng nhựa và bê tông nhựa.
Thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước, Cục ĐBVN năm qua đã tích cực xây dựng các định mức kinh tế kĩ thuật, chế độ chính sách và quy chế về chuyên ngành đường bộ để hướng dẫn các địa phương cùng thống nhất áp dụng. Công tác thu thập, báo cáo số liệu đường bộ địa phương, để xây dựng cơ sở dữ liệu đường bộ địa phương được Cục ĐBVN tiếp tục hướng dẫn các Sở GTVT, GTCC thực hiện. Nhiều chương trình quản lý cầu đường bộ phối hợp với các tổ chức trong nước và nước ngoài đã được xây dựng và chuyển giao cho các địa phương.
Từ quý III-2006, Cục ĐBVN được Bộ GTVT giao làm Chủ đầu tư một số dự án theo tinh thần NĐ 16 và 112 của Chính phủ. Cục đã báo cáo Bộ và cho thành lập 2 phòng quản lý dự án để tham mưu, giúp việc Cục trưởng triển khai nhiệm vụ. Công tác này đang tiến triển theo đúng kế hoạch.
Công tác thanh tra bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự ATGT được triển khai với nhiều hoạt động tích cực. Trong năm Thanh tra ĐBVN đã tham gia xây dựng 9 văn bản pháp luật, giúp lãnh đạo Cục làm tốt công tác tuyên truyền ATGT, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ công trình giao thông, phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát về QLHC về TTXH bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đảm bảo trật tự vận tải.
Có thể nói, trong điều kiện nguồn kinh phí ngân sách cấp chỉ đảm bảo 50% nhu cầu quản lý, bảo trì đường bộ, trong khi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đang gia tăng với tốc độ “nóng” như hiện nay, đảm bảo giao thông vận tải được thông suốt an toàn là nhiệm vụ cực kì khó khăn. Nhưng năm 2006 là một năm được ghi nhận với nhiều nỗ lực của CBCNV toàn Cục ĐBVN để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
GTVT
|