Các ngân hàng Nhà nước vào giai đoạn cổ phần hoá nước rút
Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước là Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển nhà ở đồng bằng Cửu Long (MHB), Ngân hàng Ngoại thương (VCB) và Ngân hàng Công thương (ICB) đều đang triển khai các giải pháp của cuộc chạy nước rút trong tiến trình cổ phần hoá.
Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hoá cho VCB và MHB. Theo nhận định của các quan chức thuộc Vụ Chiến lược phát triển các ngân hàng, sau khi chọn được nhà tư vấn, các bước tiếp theo như xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hoá sẽ được tiến hành rất nhanh, vì các nhà tư vấn được chọn đã mang tính chuyên nghiệp cao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Về phần mình, VCB cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán chọn tư vấn quốc tế, đang hoàn tất tổng kết hoạt động kinh doanh và các báo cáo liên quan để làm cơ sở xây dựng phương án cổ phẩn hoá. Lãnh đạo VCB cho hay, các đối tác tư vấn đã cam kết sẽ hoàn tất phương án trong 6 tháng để có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ngay sau đó, dự kiến vào quý 3/2007.
Mặc dù mới được quyết định bổ sung vào kế hoạch cổ phần hoá trong năm 2007, nhưng BIDV đã chính thức công bố lộ trình cổ phần hoá rất cụ thể. Theo đó, quý 1/2007 BIDV sẽ thuê tư vấn tài chính quốc tế và hoàn tất phương án cổ phần hoá, lựa chọn phương thức bán cổ phần vào tháng 6, bán lần đầu vào quý 4 năm nay và đại hội cổ đông lần thứ nhất trong cùng thời gian đó hoặc sang đầu năm 2008.
BIDV là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên ở Việt Nam thuê xếp hạng tín dụng với sự thực hiện của của tổ chức xếp hạng quốc tế độc lập có uy tín Moody’s. Với việc vừa phát hành thành công hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, BIDV đã trở thành ngân hàng thứ hai, cùng với VCB, có tỷ lệ an toàn vốn CAR (vốn tự có/tài sản có rủi ro) đạt tiêu chuẩn quốc tế. BIDV cũng là ngân hàng đi đầu trong việc kiên quyết xử lý nợ xấu, tỷ lệ này đã giảm từ 19,04% vào cuối năm 2005 xuống còn 9,1% vào cuối năm 2006 theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), việc cổ phần hoá ngân hàng thương mại sẽ vẫn theo chủ trương Nhà nước giữ cổ phần chi phối và tạo mọi điều kiện thuận lợi để khối ngân hàng này phát triển nhanh, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục là nòng cốt trong cung cấp các dịch vụ ngân hàng và nắm giữ khoảng 70% thị phần.
Ngay trong hội nghị về công tác ngân hàng năm 2007 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các ngân hàng thương mại quốc doanh nói riêng và phát triển nhanh và bền vững hệ thống ngân hàng thương mại nói chung, trong đó, chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh, kiểm soát rủi ro, phát triển dịch vụ mới và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán./.
TTXVN
|