Cổ phần hoá chậm: Không do lỗi các ngân hàng
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có ý kiến chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá (CPH) các ngân hàng quốc doanh. Trong đó, Thủ tướng đã phê bình việc tiến trình CPH các ngân hàng quốc doanh diễn ra chậm và việc đến nay vẫn chưa lựa chọn được nhà tư vấn CPH là một khuyết điểm cần khắc phục.
Trao đổi mới đây với báo chí, ông Đỗ Đức Cường - chuyên gia về ngân hàng, tư vấn cao cấp Ngân hàng Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho rằng, khi chuẩn bị gia nhập WTO, Chính phủ đã có chủ trương đưa ra một lộ trình rất rõ ràng về CPH các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, đến bây giờ khi các DN đã CPH một cách tương đổi ổn nhưng vẫn chưa có một ngân hàng nào cổ phần hoá. Sự chậm chạp trong CPH ngân hàng sẽ mang tới nhiều bất cập cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo mới đây của Thủ tướng và sự chuẩn bị sẵn sàng của các ngân hàng thì tiến trình CPH sẽ được đẩy nhanh hơn.
- Theo ông, vì sao tiến trình CPH Ngân hàng Nhà Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra chậm và đâu là điểm vướng nhất hiện nay?
- So với các ngân hàng quốc doanh khác, MHB có nhiều đặc thù, đây là ngân hàng còn rất trẻ nhưng trong 4 năm qua MHB đã liên tục sử dụng kiểm toán quốc tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo MHB có quyết tâm cao độ về CPH. Vì vậy, việc CPH MHB tôi cho rằng sẽ nhanh chóng hơn các ngân hàng khác. Tuy nhiên, đến nay CPH vẫn chậm. Chậm đây không phải là do quyết tâm của MHB không cao mà dường như là quy định chọn nhà tư vấn cho CPH. MHB không thể quyết định việc chọn nhà tư vấn được mà phải một cơ chế khác quyết định mà khi quyết định chậm MHB không làm gì được cả.
Nếu để ngân hàng tự quyết định chọn nhà tư vấn có lẽ đi nhanh hơn. Theo tôi, nên giao trách nhiệm này cho các ngân hàng, anh làm sai anh phải chịu trách nhiện hơn là anh phải phụ thuộc vào cơ chế Chính phủ.
- Việc lựa chọn nhà tư vấn cho MHB đã được thực hiện thế nào rồi thưa ông?
- Đến nay, MHB đã phỏng vấn các nhà tư vấn và trình danh sách lên các cơ quan nhà nước chờ quyết định. Tôi nghĩ với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vừa rồi thì quyết định để lựa chọn nhà tư vấn MHB sẽ diễn rất nhanh. Tôi hy vọng việc này sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày tới.
- Vậy bao giờ thì MHB có thể tiến hành cổ phần hoá thưa ông?
- Vấn đề là phải thông qua tất cả các thủ tục nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính... Tôi tin rằng với sự chuẩn bị hiện nay cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng thì tiến trình sẽ nhanh hơn. Với sự chuẩn bị của mình, hiện nay MHB đang trong tư thế rất sẵn sàng. Nếu chọn lựa được nhà tư vấn và được thông qua thì tiến trình CPH sẽ không quá 90 ngày. Như vậy vào khoảng quý 2 năm 2007, MHB sẽ CPH.
- Ông có thể dự đoán, sau khi CPH và thực hiện niêm yết trên sàn thì giá trị thị trường của MHB sẽ diễn biến như thế nào?
- Như chúng ta thấy, MHB là ngân hàng trẻ nhất nhưng sự phát triển mạng lưới chi nhánh là rất nhanh nhất, giá trị MHB là rất là cao. Tôi nghĩ khi lên sàn sẽ tăng và đi từ 10 - 20 lần. Tôi nghĩ, đây không phải là một mức giá quá cao. Hãy nhìn cổ phiếu của Ngân hàng Á châu và Ngân hàng Đông Á; Ngân hàng thương mại cổ phần Á châu thì đã lên sàn; Ngân hàng Đông Á chưa lên sàn nhưng mà giá đã xấp xỉ 20 lần.
- Ông có thể cho biết, sau khi CPH MHB sẽ phát triển kinh doanh theo hướng nào?
- MHB đang có những định hướng phát triển trên cả hai thi trường trong và ngoài nước. Hiện nay, MHB đang có mạng lưới rất rộng, MHB cũng có mạng lưới khá mạnh ở biên giới Việt - Trung; Hiện nay, MHB cũng là đối tác chiến lựoc trong liên minh thẻ của Đông Á... MHB đã chọn cho mình con đường đi gần gũi và thân cận với vùng sâu vùng xa. Họ là khách hàng bán lẻ, MHB đi vào bán lẻ nhưng không tập trung vào đô thị.
Mới đây, MHB đã đạt được một thoả thuận hợp tác chiến lực với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông trong lĩnh vực cung cấp và sử dụng dịch vụ. Đây là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng một hạ tầng công nghệ phục vụ các hoạt động tài chính đa kênh, đa quốc gia. Đây được xem như nền tảng cho sự phát triển, bởi vì cơ sở hạ tầng đi về vùng sâu, vùng xa không phải dễ mà có; phát triển dịch vụ ra biên giới về vùng nông thôn và liên kết quốc tế đòi hỏi một hạ tầng rất vững chãi.
Chúng tôi đã nhận ra nếu không có sự liên kết thì dịch vụ tài chính ngân hàng và Bưu chính Viễn thông chỉ nằm trong vùng đô thị và điều này không giúp gì cho sự phát triển đồng bộ của đất nước chúng ta. MHB và VNPT đã có sự hợp tác hướng tới một sự phát triển bền vững cho cả hai. Sau đây, MHB sẽ ký kết với một số ngân hàng ở các nước như Trung Quốc để hỗ trợ DN đôi bên trong vấn đề thanh toán biên mậu, giúp cho thanh toán biên mậu nhanh hơn và giúp cho tiến trình hiện đại hoá hải quan.
VNN
|